Thứ Sáu, 10/07/2020 14:22

Thị trường bán lẻ dự báo sẽ sôi động trong năm 2023

Mặc dù kinh tế năm 2023 được nhận định là đối mặt với nhiều khó khăn nhưng dự báo đây sẽ là năm phục hồi của ngành bán lẻ sau dịch COVID-19.

Thái Lan và Việt Nam sẽ hợp tác tăng giá gạo trên thị trường toàn cầuKhi ngân hàng chuyển hướng bán lẻChâu Á - Thái Bình Dương là thị trường IPO linh hoạt nhất năm 2022

Người dân mua sắm tại siêu thị Aeon Mall Bình Dương. Ảnh tư liệu: Hải Âu/TTXVN

Nhiều tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ sẽ mở cửa trở lại, thậm chí mở rộng hệ thống và thị trường kinh doanh. Cùng đó, sức mua của người tiêu dùng được dự kiến tăng, là yếu tố quan trọng để ngành bán lẻ sôi động và tăng trưởng mạnh mẽ.

Yếu tố thúc đẩy

Theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội (GDP).

Thời gian qua, hoạt động thương mại trong nước phục hồi tích cực, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm tăng.

Cùng với đó, kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát; gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc. Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 tăng 21%, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8%).

Kết quả khảo sát doanh nghiệp bán lẻ do Vietnam Report thực hiện gần đây cũng cho thấy, đến nay trên 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch. Sự tăng trưởng của ngành bán lẻ đã đóng góp rất lớn vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, bất chấp tình hình thế giới có nhiều bất ổn. Đặc biệt, trong cuộc đua phục hồi sau dịch COVID-19, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự tăng tốc của doanh nghiệp trong việc ứng dụng số hóa vào quản trị, vận hành, logistics lẫn phân phối.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại, tăng trưởng doanh thu bán lẻ hiện nay được hỗ trợ bởi các yếu tố như tăng trưởng thu nhập, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, cũng như các ngành nghề liên quan gồm vận tải, lưu trú và nỗ lực kiềm chế lạm phát đang phát huy tác dụng.

Đặc biệt, từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão cũng là dịp người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu mạnh tay sẽ tạo nên làn sóng mua sắm bùng nổ. Hơn nữa, tâm lý tích cực của người tiêu dùng cũng tạo điều kiện cho các ngành dịch vụ bán lẻ dễ dàng phục hồi và phát triển trong cả trung và dài hạn. Thị trường bán lẻ tăng tốc, tạo cơ hội cho doanh nghiệp bán lẻ tăng trưởng, kéo theo các đơn vị sản xuất phục hồi phát triển.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao nhưng quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 chỉ đạt khoảng 82% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay.

Hơn nữa, hệ thống hạ tầng thương mại như chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển làm gia tăng chi phí thương mại, hạn chế cạnh tranh; hạ tầng thương mại nông thôn chậm phát triển, tác động tới việc khai thác tiềm năng phát triển của thương mại trong nước.

Cùng đó, vẫn còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng), nhất là đối với hàng thực phẩm thiết yếu, nên thị trường dễ bị biến động do tác động của tâm lý người tiêu dùng.

Đặc biệt, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, găm hàng chờ tăng giá trên thị trường nội địa, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp.

Lấy đà tăng tốc

Năm 2023, nhiều tín hiệu cho thấy hoạt động bán lẽ sẽ sôi động, không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng có kế hoạch mở cửa trở lại sau dịch COVID-19.

Để đón đầu cơ hội năm 2023, mới đây, Central Retail, nhà bán lẻ Thái Lan đã công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới.

Theo Central Retail, kế hoạch rót thêm vốn đầu tư nhằm thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2026 lên 65.000 tỷ đồng, hướng đến mục tiêu kinh doanh đa kênh trong lĩnh vực thực phẩm và trung tâm thương mại.

Với việc rót thêm vốn đầu tư lớn vào Việt Nam, Central Retail cho biết sẽ nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố cả nước.

Ngoài ra, một doanh nghiệp bán lẻ ngoại khác là Tập đoàn Aeon cũng đang lên kế hoạch xây thêm đại siêu thị tại Hà Nội. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam.

Ông Phùng Trung Kiên - Nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc chia sẻ, đầu năm 2023, nhóm doanh nghiệp ngành bán lẻ sẽ có tốc độ tăng trưởng tốt hơn; trong đó, nhóm phục vụ hàng tiêu dùng có cơ hội tăng trưởng cao, vì gắn với việc đẩy mạnh doanh số bán hàng, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đáng lưu ý, mô hình tích hợp WIN mới, gồm WinMart+ (nhu yếu phẩm), Phúc Long Kiosk (trà và cà phê), Phano (chăm sóc sức khỏe), Reddi (dịch vụ viễn thông), Techcombank (dịch vụ tài chính), đang có kết quả ban đầu khá khích lệ và việc nhân rộng trong năm 2023 sẽ là một câu chuyện thú vị.

Đến nay, mô hình tích hợp này đã có hơn 30 cửa hàng WinMart+ được chuyển đổi sang mô hình WIN với kết quả ban đầu đáng khích lệ. Theo đó, doanh thu mỗi m2 tăng 20% và biên EBIT (lợi nhuận trước thuế và lãi) tăng thêm 0,6% so với trước khi chuyển đổi.

Bên cạnh đường hướng của hai nhà bán lẻ hàng đầu nêu trên, theo giới chuyên gia, trước xu hướng thắt chặt chi tiêu, trên thị trường bán lẻ hiện nay đang có sự chuyển dịch ngược tạm thời từ kênh hiện đại về kênh truyền thống để tìm kiếm những lựa chọn rẻ tiền hơn của người tiêu dùng.

Điều này sẽ thúc đẩy các công ty bán lẻ trong nước đẩy mạnh rà soát doanh mục sản phẩm, giá cả, tăng cường chương trình khuyến mãi, chính sách kích cầu cho membership (thành viên) và cắt giảm hoặc tối ưu hoá chi phí hoạt động.

Dự báo tới đây sẽ có 4 dự án trung tâm thương mại chào sân vào năm 2023 là Central Premium plaza, Vincom Megamall Grand Park, Sunrise City Central và Emart 2, đóng góp hơn 116.000 m2 diện tích bán lẻ mới. Điều này cho thấy về dài hạn thị trường bán lẻ sẽ vẫn sáng khi khai phá hoặc đáp ứng đúng mức nhu cầu của người tiêu dùng thế hệ mới ở Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2023, xu hướng lớn nhất của các nhà bán lẻ là mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến.

Bán hàng đa kênh sẽ tiếp tục thể hiện ưu thế. Người mua hàng sẽ trở thành “người tiêu dùng kỹ thuật số”, tiếp tục duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến.

Mua sắm giải trí, sáng tạo nội dung số đi kèm với tiếp thị sản phẩm (Shoppertainment) sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong những năm tới. Lượng bán hàng trung bình liên quan tới các nền tảng giải trí, streaming và các sản phẩm liên quan đến các nhà sáng tạo nội dung sẽ tăng mạnh.

Hơn nữa, viecj cải tiến vận hành, quản trị doanh nghiệp trong ngành bán lẻ. Sau thời gian chống chọi với dịch bệnh, các nhà bán lẻ bước vào thời kỳ khôi phục và tăng trưởng doanh thu, bước đầu chú trọng đến yếu tố duy trì và phát triển kinh doanh từ bên trong.

Đó chính là nguồn lực nội tại từ nhân sự, vận hành cửa hàng và quản trị doanh nghiệp bán lẻ. Ứng dụng công nghệ và phần mềm quản lý bán hàng sẽ giúp chủ cửa hàng mở rộng kinh doanh và vận hành hiệu quả, hỗ trợ vận hành cửa hàng offline, thúc đẩy kênh bán hàng online và tăng trưởng đa kênh.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Cùng đó, phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán.

Đặc biệt, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá nhằm tránh gây tác động cộng hưởng và tâm lý chung tới thị trường hàng hóa khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng sốc.

Mặt khác, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị truyền thông chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.

Theo TTXVN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy xuất nhập khẩu
Gỡ 'điểm nghẽn' để thúc đẩy xuất nhập khẩu

Mặc dù thủ tục hành chính ở nhiều bộ ngành liên quan đến thương mại hàng hoá xuyên biên giới đã được cải thiện, tuy nhiên doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn gặp không ít khó khăn khi tuân thủ quy trình.