Thứ Tư, 09/09/2009 10:11

Thành kính cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân no ấm

(TTH) - Vào lúc 23 giờ ngày 8/3 (nhằm ngày 16/2 âm lịch) đến rạng sáng 9/3, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức thành công lễ tế Xã Tắc 2012. Đây là hoạt động nhằm bảo tồn một nghi lễ cung đình truyền thống, tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, đồng thời hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ và Festival Huế 2012. Đại diện cho nhân dân toàn tỉnh, ông Trần Phùng, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, đã chủ trì lễ tế.

Xã Tắc - Xã của Thái Xã Chi thần, Tắc là viết gọn của cụm Thái Tắc Chi thần, tục gọi là Thần Đất Thần Lúa. Với cư dân nông nghiệp lúa nước, thì Xã và Tắc quyết định sự bình an no ấm và tế Xã Tắc cũng là tế linh khí núi sông của giang sơn, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đem lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Đàn Xã Tắc là một công trình đặc biệt quan trọng của Kinh đô Huế, được xây dựng vào năm 1806 sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương. Khi xây dựng, vị vua đầu triều nhà Nguyễn đã lệnh cho các thành, dinh, trấn toàn quốc phải đóng góp đất sạch để đắp lên ngôi đàn này. Do vậy, tự thân ngôi đàn đã tượng trưng cho đất đai của cả nước. Vì lẽ đó, lễ tế Xã Tắc mang ý nghĩa hết sức to lớn, được xếp vào hàng Đại tự trong quy chế của triều đình nhà Nguyễn.


Ông Trần Phùng làm chủ lễ

Năm 2008, lần đầu tiên lễ tế Xã Tắc được phục dựng sau một thời gian dài bị gián đoạn. Sau đó định kỳ vào tháng 2 âm lịch hàng năm, nhằm tái hiện một lễ tế cung đình trang nghiêm tráng lệ, mục đích bảo tồn một nghi lễ cung đình truyền thống, để tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, tôn vinh văn hóa truyền thống của Việt Nam. Khác với những lần được phục dựng gần đây, lễ tế Xã Tắc lần này đã không còn những yếu tố sân khấu hóa, như “vua” là diễn viên diễn, đoàn ngự đạo hàng trăm người rước “vua” từ Hoàng thành tới đàn tế, rồi hồi cung… mà chỉ tổ chức lễ tế một cách bài bản tại đàn.

Nhẹ nhàng dưới ánh trăng rằm đêm 16, không gian tâm linh của lễ tế Xã Tắc càng thêm phần hùng tráng với nghi trượng cờ xí tượng trưng cho sự hội tụ mặt trăng, mặt trời, phong, vân, lôi, vũ, long, phụng, nhật, nguyệt và các chòm sao Chu tước, Huyền vũ, Thanh long, Bạch hổ... Lần lượt qua các lễ: Quán tẩy, Thượng hương, Nghinh thần, Truyền chúc, Á hiến…, lời nguyện cầu thành tâm đã được kính cẩn xướng lên đồng điệu với nhạc lễ cung đình Huế. Linh thiêng nguyện cầu: “Đàn vuông năm sắc, việc trai tế rất minh. Nhạc đã hòa tấu, tiếng vang êm dịu. Ngọc lụa bày dâng, lễ tốt thành kính. Chén ngọc rượu trong, tuần đầu dâng tế. Thần về cảm cách, giúp cho yên vui”; “Linh đàn tôn kính, trông thật trang nghiêm. Oai thay! Xe thân kịp ruỗi, thăng giáng ở trời. Kính xin đốt bản văn tế, theo lễ không trái. Thần có cảm ứng, giúp cho năm nay được mùa…”


Đông đảo người dân tham dự

23 giờ 00, lễ tế Xã Tắc mới chính thức được bắt đầu. Mặc dù lễ tế năm nay không còn sức hút lớn từ những chú voi, ngựa và đoàn rước hoành tráng, nhưng với những ai còn chờ đợi được đến giờ thiêng tiến hành tế lễ thì đều thành tâm cầu nguyện, cũng như mong được trực tiếp thắp nén nhang thành kính lên đàn. Chị Nguyễn Thị Hương (phường Thuận Hòa) là một người như thế. Chị bảo, thường thì muộn nhất 22h30 là chị đã ngủ ngon, riêng đêm nay thì khác. Chị mong được chứng kiến, cầu nguyện cùng lễ tế để sau đó lên đàn dâng hương. “Không riêng tôi, mà rất nhiều bà con ở quanh đàn Xã Tắc đã rất cảm ơn Nhà nước vì đã cho phục lại đàn và tổ chức lễ tế hằng năm. Đàn Xã Tắc là nơi đất thiêng. Chúng tôi tha thiết mong rằng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm để có thêm điện chiếu sáng cho đàn. Không phải thường xuyên, chỉ cần cho những ngày rằm, cuối tháng là tốt lắm rồi”, chị Hương chia sẻ thêm. Theo chị, có ánh sáng, ngày rằm, mồng một hằng tháng, người dân lên đàn thắp hương sẽ ít ngại hơn; đồng thời, còn bảo vệ được đàn khỏi bị những kẻ xấu đồng lõa với bóng đêm đến phá hoại.

            Dưới đây là một số hình ảnh về lễ tế Xã Tắc:






Bài, ảnh: Đồng Văn - Minh Văn

  Ý kiến bình luận