Thứ Bảy, 01/06/2019 08:42

Theo sát trẻ những ngày sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19

Ngành y tế, nhà trường và địa phương phối hợp chặt chẽ để tổ chức các buổi tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn theo quy định của Bộ Y tế. Đối với các trẻ đủ điều kiện sức khỏe và đã được tiêm, cần thiết có sự giám sát chặt chẽ của gia đình để phát hiện sớm nhất những bất thường, nếu có.

Gần 970.000 liều vaccine phòng COVID-19 do Pháp viện trợ về đến Việt NamTăng thêm phụ cấp cho người làm công tác tiêm vaccine phòng COVID-19Ngày 20/11, có 57/96 ca nhiễm COVID-19 mới phát hiện từ cộng đồng

Học sinh Trường THCS Trần Cao Vân tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Ảnh: MC

Tuân thủ các nguyên tắc

“A lô! A lô! Xin lưu ý với quý thầy cô giáo chủ nhiệm và giáo viên hỗ trợ! Khi đến lượt lớp mình xuống khám, chuẩn bị tiêm, chỉ gọi một lượt 10 học sinh theo danh sách lớp và lưu ý các bạn ngồi đúng vị trí giãn cách đã quy định…”. Tiếng thông báo qua loa của giáo viên hỗ trợ việc điều phối tiêm chủng tại Trường THPT Phan Đăng Lưu, TP. Huế vang rõ ràng giữa sân trường. Các nhóm từ 7-10 học sinh cứ theo hướng dẫn của giáo viên hỗ trợ lần lượt thực hiện qua các khâu: gọi tên, khám sàng lọc, lấy mẫu sàng lọc ngẫu nhiên, tiêm và đợi theo dõi sau tiêm. Những cô cậu học trò sau một thời gian dài học online nay được đến trường tiêm chủng và được gặp bạn thì rất háo hức. Nhiều bạn “non gan” cũng nhanh chóng vượt qua nỗi sợ kim tiêm, nhanh chóng vào vị trí khi đến lượt.

Phụ trách y tế tại điểm tiêm Trường THPT Phan Đăng Lưu, bác sĩ Thân Minh Trí (Trung tâm Y tế Phú Vang) cho biết: “Ngay từ khi có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ dưới 18 tuổi, Trung tâm Y tế Phú Vang lên kế hoạch chi tiết với các trường để bàn về các phương án tổ chức triển khai tiêm chủng và đảm bảo an toàn cho các buổi tiêm. Trong các buổi tiêm, ngoài việc tầm soát ngẫu nhiên cho học sinh, những lớp có F1, F2 thì được tầm soát hết cả lớp và được tổ chức tiêm vào cuối buổi”.

Tại Trường THPT Hai Bà Trưng, TP. Huế, học sinh các lớp được tổ chức theo từng lượt, từng khung giờ khác nhau và chỉ vào – ra theo 1 hướng. Các học sinh luôn được thầy cô giáo nhắc nhở tuân thủ việc đeo khẩu trang và giãn cách. Nhiều bạn đợi tiêm hồi hộp, các giáo viên cũng kịp thời đến bên động viên. Thậm chí, ngay cả trong thời gian theo dõi 30 phút sau tiêm, khi nhân viên y tế chuyển cho học sinh xem “Những điều cần lưu ý sau tiêm”, người phụ trách điểm tiêm cũng nhắc nhở, yêu cầu thu hồi để đảm bảo học sinh tập trung nhất cho việc tự theo dõi và được theo dõi sau tiêm mà không bị phân tâm vì bất cứ việc nào khác.

Cùng trẻ kiểm tra thông tin cá nhân trước tiêm

Cùng phối hợp đảm bảo an toàn cho trẻ

Thừa Thiên Huế có hơn 103.140 trẻ trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18. Công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho nhóm tuổi này được bắt đầu từ ngày 26/11 cho nhóm tuổi từ 15 đến dưới 18. Độ tuổi tiếp theo cũng sẽ được tiếp tục tiêm mũi 1 vắc-xin phòng COVID-19 trong tháng 12/2021 đến tháng 1/2022, tùy theo lượng vắc-xin được phân bổ. Vì sự an toàn tuyệt đối trong tiêm chủng đối với các đối tượng được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 nói chung và nhóm trẻ từ 12-17 tuổi nói riêng, ngành y tế đã tổ chức tập huấn tiêm chủng cho đội ngũ nhân viên y tế; tổ chức cơ sở tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế; giám sát chặt chẽ quy trình tiêm… Trong khám sàng lọc cho trẻ, Bộ Y tế cũng lấy tiêu chuẩn an toàn là hàng đầu. Những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có tình trạng dị ứng nặng hoặc phát hiện được tình trạng sức khỏe bất thường sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến khám sàng lọc tiêm chủng tại bệnh viện.

Theo các chuyên gia y tế, phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19 ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn. Các phản ứng có thể xảy ra trên tỷ lệ 1/10 trẻ hoặc 1/100 trẻ sau tiêm là buồn nôn, mẩn đỏ tại chỗ tiêm. Các phản ứng không phổ biến khác dưới 1/1.000 trường hợp là nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa tại chỗ tiêm. Những phản ứng tiếp theo rất hiếm gặp là viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim. Do đó, sau khi tiêm trẻ cần được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi 28 ngày sau tiêm, đặc biệt là trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng. PGS. TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Để đạt được một buổi tiêm an toàn, ngành y tế tuân thủ đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, gia đình cần giám sát trẻ những ngày đầu sau tiêm để có thể phát hiện ngay những dấu hiệu phản ứng để có hướng xử trí kịp thời nhất có thể”.

Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia kêu gọi và mong muốn nhận được sự ủng hộ, tin tưởng và chủ động tham gia của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ, phối hợp cùng ngành y tế, nhà trường để con em mình có cơ hội được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 an toàn, đủ liều. Mỗi trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 an toàn, đủ liều sẽ góp phần tạo miễn dịch cộng đồng vững mạnh, cùng với cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện bình thường mới.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.