Thứ Sáu, 24/08/2018 09:03

Thích ứng

Tôi gọi cách mà bạn mình chọn ở lại và mở nhà hàng kinh doanh món Huế-món Việt trên đất Indonesia là thích ứng với tình hình mới, mà cụ thể là đại dịch COVID-19. Là cũng bởi bạn không còn lựa chọn nào khác, khi không thể về nước thời điểm này mà cuộc sống thì vẫn phải luân chuyển, vẫn phải ăn, phải mặc và con cái vẫn phải đến trường với chi phí không dễ chịu như nhiều trường công lập ở Việt Nam.

Bạn bảo, ban đầu bị mắc kẹt lại ở Bali cũng cảm thấy “chẳng sao”, nhưng đã gần hai năm trôi qua chưa thể về nước gia đình bạn buộc phải nghĩ cách để duy trì cuộc sống. Bạn mở nhà hàng không đơn giản chút nào, khi mà khách du lịch đến Bali cũng sụt giảm nghiêm trọng như nhiều nước trong khu vực và thế giới. Bạn nắm được điều đó vì ít ra cũng có nhiều năm làm ở lĩnh vực dịch vụ nên dòng khách hướng tới cũng đa phần là người địa phương. Và bạn đã thành công dù chỉ chuyên bán món Huế và một vài món đặc trưng của Việt Nam như phở, hủ tiếu, cơm tấm sườn bì... Bạn chia sẻ, cũng nhờ có đội ngũ nhân viên người bản địa chủ yếu là nam giới nhiệt tình, tháo vát, không tính toán so đo nên công việc khá trôi chảy. Dù chưa dư dả và phát triển tốt như chuỗi nhà hàng ở Sài Gòn nhưng bước đầu, nhà hàng của bạn ở Bali đã phần nào giải quyết được những khó khăn trong cuộc sống, và cho bạn thêm cơ hội học hỏi nhiều thứ.

Tôi gọi đó là thành công khi bạn dám thử thách và tạo ra cơ hội cho chính mình cũng như những người khác. Ít nhất là với những người làm công ăn lương, đơn vị cung cấp, phân phối thực phẩm, nước uống cho bạn... Tôi cũng nghĩ về những doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, lữ hành trong nước và trên địa bàn, họ cũng đã có những cách xoay chuyển để “cứu mình” qua đại dịch. Như một doanh nghiệp mà tôi quen trước đây chỉ chuyên phục vụ khách tây, bây giờ không có khách nước ngoài, công ty anh mở các dịch vụ cho khách Việt mà chủ yếu là khách Huế. Từ quán nhậu ở phố tây, đến cửa hàng trang phục nữ, rồi các dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng đều chú trọng khách Việt, tất nhiên là đi cùng giá cả hợp lý. Có thể doanh thu, nguồn lãi không thể so bằng thời điểm không có dịch nhưng ít ra anh vẫn duy trì được hoạt động và giữ chân được nhân viên. Hay như một người bạn khác, làm tài xế xe du lịch, nay chuyển sang lái xe tải, thu nhập cũng tốt, chỉ là vất vả hơn một chút. Rồi đứa em gái họ của tôi, vốn là hướng dẫn viên tiếng Thái có tiếng nên tour có quanh năm. Thu nhập cũng tốt lắm. Thế rồi dịch COVID-19, làm em mất tour, mất thu nhập, song cũng nhờ những năm tháng du học ở Thái, em có kinh nghiệm nấu và ăn nhiều món Thái, nay lại mở nhà hàng món Thái đắt khách lắm.

Rõ ràng, dịch COVID-19 khiến bao người lao đao, kinh tế suy giảm. Song có thể thấy, dịch COVID-19 cũng đem lại cơ hội cho nhiều người, hoặc ít ra “nhờ” COVID-19 mà một số người phát hiện ra mình có thêm những khả năng đặc biệt, ở những lĩnh vực khác mà mình có thể thành công nếu dám dấn thân và thử thách. Thế mới nói, cuộc sống luôn tạo ra những cơ hội. Quan trọng là bạn có dám nắm lấy và biến thành thế mạnh của mình hay không mà thôi.

Hồng Tâm

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.