Thứ Ba, 08/03/2016 06:45

Thấp thỏm trong nhà tái định cư

Hơn 100 hộ dân trong vùng ảnh hưởng Thủy điện A Lưới (do Công ty CP Thủy điện miền Trung làm chủ đầu tư) được di dời tái định cư (TĐC) đang lo lắng trong những căn nhà nứt nẻ, xuống cấp…

Đề xuất miễn lệ phí trước bạ cho nhà, đất tái định cưKhẩn trương tái định cư vùng lũ

Nhiều căn nhà và hệ thống đường sá ở A Sáp bị xuống cấp

Nhiều cái khó 

Năm 2011, 113 hộ dân các xã Hồng Thái, Hồng Thượng, Sơn Thủy (huyện A Lưới) nằm trong vùng ảnh hưởng Thủy điện A Lưới được di dời TĐC lên các thôn A Đên, A Sáp (Hồng Thượng). 

Ông Lê Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng cho biết, thời điểm đó, riêng vận động dân lên khu TĐC đã là “một cuộc cách mạng” vì người dân thấy nhà TĐC, đất sản xuất nông nghiệp ở khu vực được bố trí không tốt, khó cho ăn ở và sản xuất. Tại khu TĐC, mỗi hộ được cấp nhà rộng từ 30-40m2, giá mỗi căn từ 110-130 triệu đồng và 300m2 đất.

Đến khu TĐC thôn A Sáp, chúng tôi chứng kiến nhiều nhà dân cùng hệ thống đường sá bị lún, xuống cấp. Nhà văn hóa thôn A Sáp từ khi nhận bàn giao công trình đến nay chưa được sử dụng do móng nhà bị lún, tường nứt toác (vết nứt dài khoảng 2m), không đảm bảo an toàn. Hệ thống nước sạch tự chảy từ lâu cũng không sử dụng được. Đường liên thôn cũng bị trôi hết lớp bê tông, còn lại sỏi đá.

Chị Hồ Thị Ngoan, một hộ dân TĐC bày tỏ: “Khi nhận nhà chỉ ở một thời gian, tường, nền hiên, cửa sổ đều bị nứt, nhưng không có tiền sửa chữa. Đất trồng lúa, đất rừng gia đình có 7 sào nhưng khó sản xuất vì có nhiều đá và quá xa nơi ở”.

Theo ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng, cuộc sống hiện tại của người dân vùng TĐC rất khó khăn do nhà cửa, hạ tầng giao thông xuống cấp. Năm 2015, trước phản ánh của người dân, Thủy điện A Lưới hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ dân để sửa chữa nhà, nhưng với tình trạng xuống cấp như hiện nay thì như “muối bỏ bể”. Hai thôn TĐC có khoảng 20 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng gần 50% trong số đó bị lẫn đá khó canh tác và hệ thống thủy lợi “chập chờn”.

Sẽ kiểm định chất lượng 

Liên quan đến khu TĐC Thủy điện A Lưới, UBND huyện A Lưới đề xuất Công ty CP Thủy điện miền Trung giải ngân kinh phí 1,143 tỷ đồng còn lại trong phương án hỗ trợ ổn định sản xuất đã được huyện phê duyệt cho các hộ dân. Theo đó, có 15 ha lúa nước của khu tái định canh chưa sản xuất được sẽ được chuyển đổi sang phát triển chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Đời khẳng định, rõ ràng chất lượng nhà TĐC của người dân thuộc dự án Thủy điện A Lưới có vấn đề, nhiều nhà dân không dám ở vì sợ sập đổ. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã phản ánh nhiều lần nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Để ổn định cuộc sống lâu dài, theo ông Đời, người dân cần được bố trí thêm đất, hỗ trợ cải tạo đất cùng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất.

Ông Đinh Việt Cường, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện A Lưới thông tin, liên quan đến chất lượng nhà TĐC tại hai thôn A Đên và A Sáp, UBND huyện A Lưới đã giao cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đề xuất Sở Xây dựng tiến hành kiểm định chất lượng. Sau khi có kết quả thẩm định của Sở Xây dựng, huyện sẽ có văn bản đề nghị Công ty CP Thủy điện miền Trung hỗ trợ thêm kinh phí để người dân khu TĐC tiếp tục khắc phục sửa chữa lại nhà; đầu tư hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc đi lại, vận chuyển nông sản.

Theo ông Cường, về lâu dài, tại khu TĐC, đối với diện tích đất dự kiến thu hồi để giao cho người dân sản xuất lúa nước, UBND huyện đã giao Phòng NN&PTNT phối hợp với Trạm Khuyến Nông lâm ngư huyện kiểm tra phẫu diện đất, xác định tầng canh tác có phù hợp với sản xuất lúa nước hay không, xây dựng bờ vùng bờ thửa nhằm có phương án xử lý phù hợp. Đồng thời sẽ cấp thêm 5ha đất ở khu vực suối Kiền Kiền để người dân sản xuất các loại hoa màu. Trạm Khuyến Nông lâm ngư đang kiểm tra, khảo sát, xây dựng phương án hỗ trợ giống và phân bón cho bà con Nhân dân sản xuất trong thời gian tới.

Huyện cũng đã giao các phòng, ban khảo sát, tính toán tổng mức đầu tư công trình đường nội đồng và hệ thống thuỷ lợi ở khu TĐC Thủy điện A Lưới nhằm đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho diện tích trồng hoa màu và diện tích dự kiến giao thêm cho người dân sản xuất lúa nước trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thấp thỏm khi sông Bồ sạt lở
Thấp thỏm khi sông Bồ sạt lở

Hiện nay, nhiều hộ dân sống dọc sông Bồ thuộc địa phận thôn Hiền Sỹ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền lại đứng ngồi không yên, bởi do tình hình sạt lở bờ sông diễn biến ngày càng phức tạp, với nhiều điểm rất nghiêm trọng.

Những ngôi nhà bên núi
Những ngôi nhà bên núi

Nhiều cụm dân cư ở vùng A Lưới, Nam Đông với đặc thù sống ven triền núi, sông suối vẫn thấp thỏm trong mùa mưa lũ vì nỗi lo lũ quét, lũ ống, trượt lở đất. Giấc mơ tái định cư (TĐC) luôn “chập chờn” trong mỗi cuộc di dân đến nơi an toàn mỗi mùa thiên tai, gió chướng…