Thứ Sáu, 03/03/2017 06:30

Thêm điểm nhấn tạo ấn tượng với du khách

Trong du lịch, điều làm du khách ấn tượng đôi khi chỉ cần món quà kỷ niệm đơn giản hay là nụ cười khi giao tiếp, cùng với tiếng “dạ thưa” đặc trưng của xứ Huế…

Tạo ấn tượng mới cho du kháchĐừng để môi trường du lịch “xấu xí”

Nụ cười thân thiện sẽ tạo ấn tượng tốt với du khách (trong ảnh: Trưng bày, giới thiệu hàng đặc sản Huế)

Tạo ấn tượng đẹp

Tôi mới có dịp dẫn đoàn khách là đồng nghiệp ở Hà Giang vào Huế công tác, nhân thể đi tham quan các điểm du lịch nổi tiếng ở Huế. Tại buổi tham quan Đại Nội, trên lối ra, một đồng nghiệp góp ý, Huế là nơi đóng đô của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, tâm lý khách đến ai cũng sẽ thích mang về nhà một vật kỷ niệm gì đó gắn với lịch sử. Nếu những người làm du lịch ở Huế tinh ý hơn, có thể tặng một món quà như kiểu chiếu chỉ lúc xưa, trên đó ghi tên du khách đã đến Huế và đóng một con dấu được phục dựng. Tin chắc, khi du khách mang về và treo lên tường nhà sẽ trở thành vật kỷ niệm có giá trị.

Chia sẻ thông tin này với một số doanh nghiệp du lịch ở Huế, đa số cho rằng, hiện du khách vào tham quan các điểm di sản ở Huế, kỷ vật mang về chủ yếu là những bức ảnh trong điện thoại, còn những điểm nhấn, như món quà mà du khách góp ý trên là chưa có. Một doanh nghiệp cho rằng, vé vào tham quan Đại Nội là 150 nghìn đồng, nếu so với các di sản khác trên thế giới, tham quan Đại Nội giá thấp hơn, nhưng cảm giác vẫn cao chính là do những giá trị nhận lại của du khách chưa được nhiều. Nếu du khách nhận được món quà kỷ niệm như hình thức chiếu chỉ kia, sẽ rất ấn tượng và có cảm giác xứng đáng với số tiền bỏ ra.

Hướng dẫn viên Nguyễn Đình Quyên chia sẻ, so với khả năng tạo ấn tượng cho du khách ở Huế không tốt bằng các địa phương khác. Sau khi kết thúc tour, hỏi ấn tượng gì về Hội An (Quảng Nam), du khách cho biết khi vào tham quan rừng dừa Bảy Mẫu, được người chèo thuyền thúng làm tặng những con vật bằng lá dừa; hay khi vào tham quan làng gốm Thanh Hà cũng được tặng một món quà bằng gốm mang về. Dù những món quà có thể nhanh hư hỏng, hay không có nhiều giá trị, nhưng tạo được sự hài lòng.

Nụ cười thân thiện luôn tạo ấn tượng tốt với du khách

Gần đây, nhiều du khách vô cùng ấn tượng khi đến với làng cổ Phước Tích (Phong Điền). Khi vào tham quan, nói chuyện tại nhà ông Lê Trọng Đào, dù chưa sử dụng dịch vụ gì, vẫn sẽ được tặng một con tu huýt do gia chủ làm. Làm thủ công không được sắc sảo, nhưng ai cũng trân trọng món quà, lưu giữ kỷ niệm đẹp khi đến với Phước Tích.

Ở Nam Đông, nhiều du khách vô cùng bất ngờ bởi đã nhận được sự chào đón nồng hậu của người dân ở thôn Dỗi (Thượng Lộ). Nếu xét về thu nhập khi tham gia làm du lịch, mỗi lần biểu diễn, người dân chỉ được vài chục nghìn đồng. Nhưng với nhiệt huyết, không chỉ vì thu nhập mà muốn giới thiệu văn hóa bản địa đến với du khách, chính suy nghĩ xuất phát từ gìn giữ phát huy văn hóa truyền thống khiến du khách nhớ mãi thôn Dỗi dù đã chia tay một thời gian dài.

Không khó để làm

Huế nổi tiếng với tiếng dạ, tiếng thưa, nhẹ nhàng và sâu sắc trong mọi công việc. Nhưng nhiều người làm dịch vụ du lịch gần như bỏ quên nét đặc trưng riêng, đã làm nên thương hiệu của Huế.

Một người sống ở Huế đưa bạn vào tham quan Đại Nội gần đây, sau hôm đó trăn trở: “Dẫn khách vào tham quan Đại Nội trong tâm thế thành phố đổi mới, phát triển du lịch, song thấy buồn và tiếc bởi cung cách phục vụ của một số nhân viên. Tại phòng thay trang phục cung đình để chụp ảnh, 5 - 6 cô ngồi nói chuyện, nhổ tóc bạc, khách vào mặc khách, chẳng có một nụ cười hiếu khách. Khách đề nghị lấy cuống vé và nhân việc trả lời cộc lốc “tôi biết rồi”. Rồi cứ thế nói chuyện và nhổ tóc bạc như chốn không người”.

Huế luôn tự tin là điểm đến thân thiện, mến khách, nhưng còn có những cá nhân, tổ chức cần được đào tạo lại các nguyên tắc cần có trong dịch vụ phục vụ khách. Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Huế cho rằng, vấn đề thiếu kỹ năng trong phục vụ khách, thiếu sự thân thiện cần nhìn nhận lại. Theo tôi quan sát được, vấn đề này đang ở mức báo động, nếu không có sự điều chỉnh và kế hoạch từ bây giờ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch Huế.

Theo ông Khánh, giải pháp khắc phục không phải khó, bởi tất cả những người tham gia phục vụ du lịch đều nằm trong tổ chức, hay doanh nghiệp. Những ông chủ doanh nghiệp cần nâng chuẩn nhân viên của mình; những người đứng đầu các tổ chức cần chấn chỉnh nhân viên kịp thời và giám sát liên tục, cùng với đó là chế tài; những cá nhân, người dân cũng cần được tập huấn thường xuyên để nâng cao ý thức.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết, bên cạnh danh lam, thắng cảnh, dịch vụ quyết định đến 50% sự hài lòng của du khách. Khi du khách đã có những ấn tượng tốt về điểm đến sẽ là kênh quảng bá truyền miệng có hiệu quả. Du khách đến Huế sẽ giới thiệu lại cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Theo các nghiên cứu, thông tin từ bạn bè, người thân đạt độ tin tưởng đến 89% cho du khách, cao hơn bất kỳ kênh thông tin nào khác.

Cùng với những chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch mang tầm vĩ mô, điều cần làm của Huế ngay từ lúc này là nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyên nghiệp hóa từ những việc nhỏ nhất.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thân thiện như xích lô Huế
Thân thiện như xích lô Huế

Mới đây, cùng với 9 tỉnh và thành phố ở Việt Nam,Huế được vinh danh là thành phố thân thiện nhất trong giải thưởng thường niên mang tên Traveller Review Awards 2023.

Điểm đến mới, dịch vụ mới
Điểm đến mới, dịch vụ mới

Với những tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa, Hương Trà đang tích cực tìm hướng đi mới để phát triển du lịch, dịch vụ.

Điểm đến phải hấp dẫn
Điểm đến phải hấp dẫn

Không còn lâu nữa, nhà ga T2, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài sẽ đưa vào khai thác. Đây là thời điểm cần chủ động các giải pháp để kết nối, đưa khách đến trong thời gian đến.