Chủ Nhật, 28/12/2014 19:23

Tăng cường chăm sóc diện tích lúa gieo sạ muộn

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, so với cùng kì năm trước, số diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi ốc bưu vàng toàn tỉnh tăng 635 ha. Có khoảng 100 ha bị nhiễm nặng, còn lại mật độ nhiễm phổ biến 3-5 con/m2, nơi cao 40-50 con/m2.

Sâu bệnh xâm hại

Đầu năm nay, diễn biến thời tiết phức tạp, triều cường gây vỡ đê khiến hàng trăm ha lúa vụ đông xuân tại huyện Quảng Điền ngập úng, nông dân buộc phải gieo sa lại lần thứ 2,3. Nhiều diện tích ngập nặng đành bỏ hoang. Theo đó, khung lịch thời vụ bị đảo lộn. Vụ hè thu, số diện tích này nông dân đưa vào gieo sạ chậm hơn so với thường lệ.

Mật độ ốc bưu vàng xuất hiện trên cánh đồng nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái

Hiện nay, bên cạnh hầu hết các diện tích lúa trên địa bàn tỉnh bước vào giai đoạn gần làm đòng thì nhiều diện tích vừa chỉ được người dân gieo sạ được hơn 10 ngày. Ông Thái Toản (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) cho biết: “Tui làm hơn một mẫu ruộng, bởi vụ đông xuân vừa qua ruộng bị ngập úng nên vụ này bây giờ vừa chỉ mới sạ được gần nửa tháng. Trong khi lúa của những người khác đã bước vào giai đoạn “cứng cây” thì tui phải dặm lại một số diện tích bị ốc bưu vàng cắn phá”.

Theo nhiền người dân, so với các vụ trước, vụ hè thu năm nay, ốc bưu vàng xuất hiện với mật độ nhiều hơn, nhất là những khu vực ruộng cạnh kênh, hói. “Ốc bưu vàng xuất hiện chủ yếu tại những vùng ruộng ngập nước trước đây, chúng sinh sống tại các kênh hói bên chân ruộng. Khi gieo sạ, chỉ cần nước tràn vào đồng thì theo đó ốc xuất hiện ngày càng nhiều”, bà Hồ Thị Bé (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) nói.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, so với cùng kì năm trước, số diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi ốc bưu vàng toàn tỉnh tăng 635 ha. Có khoảng 100 ha bị nhiễm nặng, còn lại mật độ nhiễm phổ biến 3-5 con/m2, nơi cao 40-50 con/m2.

Để ứng phó, ngăn chặn ốc bưu vàng lây lan, ngay trước khi gieo sạ, trong khâu làm đất, nông dân bón thêm thuốc diệt ốc. Khi lúa phát triển, sẽ tiến hành bắt thủ công. “Cứ 1 mẫu ruộng phải tốn 250 nghìn tiền thuốc diệt ốc. Vụ này, ốc xuất hiện với mật độ rất cao. Ngoài sử dụng thuốc  trong danh mục cho phép thì không còn cách nào khác”, ông Toản bày tỏ.

Ngoài ốc bưu vàng, một số trà lúa muộn của người dân hiện cũng bị sâu bệnh xâm hại. Ông Nguyễn Văn Trình (thôn Triều Sơn Trung, xã Hương Toàn) chia sẻ: “Tui trồng 5 sào, hiện lúa đang bị rầy lưng trắng xâm hại, mật độ mỗi mét vuông lên đến cả ngàn con. Theo kinh nghiệm, từ thời điểm tháng 2 rầy bắt đầu sinh sản, đến mùa nắng nóng bắt đầu phát tán. Do vậy, tui đang tích cực phun thuốc để diệt. Tuy nhiên, loại rầy này xuất hiện theo từng khu vực. Hiện lúa đã gần làm đòng nên không ảnh hưởng quá lớn”.

Tích cực chăm sóc

Ông Hoàng Vọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Điền cho biết, việc gieo cấy trễ hơn so với khung lịch thời vụ khiến nhiều diện tích bị ngập úng trước đây có khả năng bị sâu bệnh xâm hại cao. Một số loại sâu bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng như, rầy, khô vằn, cuốn lá, lem lép hạt. Do lúa qua nhiều chu kì phát triển nên sâu bệnh càng xâm hại nặng nề. 

Nông dân Quảng Điền tích cực chăm sóc những trà lúa gieo sạ trễ so với khung lịch thời vụ

“Những trà lúa gieo sạ sau sẽ bị sâu bệnh từ các trà gieo trước dồn sang. Ngoài ra, do trễ khung lịch thời vụ nên gặp phải sự phát triển mạnh mẽ của sâu bệnh, mật độ sâu bệnh thường cao gấp 40 lần so với thông thường. Do vậy, nông dân cần tích cực thăm đồng, kiểm tra phun thuốc đầy đủ, đúng quy trình để phòng trừ dịch bệnh”, ông Vọng nhận định. “Tại huyện Quảng Điền, có hơn 130 ha ruộng bị ngập úng trước đây gieo sạ trễ, những diện tích này nằm ở vùng ruộng thấp, gần vùng nước đọng nên rất dễ bị ốc bưu vàng xâm nhập. Đây là loại sinh vật ngoại lai, sinh trưởng và phát tán nhanh nên người dân nên sử dụng các biện pháp cạnh tác hợp lý, hạn chế sử dụng thuốc hóa học có độc lực mạnh để diệt ốc tránh ảnh hưởng đến nguồn nước và chất đất”, ông Vọng cho biết thêm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở đã hướng dẫn cơ cấu giống và lịch thời vụ gieo trồng. Tuỳ thời gian sinh trưởng của từng loại giống và điều kiện thực tế của địa phương để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp, đảm bảo lúa vụ hè thu trổ tập trung từ 15/7 đến 30/7, phấn đấu thu hoạch xong trước ngày 5/9. “Dịch bệnh trên lúa thường tùy vào giai đoạn và thời điểm. Hiện, đa số diện tích lúa trên địa bàn tỉnh đang phát triển tốt. Song, đối với diện tích gieo sạ muộn, nông dân cần tích cực chăm sóc để tránh sâu bệnh lây lan”, ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nói.

Bài, ảnh: L. Thọ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó hợp tác xã (HTX) làm khâu trung gian kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến sản phẩm đang được ngành nông nghiệp từng bước nhân rộng.

Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới
Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới

Hàng ngàn máy cày, máy thu hoạch lúa gặt đập liên hợp hiện đại được các hợp tác xã, người dân mua sắm, ứng dụng vào sản xuất, nhưng vẫn chưa đáp ứng trước yêu cầu trong tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay.

Phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng
Phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, tính đến ngày 5/2, trên địa bàn tỉnh có khoảng 800ha cao su, cây ăn quả, hồ tiêu… bị sâu bệnh gây hại.