Thứ Ba, 29/04/2014 05:56

Thận trọng với dịch bệnh giao mùa

Chưa phát thành dịch, nhưng hiện nay, bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa ở trẻ tăng cao do thời tiết chuyển mùa. Các bậc phụ huynh cần quan tâm chú ý phòng ngừa bệnh.

Chăm sóc trẻ tại Khoa Nhi tổng hợp I, BV Trung ương Huế

Bệnh hô hấp tăng cao

Tại Khoa Khám bệnh, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương (BVTƯ) Huế, hàng ngày phụ huynh đưa trẻ đến khám rất đông. Chị Nguyễn Thị Sau, phường Xuân Phú, TP. Huế cho hay, mấy hôm nay con chị có biểu hiện sốt nhẹ, ho kéo dài nên gia đình đưa đến bệnh viện điều trị. “Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phổi nhẹ gây sốt, cần điều trị nội trú để bệnh chóng khỏi”, chị Sau nói.

Chị Võ Thị Loan, khu vực 5, phường Thủy Xuân (TP. Huế) có con trai trên 10 tháng tuổi điều trị nội trú tại Khoa Nhi Tổng hợp 1, Trung tâm Nhi, BVTƯ Huế với triệu chứng ban đầu được chẩn đoán là bị viêm phổi vì ho, thở mệt. “Cháu nhập viện hôm 23/10. Bác sĩ ở đây chẩn đoán trúng bệnh và chăm sóc điều trị  kỹ  nên sức khỏe cháu đã tốt lên nhiều, không còn ho và thở mệt như trước.

Trong 10 ngày trở lại đây, trung bình mỗi ngày tại Khoa Khám bệnh, Trung tâm Nhi, BVTƯ Huế tiếp nhận từ 250-300 lượt bệnh nhân đến khám. Số ca nhập viện đang điều trị nội trú tại Khoa Nhi Tổng hợp 1 tăng khá cao so với mùa hè, bình quân từ 150-170 trẻ, có lúc đột biến tăng lên 200 trẻ; trong đó mỗi ngày, khoa đón từ 40-50 bệnh mới. Bác sĩ Hoàng Mai Linh, Trưởng khoa Khám bệnh, Trung tâm Nhi cho hay, số trẻ đến khám với các triệu chứng ho, sốt, viêm sổ mũi có xu hướng tăng khi thời tiết bắt đầu chuyển thu sang đông. Hiện tại, các khoa, phòng của Trung tâm Nhi, BVTƯ Huế bắt đầu quá tải. Khoa Khám bệnh và Khoa Nhi tổng hợp I là nơi tập trung đông bệnh nhân.

Bác sĩ CK II Nguyễn Thái Hưng, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp I, Trung tâm Nhi cho biết, trong số hơn 150 ca điều trị nội trú hiện nay tại khoa, có 10% ca mắc bệnh truyền nhiễm, 30% mắc bệnh tiêu hóa, đường ruột; số còn lại liên quan đến các bệnh về hô hấp, như viêm  đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi. Đặc biệt, bệnh viêm phổi ở trẻ dưới 6 tháng tuổi rất dễ trở nặng do ảnh hưởng của thời tiết chuyển mùa. Dù chưa báo động thành dịch, song các phụ huynh có trẻ nhỏ cần thận trọng bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Không chỉ phòng ngừa các bệnh về hô hấp, mà cần chú ý các bệnh sốt xuất huyết, bệnh tiêu chảy, tay chân miệng, quai bị… dễ xảy ra với trẻ khi thời tiết đêm lạnh, ngày nắng, độ ẩm tăng.

Không nên tự mua thuốc, điều trị tại nhà

Theo bác sĩ Nguyễn Thái Hưng, để phòng các bệnh trên, phụ huynh tránh để trẻ em mắc mưa, nhiễm lạnh; nơi sinh hoạt của trẻ cần được giữ thông thoáng, tránh gió. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, phụ huynh cần mặc đủ ấm cho các cháu, cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung thêm chất dinh dưỡng, các loại rau củ quả nhiều vitamin…Ngoài ra, tránh đưa trẻ tới những nơi đông người để phòng ngừa bệnh lây lan.

Ở nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học có các lớp học bán trú... cần lưu ý không cho các cháu dùng chung các vật dụng cá nhân. Nếu trẻ có dấu hiệu sốt cao, nổi phát ban, ho kéo dài không dứt cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời, tuyệt đối không nên tự mua thuốc, điều trị tại nhà, đặc biệt là thuốc kháng sinh.

Điều quan tâm hơn khi hiện nay tại Khoa Nhi tổng hợp 1, BVTƯ Huế có  bệnh nhân tăng cao buộc phải kê thêm giường điều trị nội trú dễ có nguy cơ lây nhiễm chéo cho trẻ. Theo các bác sĩ ở đây, nguy cơ lây nhiễm chéo tại BV thường xuất hiện ở bệnh hô hấp và bệnh tiêu hóa, trong đó bệnh hô hấp là chủ yếu. Để chủ động hạn chế việc lây nhiễm chéo giữa các trẻ, thời gian qua, các khoa tích cực thực hiện nhiều biện pháp, như phân bố bệnh nhân có khả năng lây nhiễm vào những phòng riêng để cách ly, có xà phòng rửa tay ở mỗi phòng và nhắc nhở phụ huynh thường xuyên sử dụng để đảm bảo vệ sinh cho trẻ và cho chính mình nhằm giảm nguy cơ lây bệnh. “Bệnh nhân đông, sức đề kháng của trẻ chưa hoàn thiện nên khi điều trị nội trú khó có thể ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm chéo. Song, với các biện pháp của bệnh viện và các khoa phòng, người nhà bệnh nhân cần tuân thủ các biện pháp nhằm hạn chế lây nhiễm bệnh cho trẻ như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Cho trẻ ăn thức ăn nấu chín, uống sôi; đồng thời hạn chế đưa trẻ sang các phòng khác, tiếp xúc với các bệnh nhân có thể gây ra lây nhiễm” - bác sĩ  Nguyễn Thái Hưng khuyến cáo.

Minh Văn

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.

Phân lập chủng xạ khuẩn làm chế phẩm sinh học trị bệnh trên tôm thẻ chân trắng
Phân lập chủng xạ khuẩn làm chế phẩm sinh học trị bệnh trên tôm thẻ chân trắng

Sáng 24/12, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiến hành nghiệm thu kết quả đề tài KHCN cấp cơ sở "Phân lập chủng xạ khuẩn đặc hiệu làm chế phẩm sinh học để hạn chế bệnh do vi khuẩn gây ra trên tôm thẻ chân trắng tại Thừa Thiên Huế" do Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế chủ trì thực hiện và được Quỹ Phát triển KH&CN tài trợ.