Thứ Năm, 27/08/2015 08:54

Tăng lương để bác sĩ chuyên tâm vào nghề và giữ vững y đức

Những năm qua, ngành y tế hướng đến sự đổi mới toàn diện để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh cũng là giúp thầy thuốc giữ vững lời thề Hippocrates.

Ở thời đại nào thì nghề y cũng là một nghề đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn lại có những nhìn nhận và đòi hỏi khác nhau về y đức.

Ngày nay, bên cạnh việc cứu chữa cho người bệnh, thầy thuốc phải lo toan cuộc sống của chính bản thân và bệnh viện phải lo tự chủ tài chính.

Trong mọi thời đại, ngành y luôn là ngành đặc biệt, liên quan đến sức khỏe con người. (Ảnh minh họa. Nguồn: KT)

Theo Giáo sư Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, để giữ vững được y đức, ngành y tế cần có giải pháp tổng thể giải quyết mối quan hệ giữa sự cống hiến và mưu sinh của thầy thuốc: “Nếu không quan tâm đến bài toán tổng thể của hệ thống y tế thì chúng ta không giải quyết được vấn đề tự chủ trong bệnh viện. Tự chủ nhằm phát huy tính năng động của người quản lý là đúng nhưng nếu đặt tự chủ kèm theo vấn đề giải quyết lương cho người thầy thuốc thì tôi xin khẳng định, không lãnh đạo bệnh viện nào lại không muốn bệnh viện của mình quá tải. Bởi vì nếu quá tải thì bệnh viện mới kiếm được nhiều tiền và phúc lợi, lương của nhân viên mới được đảm bảo, chính vì vậy, nó liên quan cả đến những vấn đề đãi ngộ đối với người thầy thuốc".

Cách đây 13 năm, Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.” Quan điểm này, tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết 20 (năm 2017) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Thực hiện điều này, ngành y tế đã và đang đổi mới toàn diện để hướng tới sự hài lòng của người bệnh và cũng là giải quyết mối quan hệ giữa cống hiến và mưu sinh của thầy thuốc.

Trước hết, là những nỗ lực giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Kể từ 60 năm qua, chưa bao giờ nhiều bệnh viện được xây mới hoặc nâng cấp, mở rộng như hiện nay. Đề án bệnh viện vệ tinh được triển khai, nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, hay việc bác sĩ phải thực hiện nghĩa vụ luân phiên về tuyến dưới, bác sĩ trẻ trước khi về tuyến trung ương công tác phải làm việc tại huyện nghèo ít nhất 2 năm đang dần tháo gỡ tình trạng quá tải bệnh viện hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế sẽ phát triển như kiềng 3 chân: “Thứ nhất, là chăm sóc sức khỏe con người khi chưa bị bệnh (chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở, gắn với nguyên lý y học gia đình…). Thứ 2 là khi đã bị bệnh phải vào viện, kể cả hệ thống công lập hay dân lập, người bệnh cần được khám chất lượng nhất và hài lòng nhất, không để ai khó khăn tài chính mà bị bỏ lại phía sau, kể cả việc ứng dụng các kỹ thuật cao. Thứ 3 là tài chính y tế, nhân lực y tế và các cung ứng khám chữa bệnh là thuốc và trang thiết bị".

Sau nhiều năm bươn chải lấy thu bù chi vì ngân sách được cấp ngày một giảm, đến nay, tiền lương của thầy thuốc được tính vào giá dịch vụ y tế, vừa góp phần giúp thu đủ chi, vừa khuyến khích các bệnh viện lấy bệnh nhân làm trung tâm, đã động viên y, bác sĩ nâng cao năng lực chuyên môn và tinh thần phục vụ người bệnh.

Bộ Y tế cũng đề xuất Chính phủ và Bộ Nội vụ xem xét nâng bậc lương khởi điểm của bác sĩ lên bậc 2; tức là sau thời gian thử việc sẽ hưởng lương khởi điểm hệ số 2,67, thay vì 2,34 như hiện nay, hướng tới đảm bảo công bằng để thầy thuốc yên tâm công tác.

Ông Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho rằng, bên cạnh việc nâng cao thu nhập cho thầy thuốc, ngành y tế đang sửa đổi, bổ sung những quy định để giám sát thu chi, minh bạch công tư trong bệnh viện là hướng đi đúng: “Các phương pháp tốt nhất để nâng cao thu nhập bằng đồng lương chính đáng để các bác sĩ có thể yên tâm làm công tác chuyên môn thật tốt. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Khi đã thực hiện nâng đồng lương đảm bảo cuộc sống cho các bác sĩ thì chúng ta cũng cần phải quan tâm hơn đến việc đề cao kỷ luật nghiêm minh trong khám, chữa bệnh cho bệnh nhân thì mới hạn chế tối đa được tiêu cực".

Vẫn biết rằng, thực hiện lời thề y đức là sứ mệnh cao cả của thầy thuốc nhưng “có thực mới vực được đạo”. Các biện pháp tổng thể đổi mới toàn diện ngành y sẽ góp phần động viện thầy thuốc giữ vững được y đức, luôn đặt tính mạng, sức khỏe của người bệnh lên trên hết. Để mỗi ca trực là một sự hăng say hết mình, nhận mỗi cuộc gọi lúc nửa đêm không một chút nề hà. Bệnh viện không còn quá tải, bác sĩ sẽ đủ thời gian để động viên, tư vấn kỹ lưỡng cho bệnh nhân. Khi đó, không chỉ đọc lời thề Hippocrates trước khi ra trường mà trái tim mỗi thầy thuốc sẽ “nguyện suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết…”, cũng như tự hào về nghề nghiệp cao quý và sứ mệnh thiêng liêng của mình.

Theo VOV

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những điểm mới đáng chú ý trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi
Những điểm mới đáng chú ý trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 gồm 12 Chương, 121 Điều (tăng 3 Chương và 30 Điều so với Luật năm 2009). Với những điểm mới của Luật sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Giám sát, gỡ khó cho tuyến y tế cơ sở
Giám sát, gỡ khó cho tuyến y tế cơ sở

Tại buổi làm việc với Trung tâm Y tế huyện Phú Vang (Trung tâm) chiều 20/2, ông Dương Thanh Bình, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 của đơn vị này.