Thứ Tư, 11/03/2015 15:41 (GMT+7)
Tăng cường chăm sóc phát triển trẻ em toàn diện
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án "Tăng cường chăm sóc phát triển trẻ em toàn diện gắn liền với đổi mới hệ thống y tế tại Việt Nam" do Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) tài trợ.
Dự án nhằm góp phần tăng cường năng lực của hệ thống y tế trong lĩnh vực bà mẹ - trẻ em nhằm mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng cho phát triển trẻ em toàn diện (IECD) bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dinh dưỡng, vệ sinh môi trường cho trẻ em đặc biệt là nhóm trẻ dễ bị tổn thương góp phần đảm bảo hòa nhập xã hội và công bằng xã hội vì chất lượng của giống nòi cũng như chất lượng của nguồn nhân lực xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tương lai.
Dự án được thực hiện từ năm 2017 - 2021, địa điểm thực hiện dự án cấp quốc gia (tại Hà Nội) và 3 tỉnh trọng điểm: Gia Lai, Kon Tum và Điện Biên.
Dự án sẽ can thiệp chăm sóc sớm toàn diện được triển khai lồng ghép tại cộng đồng và tuyến y tế cơ sở trên cơ sở nâng cao năng lực của cán bộ y tế tuyến trung ương và tỉnh; các chiến lược truyền thông thay đổi hành vi lồng ghép nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành vi chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, tiêm chủng mở rộng, dinh dưỡng, nước sạch, vệ sinh môi trường có liên quan đến IECD được xây dựng và phổ biến...
Về hạn mức vốn của dự án, vốn ODA không hoàn lại là 5.119.595 USD; vốn đối ứng bằng tiền mặt 16.036.659.088 đồng, bằng hiện vật tương đương 8.056.332.000 đồng (cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn sẵn có).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế rà soát, đảm bảo thực hiện Dự án không trùng lặp với các dự án sử dụng vốn nước ngoài và vốn ngân sách nhà nước khác.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế quản ý Dự án phù hợp; xác định rõ trách nhiệm của Cơ quan chủ quản, Chủ dự án, các cơ quan đồng thực hiện trong triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và hiệu quả Dự án.
Đồng thời, phối hợp với Nhà tài trợ xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Dự án theo đúng các quy định hiện hành về quản lý và sử dụng ODA.
Theo VPCP