Chủ Nhật, 08/07/2018 14:35

“Thấp thỏm” sạt lở thủy điện

Mưa lớn tiếp diễn trong thời gian vừa qua đã làm sạt lở nhiều thủy điện trên địa bàn tỉnh, gây nguy cơ mất an toàn hồ đập và vùng hạ du.

Hỗ trợ gia đình nạn nhân tại Thủy điện Rào Trăng 3Sạt lở Thuỷ điện Rào Trăng 3: Nỗi đau và bài học - kỳ 3: Giảm thiệt hại, sống an toàn

Sự cố xì đường ống áp lực dẫn vào nhà máy thủy điện A Lưới (huyện A Lưới)

Liên tiếp sạt lở

Ngoài sạt lở nghiêm trọng tại thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Xuân, Phong Điền) vào ngày 12/10/2020 làm 17 công nhân chết và mất tích, từ cuối năm 2020 đến nay, sạt lở thủy điện còn tiếp diễn nhiều nơi.

Đầu năm 2021, sự cố xì đường ống áp lực dẫn vào nhà máy (NM) thủy điện A Lưới (huyện A Lưới) gây nguy cơ mất an toàn thủy điện, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.

Sáng 1/1/2021, NM thủy điện A Lưới đang vận hành phát điện với công suất 20MW (2 tổ máy/mỗi tổ 10MW) thì xuất hiện sự cố xuất lộ nước từ đường hầm tại cơ 177 trên mái chính diện NM, nước chảy tràn xuống ngập sân NM khoảng 30cm kéo theo bùn đất và đá. Lưu lượng nước xuất lộ tại cơ 177 khoảng 9m3/s. Ngay khi phát hiện sự cố, NM thông báo đến điều độ, thực hiện dừng máy và cắt điện khẩn cấp.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, vị trí xảy ra sự cố nằm cuối đường ống dẫn nước vào NM thủy điện khiến nước ngầm tràn ra khu vực taluy đoạn thuộc địa bàn xã Hồng Hạ gây nguy cơ mất an toàn khu vực NM và nhiều người dân sống trong khu vực.

Tháng 12/2020, sạt lở xuất hiện tại vách núi hạ lưu vai trái đập thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ (phường Hương Vân, TX. Hương Trà). Vị trí điểm sạt lở cách chân đập thủy điện Hương Điền chỉ từ 60-200m với khoảng 5.000m3, bao gồm phần đất đắp và một phần đất đá phong hóa bị sạt, đổ xuống lòng sông.

Ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Giám đốc phụ trách NM thủy điện Hương Điền thông tin, vị trí sạt lở không gây ảnh hưởng đến chân đập, mặt khác đáy đập được đặt hoàn toàn trên nền đá gốc nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến an toàn công trình.

Đánh giá bước đầu của Sở Công thương và chủ đầu tư (CĐT) thủy điện Hương Điền, với lòng sông rộng, có hố xói được thi công theo đúng thiết kế nên khối lượng sạt lở không gây co hẹp, tắc nghẽn dòng chảy, không ảnh hưởng đến khả năng thoát nước khi chạy máy cũng như khi xả lũ. Cụ thể, bờ trái thủy điện Hương Điền phần phía hạ lưu đập có địa chất là đá phiến sét, bị phong hóa gần như hoàn toàn, một phần là đất đắp để làm đường thi công trong giai đoạn thi công, nên được để lại đợi đến khi mái ổn định hoàn toàn mới tiến hành gia cố tổng thể.

Hiện trạng sạt lở khu vực lòng hồ thủy điện Thượng Nhật

Cần giải pháp lâu dài

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN NM thủy điện A Lưới điều động đội xung kích, máy móc thiết bị tại NM xử lý ngăn không để nước chảy vào các sàn và tổ máy, giảm thải tối đa thiệt hại. CĐT cũng tiến hành phối hợp với chính quyền địa phương cảnh báo không cho người và phương tiện đến gần vị trí sự cố. Tổ chức theo dõi và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn NM và yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công đến hiện trường kiểm tra để đưa ra giải pháp xử lý khi điều kiện kiểm tra hầm cho phép.

Theo Công ty CP Thủy điện miền Trung, đến nay vẫn chưa đủ điều kiện kiểm tra đường hầm nên đơn vị này vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân sự cố xì đường ống áp lực. Trước mắt, công ty đang tập trung xử lý ứng phó với sự cố, khi điều kiện kiểm tra hầm cho phép, các bên liên quan kiểm tra và đưa ra giải pháp xử lý. Dự kiến thời gian khắc phục sự cố trên trong vòng 1 tháng. 

Ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Giám đốc phụ trách NM thủy điện Hương Điền cho biết, đơn vị này đang tiếp tục quan trắc, giám sát và có báo cáo các cơ quan quản lý khi có dấu hiệu bất thường. Kế hoạch năm 2021, công ty sẽ phối hợp với tư vấn thiết kế, khảo sát, đánh giá và đưa ra giải pháp để tiến hành gia cố tổng thể toàn bộ vai trái đập nhằm để đảm bảo an toàn, tính thẩm mỹ, mỹ quan cho công trình.

Sở Công thương yêu cầu chủ đầu tư thủy điện này tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến, đánh giá mức độ an toàn và có phương án thiết kế, gia cố điểm sạt lở nói trên. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, công trình xả lũ, cửa nhận nước và khắc phục nhanh các sự cố, có biện pháp và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn công trình, hạn chế tối đa áp lực cho các công trình ở hạ du khi điều tiết lũ.

Liên quan đến sạt lở nghiêm trọng tại thủy điện Rào Trăng 3, UBND tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công thương hỗ trợ việc kiểm tra, đánh giá cụ thể về sự cố này. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tiến hành đánh giá lại toàn bộ hiện trạng khu vực thủy điện Rào Trăng 3 để lâu dài có các giải pháp phòng tránh nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn công trình.

Ông Lê Văn Hoa, đại diện Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 (CĐT thủy điện Rào Trăng 3) thông tin, công ty đang đàm phán với đơn vị tư vấn để thực hiện các yêu cầu của UBND tỉnh.

Xử lý sạt lở tại thủy điện Thượng Nhật

Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung (CĐT thủy điện Thượng Nhật) phối hợp với đơn vị tư vấn khảo sát đo đạc, tư vấn thiết kế triển khai công tác đo đạc và đánh giá hiện trạng sạt lở của phần kênh xả, đường vận hành vào NM. Đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty CP Xây dựng năng lượng tái tạo đang hoàn thiện thiết kế và phương án xử lý khắc phục để đảm bảo an toàn vận hành lâu dài. CĐT cũng thực hiện xử lý mỏm đá phía hạ lưu bờ phải của thủy điện để đảm bảo chế độ thủy lực phía hạ lưu tràn, nâng cao khả năng thoát lũ; thuê đơn vị tư vấn để khảo sát, đánh giá ổn định vai phải đập và có phương án xử lý nhằm đảm bảo an toàn cho công trình.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mưa lớn đề phòng sạt lở
Mưa lớn đề phòng sạt lở

Từ ngày 25-28/2, trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa, rải rác mưa vừa, có nơi mưa rất to và dông. Mưa lớn có nguy cơ gây trượt lở vùng đồi núi, ven sông suối và ngập úng vùng trũng.

Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển
Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết, sóng lớn cộng triều cường đã làm đường bờ biển trên địa bàn tỉnh sạt lở nhiều nơi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ nhiều năm nay, bằng các nguồn vốn khác nhau, chỉ mới đầu tư xây dựng kè khoảng 50% trên chiều dài bờ biển bị sạt lở.

Triều cường gây khó khăn công tác tiêu úng cứu lúa
Triều cường gây khó khăn công tác tiêu úng cứu lúa

Từ chiều tối ngày 19/2, tàu thuyền hoạt động trên vùng biển và vùng biển ngoài khơi tỉnh chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn. Nguy cơ triều cường sạt lở tiếp diễn vùng ven biển các địa phương.

Quảng Điền Sông Bồ sạt lở, dân bất an
Quảng Điền: Sông Bồ sạt lở, dân bất an

Tình trạng sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua các xã Quảng Thọ, Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã và đang diễn ra, uy hiếp đến công trình kiến trúc, nhà cửa, vườn tược khiến người dân thấp thỏm lo âu.