Chủ Nhật, 13/08/2017 06:30

Thiếu hụt nguyên liệu ngành dệt may nếu dịch Corona kéo dài

Hơn 70% nguyên phụ liệu nhập khẩu trực tiếp từ các nhà máy ở Trung Quốc, trong khi đây lại là tâm dịch của bệnh viêm đường hô hấp cấp do Corona gây ra nên ngành dệt may được xem là lĩnh vực ảnh hưởng nhiều nhất khi dịch Corona diễn ra và chưa có dấu hiệu giảm.

Ngành dệt may triển khai nhiều kịch bản ứng phó với dịch corona

Các DN sản xuất sợi sẽ ảnh hưởng bởi dịch Corona khi Trung Quốc bị đóng băng và các khách hàng sẽ chuyển tuyến xuất khẩu sang các nước khác (Trong ảnh: Sản xuất sợi tại Công ty CP Sợi Phú Nam)

Phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc

Là lĩnh vực chiếm tới 75% giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa của tỉnh với KNXK mỗi năm đạt trên 700 triệu USD, lâu nay, đa số nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, từ vải, cúc, dây kéo…đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây chính là mối lo của các doanh nghiệp (DN) dệt may trên địa bàn nếu dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 3 năm nay.

Với tỷ lệ gia công chiếm trên 80% nên đa số nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất đều do khách hàng chỉ định và nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc nên Công ty CP May Vinatex Hương Trà đóng tại Cụm công nghiệp Tứ Hạ (TX. Hương Trà) đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu khi các cửa khẩu giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc đang đóng cửa.

Các DN dệt may có nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trong quý II/2020 nếu dịch Corona kéo dài

Phó Giám đốc công ty Lê Thanh Liêm lý giải, nếu sản xuất hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) thì DN có thể quyết định nguồn cung nguyên phụ liệu và tìm nguồn thay thế ngoài Trung Quốc khi các nhà máy ở đây đóng cửa. Song, với 80% đơn hàng gia công nên hiện nay, 100% nguyên phụ liệu đều do khách hàng chỉ định nên DN không thể tự quyết khi nguồn cung thiếu hụt.

Theo ông Liêm, hiện nguồn nguyên liệu do DN dự trữ có thể sản xuất đến quý I/2020, sau thời điểm này, nếu dịch Corona vẫn chưa chấm dứt, DN sẽ thương lượng với khách hàng và chờ quyết định của Tập đoàn Dệt may Việt Nam để có giải pháp đảm bảo nguồn cung, duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Trong khi các DN dệt may đang đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường cung ứng nguyên phụ liệu tại Trung Quốc “đóng băng” thì lĩnh vực sản xuất sợi hiện vẫn chưa ảnh hưởng do cả xuất và nhập đều không "dính" đến Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Công ty CP Sợi Phú Nam Lê Thị Lương, thời điểm này, các DN sản xuất sợi vẫn hoạt động bình thường khi nguồn cung nguyên liệu và đầu ra không phải từ Trung Quốc mà chủ yếu từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Mỹ và châu Âu. Song, về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng nặng khi thị trường Trung Quốc bị đóng băng, các khách hàng buộc sẽ chuyển tuyến xuất khẩu sang các nước khác, dẫn đến hoạt động xuất khẩu bị chậm lại và sự cạnh tranh về thị trường sẽ tăng lên.

Theo bà Lương, hiện vải có thể nhập từ các nước ngoài Trung Quốc, nhưng các phụ kiện như cúc, chỉ, dây kéo... lâu nay các DN gần như nhập 100% từ Trung Quốc nên nếu đầu quý II/2020 dịch bệnh chưa chấm dứt, các nhà máy may sẽ thiếu hụt nguyên phụ liệu và tất nhiên, lĩnh vực sản xuất sợi cũng sẽ ảnh hưởng bởi sợi là khâu đầu tiên để sản xuất vải, sau đó mới đưa đến dệt và đáp ứng nguyên liệu cho ngành dệt may.

Xây dựng nguồn nguyên liệu tại chỗ

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 30 DN sản xuất hàng dệt may với trên 22.000 lao động. Sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tỷ lệ lao động đi làm trở lại đạt trên 95%. Các DN đang triển khai các giải pháp đảm bảo sức khỏe cho người lao động như phát khẩu trang, đo thân nhiệt, phun thuốc diệt khuẩn và sử dụng nước rửa tay sát khuẩn tại các nhà máy nên chưa có trường hợp công nhân bị nhiễm bệnh.

Trung Quốc hiện là thị trường cung ứng nguyên phụ liệu lớn, chiếm từ 30 - 40% tổng lượng nguyên phụ liệu sản xuất hàng may mặc của Việt Nam và trên 70% đối với các DN dệt may trên địa bàn.

Giám đốc Phát triển Tổng Công ty TNHH Sơn Hà, ông Huỳnh Trọng Nghĩa cho biết, trong tình hình có thể thiếu nguyên liệu sản xuất trong quý 2, trước mắt, các DN sẽ tìm cách ứng phó bằng cách chia sẻ đơn hàng và nguồn nguyên liệu dự trữ để có thể duy trì sản xuất trong tháng 3 và tháng 4. Đồng thời cũng thảo luận với khách hàng để tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu khác từ Malaysia, Ấn Độ hay các nhà máy thuộc DN nước ngoài đóng tại Việt Nam.

“Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế để giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, vì hiện nay vẫn khó có nhà cung cấp nào có thể thay thế được Trung Quốc. Các DN hy vọng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra sẽ sớm được khống chế để chuỗi cung ứng, sản xuất ổn định trở lại, đảm bảo đời sống cho hàng ngàn lao động trong ngành dệt may. Đồng thời mong muốn tỉnh tăng cường công tác kêu gọi đầu tư đối với lĩnh vực nguyên phụ liệu dệt may để thay thế nguồn hàng từ Trung Quốc và các nước”, ông Nghĩa chia sẻ.

Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế, ông Trần Văn Mỹ thông tin, với trên 70% đơn hàng FOB nên lâu nay, DN chủ động nguồn cung, trong đó 60% nhập từ các nhà máy ở Việt Nam và 40% các nước ngoài Trung Quốc. Để chủ động nguyên phụ liệu đáp ứng các đơn hàng, trong quý II/2020, công ty đầu tư 150 tỷ đồng xây dựng kho chứa nguyên phụ liệu diện tích 15.000m2, xây dựng thêm xưởng cắt và nâng cấp toàn bộ nhà máy may để chuẩn bị đón nhận một khách hàng tiềm năng đến từ Mỹ, thực hiện mục tiêu đưa KNXK năm 2020 lên 150 triệu USD, tăng 30% so với năm 2019.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hùng Sơn, cùng với việc vận động các DN đảm bảo dụng cụ y tế phòng dịch cho đội ngũ CBCNV- LĐ cũng như khuyến khích các DN tăng cường sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế cung ứng ra thị trường, Sở đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với dịch Corona.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các DN dệt may nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu, sắp tới, Sở tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện và tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dệt may, đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy, đồng thời thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong lĩnh vực dệt may. Qua đó, hướng dẫn các DN trao đổi với khách hàng, tập trung khai thác nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước hoặc từ các nước khác để thay thế nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh vì dệt may là lĩnh vực chiếm giá trị KNXK cao nhất trong các ngành.

Bài, ảnh: Thanh Hương

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành dệt may ứng phó bất ổn thị trường
Ngành dệt may ứng phó bất ổn thị trường

Mặc dù đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 44 tỷ USD trong năm 2022, nhưng ngành dệt may Việt Nam đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trái ngược, bất định của thị trường. Trong sáu tháng đầu năm, doanh nghiệp thắng lớn với đơn hàng dồi dào và rồi tình thế đổi chiều những tháng cuối năm đã đánh bay lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự linh hoạt ứng phó đã giúp doanh nghiệp vượt khó và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu.

Bangladesh chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu
Bangladesh chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu

Ngành dệt may Bangladesh hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn do suy thoái toàn cầu và lạm phát khi các nhà bán lẻ ở cả thị trường châu Âu và châu Mỹ đang hoãn các chuyến hàng thành phẩm hoặc trì hoãn đặt đơn hàng do lạm phát tăng cao.

Năm 2021 ngành dệt may xuất khẩu phấn đấu đạt 39 tỷ USD
Năm 2021 ngành dệt may xuất khẩu phấn đấu đạt 39 tỷ USD

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam nhận định: Năm 2021 vẫn đầy khó khăn và bất định. Trong xu thế giảm giá, hàng hoá dệt may đơn giản sẽ thay thế hàng thời trang, dẫn tới năng lực sản xuất của doanh nghiệp dệt may sẽ trở nên dư thừa và xuất hiện những yêu cầu về năng lực sản xuất mới.