Thứ Năm, 29/08/2013 11:04

Thiếu chiến lược thống nhất về người tị nạn, châu Âu thêm chia rẽ

Theo giới phân tích, khi những tranh cãi vẫn còn đó, sẽ chẳng có nước nào sẵn sàng đứng ra làm nơi tập kết người tị nạn.
Vấn đề người tị nạn vẫn là bài toán khó khiến giới chức châu Âu phải đau đầu. (Ảnh: AP)

Cách đây 5 tuần, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk – một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng chính trị lớn nhất của Liên minh châu Âu EU đã đưa ra cảnh báo thẳng thừng đến 28 quốc gia thành viên trong khối: Đó là hoặc cùng tiến tới một kế hoạch chung để giải quyết cuộc khủng hoảng trong vòng 2 tháng, hoặc có nguy cơ hỗn loạn.

Đáng ngạc nhiên, những khó khăn trong hoạch định chính sách của châu Âu sau đó chẳng những không được cải thiện mà còn thêm tồi tệ. Ba tuần trước thời hạn chót mà ông Tusk đặt ra, nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia châu Âu lại công bố chính sách quản lý biên giới chặt chẽ hơn với người tị nạn.

Luật chơi của châu Âu không được tôn trọng

Vấn đề ở đây là các nhà lãnh đạo những quốc gia này không phải lúc nào cũng tôn trọng luật chơi châu Âu, không phải lúc nào cũng hướng đến sự thống nhất như hình dung của ông Tusk. Trong một số trường hợp, thay vì hành động vì tình đoàn kết của Liên minh châu Âu, họ lại thiên về những mối quan hệ đồng minh lâu đời.

Tuần qua, Áo đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ biên giới. Cùng với các đối tác khác trong khu vực, trong đó bao gồm cả Ba Lan và Hungary, những nước này đang trở thành một “quyền lực đối trọng” với những nước ủng hộ chính sách nhập cư mở.

Trong bối cảnh hiện nay, lời kêu gọi cho sự thống nhất hành động của Thủ tướng Đức Angela Merkel dường như ngày càng bị lu mờ bất chấp những nỗ lực của bà Merkel, tìm kiếm một công thức để có thể giảm bớt số lượng người tị nạn vẫn đang ngày đêm bất chấp hiểm nguy tìm đường đến Đức.

Ông Ivan Krastev, Chủ tịch Trung tâm Chiến lược Tự do – một viện nghiên cứu có trụ sở ở Sofia, Bulgaria cho biết: “Chúng ta đang bước vào một tình huống mà ở đó, tất cả mọi người đang cố gắng để ngăn chặn những người tị nạn trước khi họ đến biên giới”.

Ông Krastev nói thêm: “Câu hỏi cơ bản đặt ra hiện nay là nước nào sẽ sẵn sàng trở thành nơi tập kết cho người tị nạn?”.

Trong nhiều tháng, Liên minh châu Âu với sự hỗ trợ tích cực của bà Merkel đã cố gắng để chia sẻ gánh nặng bằng cách phân phối hạn ngạch những người tị nạn đang lưu lại ở Hy Lạp và Italy đến các nước thành viên khác trong khối. Rất nhiều quốc gia từ chối và chương trình này về cơ bản đã bị “tê liệt”.

EU cũng đã đồng ý trả 3 tỷ euro để hỗ trợ cho các tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ giúp ngăn chặn dòng chảy của những người di cư rời bờ biển nước này đến Hy Lạp. Tuy nhiên, thực tế, số lượng người di cư đi theo ngả đường này vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm.

Ngày càng nhiều nước thắt chặt chính sách người tị nạn

Không thể đưa ra một chính sách toàn châu Âu có hiệu quả trong khi phải đối mặt với ngày càng nhiều sự tức giận và ý kiến phản đối từ nhiều quốc gia, các nhà lãnh đạo châu Âu dường như đã thất bại trong việc đi tìm tiếng nói chung.

Chỉ vài tháng trước đây, Áo giống như Đức được cho là biểu tượng của hy vọng khi sẵn sàng dang rộng vòng tay chào đón những người tị nạn tìm đến châu Âu, chạy trốn chiến tranh, đói nghèo. Nhưng giờ đây, bất chấp cảnh báo của EU hay sự bực tức của bà Merkel, chính quyền nước này vẫn quyết định thay đổi chính sách với người tị nạn bằng cách thắt chặt kiểm soát khu vực biên giới.

Hôm 24/2, Áo cũng đã triệu tập hội nghị của các nước Tây Balkan về vấn đề di cư với sự góp mặt của Áo, Slovenia, Croatia, Albania, Bosnia-Herzegovina, Bulgaria, Serbia, Macedonia, Montenegro. Các nước tham dự đều nhất trí về việc tiếp tục giảm số người di cư và tị nạn tiếp nhận vào khu vực Balkan.

Tuy nhiên, động thái này không biết là do “vô tình hay hữu ý” có khả năng đe dọa biến Hy Lạp trở thành “điểm tập kết người tị nạn”. Đương nhiên, Athens đã ngay lập tức có phản ứng mạnh mẽ.

Ngày 25/2, Bộ Ngoại giao Hy Lạp đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Áo để tham vấn liên quan tới hội nghị bàn về vấn đề người di cư của các nước Tây Balkan do Áo tổ chức mà không có sự tham gia của Hy Lạp - quốc gia đang bị ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng người di cư này.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Hy Lạp nêu rõ quyết định này là cần thiết nhằm “giữ mối quan hệ hữu nghị giữa Nhà nước và nhân dân Hy Lạp và Áo”.

Phía Hy Lạp cũng cho rằng, những ý tưởng đơn phương nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn và sự vi phạm luật pháp quốc tế cũng như quy định của Liên minh châu Âu (EU) mà các nước thành viên đã nhất trí có thể làm xói mòn những nền tảng và quá trình thống nhất châu Âu.

Châu Âu vẫn là miền đất hứa với những người dân Trung Đông và Bắc Phi trốn chạy chiến tranh và đói nghèo. (Ảnh: Getty)

Châu Âu không thể dồn hết trách nhiệm cho Hy Lạp

Hy Lạp hiện được cho là cửa ngõ chính của những người tị nạn Syria, Trung Đông và Bắc Phi muốn tìm đường đến châu Âu. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, chỉ từ đầu năm đến nay, đã có hơn 100.000 người vượt biển để đến Hy Lạp, nếu tiếp tục đà này, cuối năm 2016, số người tị nạn đặt chân đến Hy Lạp sẽ vượt quá con số 1 triệu người.

Trong khi đó, các quan chức Hy Lạp cảnh báo, trong bối cảnh nền kinh tế kiệt quệ vì khủng hoảng tài chính, việc không thể kiểm soát được tình hình người tị nạn có thể đẩy đất nước này rơi vào vòng xoáy của một cuộc xung đột dân sự.

Chuyên gia kinh tế Megan E. Greene của Tập đoàn quản lý Tài sản Manulife nhận định: “Đây không phải là vấn đề của riêng Hy Lạp, đó là vấn đề của cả châu Âu, đòi hỏi một giải pháp toàn châu Âu. Nhưng chúng ta lại nhìn thấy sự đoàn kết đã bị ném ra ngoài cửa sổ”.

Thách thức đặt ra hiện nay là làm thế nào để Liên minh châu Âu tìm lại được tiếng nói chung. Không một tổ chức hay quốc gia nào có thể tự xử lý được cuộc khủng hoảng người tị nạn nếu thiếu sự nhất trí thực hiện các luật chung của châu Âu về việc tiếp nhận và tạo công ăn việc làm cho người tị nạn. Tìm được lời giải cho bài toán khó này cũng là lúc châu Âu tìm ra được các giá trị thực sự của mình và chứng minh được tính thống nhất của toàn khối.

Tuy vậy, để thực hiện được mục tiêu này, châu Âu vẫn còn chặng đường rất dài phải đi, đặc biệt là khi những toan tính chính trị của các bên liên quan vẫn đang nhấn chìm nhiều quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi trong bất ổn và xung đột sâu sắc./.

Theo VOV

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng Nhật Bản công du châu Âu và Mỹ, trải đường cho Hội nghị thượng đỉnh G7
Thủ tướng Nhật Bản công du châu Âu và Mỹ, trải đường cho Hội nghị thượng đỉnh G7

Hôm nay (9/1), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần đến 5 nước thành viên của nhóm G7, nhằm tăng cường mối quan hệ với châu Âu và Anh, đồng thời tập trung vào liên minh Nhật - Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington trong những ngày tới, AP News và Reuters đồng loạt đưa tin cho biết.