Thứ Hai, 16/02/2015 13:36

Thêm cơ hội cho đặc sản Cố đô

25 biên bản ghi nhớ và 12 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đặc sản Huế được ký kết với 3 nhà phân phối lớn là Siêu thị Tứ Sơn (An Giang), hệ thống Big C toàn quốc và chuỗi siêu thị Co.opMart miền Trung là bước khởi đầu khá thuận lợi sau khi Sở Công thương tổ chức hội nghị hợp tác phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn và đặc sản các vùng cố đô diễn ra giữa tháng 7/2017.

Giới thiệu sản phẩm gạo Hương Cốm Thủy Thanh cho các nhà phân phối

Cơ hội

Vừa đi vào hoạt động đầu tháng 7/2017 với sản phẩm gia vị nấu bún bò Huế, sau khi tham gia hội nghị phát triển thị trường, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue (YesHue) ở 75 Lê Duẩn, TP. Huế đã tiêu thụ 2.500 lọ gia vị. Trong đó, cung ứng cho Siêu thị Tứ Sơn trên 2.000 lọ, còn lại cung cấp cho các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các cửa hàng trên địa bàn TP. Huế.

Trưởng phòng Kinh doanh YesHue- bà Lê Thị Kim Hằng cho rằng, gia vị nấu bún bò Huế là sản phẩm mới, vừa xuất hiện trên thị trường hơn 1 tháng nên lúc đầu DN rất lo lắng về khâu tiêu thụ. Sau khi tham gia hội nghị, được chào hàng trực tiếp với các nhà phân phối lớn trong cả nước nên cơ hội quảng bá và giới thiệu sản phẩm cao, ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ. Hiện, DN đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm thường xuyên với trên 2.000 lọ sản phẩm/tháng cho Siêu thị Tứ Sơn, đồng thời cung cấp hàng cho các cửa hàng đặc sản ở Huế, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.

Được xem là “đàn chị” của YesHue khi có mặt trên địa bàn hơn 10 năm, song đến khi tham gia các chương trình kết nối tiêu thụ nông- đặc sản, sản phẩm của Cơ sở sản xuất thực phẩm Tâm Huế ở phường Thủy Dương (Hương Thủy) mới đứng chân tại hệ thống siêu thị và tiêu thụ số lượng lớn. Hiện, các loại đặc sản như mắm dưa, tôm chua, ruốc, bánh lọc hút chân không, tỏi đen, bánh chưng, mứt gừng... đã có mặt tại Siêu thị Tứ Sơn, chuỗi Co.opMart miền Trung và hệ thống 36 siêu thị Big C trong cả nước; mỗi tháng tiêu thụ khoảng 2 tấn sản phẩm.

Chủ cơ sở, bà Phạm Thị Khánh Tâm chia sẻ: “Tạo ra sản phẩm đã khó, song để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường và tiêu thụ ổn định càng khó hơn. Sau khi được các tập đoàn phân phối lớn như Big C, Tứ Sơn... ký kết hợp đồng tiêu thụ lâu dài, cơ sở đã đầu tư máy móc hiện đại, đặt hàng với bà con ngư dân để mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời chú trọng đến việc kiểm định chất lượng, đăng ký nhãn hiệu và đầu tư cho bao bì đóng gói để cạnh tranh với các sản phẩm của các tỉnh, thành khác.”

Theo bà Tâm, để sản phẩm đứng chân tại hệ thống siêu thị đòi hỏi chi phí kiểm nghiệm khá cao, từ 3-5 triệu đồng/sản phẩm và thời gian tái kiểm nghiệm chỉ kéo dài 6 tháng. Nếu sản phẩm sau kiểm nghiệm chỉ cung cấp cho các siêu thị trên địa bàn tỉnh thì lợi nhuận không đủ để trả chi phí. Hợp tác với các siêu thị lớn như Tứ Sơn, Big C là bước khởi đầu thuận lợi để cơ sở mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất, tạo ra sản phẩm mới.

Giới thiệu đặc sản A Lưới cho các nhà phân phối

Liên kết

Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn- ông Tạ Minh Sơn chia sẻ: “Qua 2 ngày khảo sát các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, Huế là vùng đất quy tụ nhiều đặc sản nổi tiếng và hấp dẫn du khách. Các sản phẩm như mè xửng, tôm chua, ruốc, tinh dầu tràm, trà cung đình, tinh bột nghệ… chất lượng ngon, mẫu mã đẹp và thích hợp để làm quà phục vụ khách du lịch. Song, để sản phẩm vươn ra các thị trường lớn, cần sự liên kết giữa nhà phân phối, cơ sở sản xuất và sự hỗ trợ của các ban ngành”.

Ông Sơn cho rằng, có khá nhiều đặc sản giá trị DN muốn đưa vào phân phối, song do sản xuất quy mô hộ gia đình, chưa đăng ký nhãn hiệu và không đưa đi kiểm nghiệm nên không đáp ứng các yêu cầu. Hiện, có khoảng 15 chủng loại đặc sản Huế bày bán tại siêu thị và đưa sang phân phối tại Campuchia.

Giám đốc Siêu thị Big C Huế- bà Võ Thị Thu Thủy cho rằng, lâu nay chi phí kiểm nghiệm luôn gây khó khăn cho các DN, cơ sở trên địa bàn tỉnh, trong khi đây là việc “phải làm” để giữ uy tín cho DN cũng như quyền lợi người tiêu dùng. Để giải quyết vấn đề này, Siêu thị Big C Việt Nam đã làm việc với các nhà cung cấp, đồng thời ký hợp đồng tiêu thụ tại Big C Huế và chuỗi các siêu thị trong cả nước nhằm nâng cao doanh số bán hàng, tạo kênh quảng bá giới thiệu sản phẩm để thu hút khách. Trong năm 2017, DN đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho 5 cơ sở, như Tâm Huế, HTX gạo Phú Hồ, DN Chương Trang…, nâng tổng số DN có mặt tại hệ thống Big C lên gần 30 DN.

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương cho biết, hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn và đặc sản vùng Cố đô diễn ra vào đầu tháng 7/2017 tạo bước đột phá trong việc liên kết đưa sản phẩm địa phương ra các thị trường lớn.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN và đáp ứng các tiêu chí của nhà phân phối, Sở đang lên kế hoạch tổ chức các hội nghị tại các huyện như Nam Đông, Quảng Điền, Phú Lộc…; trong đó sẽ mời các tập đoàn, nhà phân phối lớn trong cả nước về tham dự để tham quan mô hình sản xuất, đề đạt các yêu cầu và ký kết hợp đồng sau khi quyết định lựa chọn sản phẩm.

Bài, ảnh: Thanh Hương

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đón cơ hội việc làm mới từ thị trường lao động
Đón cơ hội việc làm mới từ thị trường lao động

Đầu năm, thị trường lao động sôi động trở lại. Tâm thế của người lao động đang bắt nhịp đà khắc phục hậu dịch bệnh và tìm kiếm công việc phù hợp, ổn định để vượt qua giai đoạn khó khăn trong thời gian qua.

Huế mỗi ngày một mới
Huế mỗi ngày một mới

Trong dịp họp mặt mừng Xuân của nhóm thân hữu Nhớ Huế tại Washington DC sau mùa đại dịch COVID-19, anh chị em gốc Huế cũng như bà con có quan hệ gia đình, thân tộc với Huế gặp nhau để thăm hỏi, chúc Tết và chia sẻ những tin tức về bản thân, bằng hữu và quê nhà. Vị niên trưởng của nhóm mở đầu lời chào mừng bằng một lời xác định thoạt nghe qua vừa như có vẻ hợp lý mà cũng vừa mâu thuẫn rằng: “Huế mình chẳng có gì mới mà cũng rất mới!”

Cơ hội phục hồi cho ngành thép Việt Nam
Cơ hội phục hồi cho ngành thép Việt Nam

Sau một thời gian dài giá các mặt hàng sắt thép liên tục lao dốc, cộng thêm sức ép về triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại, ngành thép Việt Nam đã và sẽ đối diện với nhiều thách thức, nhất là về năng lực tiêu thụ khi thị trường còn tiềm ẩn rủi ro. Trong bối cảnh đó, kênh xuất khẩu được nhận định sẽ là cửa sáng đối với các doanh nghiệp thép để giải bài toán tiêu thụ.