Chủ Nhật, 24/02/2019 07:00

Thời thanh niên sôi nổi ở Huế

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người con của quê hương Quảng Bình, nhưng ông đã có những năm tháng thanh niên sôi nổi ở Thừa Thiên Huế. Trong khoảng 6 năm (từ năm 1925 đến năm 1931), ông đã học tập, tham gia các hoạt động yêu nước, làm báo và trải qua những năm tháng tù đày, gian khổ.

Chủ tịch nước dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên GiápTriển lãm trực tuyến 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại'Bản lĩnh quyết đoán của người lãnh đạo

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các đơn vị nữ thông tin và nữ quân y. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày nay, Thừa Thiên Huế còn lưu dấu nhiều địa điểm về thời thanh niên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như Trường Quốc Học Huế, Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu, Tòa soạn báo Tiếng Dân, nhà lao Thừa Phủ…

Người học trò ưu tú của Trường Quốc Học

Quốc Học Huế, ngôi trường có lịch sử lâu đời, là trường học của nhiều bậc vĩ nhân ở Việt Nam. Ngày nay, khi đến tham quan Trường Quốc Học Huế, chúng ta vẫn tìm thấy những tư liệu quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời thanh niên như bức tranh miêu tả lại cuộc bãi khóa năm 1927 mà ông là một trong những yếu nhân; những trang tư liệu Công báo Trung kỳ có ghi danh sách những học sinh bị đuổi học vì tham gia bãi khóa, trong một trang đề ngày 14/5/1927 có tên Võ Giáp (tên khai sinh của ông) và những hình ảnh ông về thăm trường cũ được trưng bày trang trọng.

Về những năm tháng học tại Trường Quốc Học Huế, trong bút ký "Những kỷ niệm về Huế", Võ Nguyên Giáp viết: “Tại Trường Quốc Học Huế, tuổi niên thiếu của tôi đã đến với bình minh của thời đại. Thời đại của dân tộc ta, nhân dân ta và đứng lên đấu tranh và đấu tranh thắng lợi vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội”.

Thời gian học ở đây, ông đã gặp được những bậc tiền bối lỗi lạc như cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng; những người thầy tâm huyết như thầy Võ Liêm Sơn; những người bạn lớn Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Thúc Hào…

Năm 1925, ông tham gia phong trào đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Khi cụ Phan Bội Châu về an trí tại Huế, ngôi nhà ở dốc Bến Ngự của cụ là nơi Võ Nguyên Giáp luôn lui tới để đọc sách báo, nghe cụ Phan nói chuyện. Sự tương đồng trong lý tưởng sống đã gắn kết mối thâm tình của một chí sĩ già và một học sinh còn nhỏ tuổi, trao truyền ngọn lửa cách mạng.

Năm 1926, 1927, ông liên tục tham gia các phong trào: Để tang cụ Phan Chu Trinh; bãi khóa của học sinh Huế phản đối thái độ miệt thị của một giáo sư thực dân đối với học sinh. Đỉnh điểm là cuộc bãi khóa tháng 4 năm 1927, phản đối nhà trường đuổi học sinh Nguyễn Chí Diểu. Cuộc bãi khóa năm 1927 đã lan rộng trong học sinh Huế, chính quyền thực dân tiến hành điều tra và buộc hàng loạt học sinh Trường Quốc Học, Trường Đồng Khánh… phải nghỉ học và Võ Nguyên Giáp cũng nằm trong danh sách đó.

Rời Trường Quốc Học, Võ Nguyên Giáp được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu tham gia vào Tân Việt cách mạng Đảng, được phân công làm công tác tuyên huấn.

Nơi tôi luyện ý chí và tinh thần thép

Ngôi nhà số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng ngày nay, xưa là số 123 đường Đông Ba, phố Hàng Bè là Nhà in và Tòa soạn Báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Lịch sử của tờ báo này ghi nhận, thời gian Võ Nguyên Giáp đến làm biên tập viên và nhiều bài báo với bút danh Vân Đình, Hải Thanh đã được phát hành từ đây. Tuy thời gian làm biên tập viên khá ngắn (chưa đầy 2 năm, khoảng năm 1929 đến năm 1930), nhưng đây là thời gian quan trọng giúp ông làm quen với viết báo, luyện tập để trở thành nhà báo chân chính phục vụ cho cách mạng.

Bài đầu tiên của Võ Nguyên Giáp, ký bút hiệu Hải Thanh, nhan đề “Vũ trụ và tân hóa” đăng trên Báo Tiếng Dân số 218 ngày 28/9/1929 và số 222 ngày 5/10/1929. Theo thống kê, trên 36 số báo Tiếng Dân đã có 27 bài của ông.

Không chỉ làm báo, năm 1929, Võ Nguyên Giáp bắt đầu làm việc tại Nhà xuất bản Quan Hải Tùng Thư do Đào Duy Anh sáng lập. Tại đây, ông được đọc nhiều sách về sử học, triết học, xã hội học, kinh tế học, trong ấy có một số sách về chủ nghĩa Mác hợp pháp, như Duy vật sử quan, Kinh tế sử quan, Nhân loại tiến hóa sử... Những kiến thức tham khảo, thu nhận từ tủ sách này càng làm ông trưởng thành hơn trong công tác viết báo, tuyên truyền.

Ông từng viết: “Nơi tôi ở có một tủ sách bí mật trong đó có nhiều sách báo do các tổ chức của Đảng Cộng sản Pháp gửi cho. Niềm tin ở chủ nghĩa cộng sản ngày càng được củng cố. Một năm sau (1929), tôi cùng anh Nguyễn Chí Diểu tổ chức ra nhóm hạt nhân cộng sản đầu tiên trong Tổng bộ Tân Việt”.

Cũng tại địa điểm nhà in báo Tiếng Dân, tháng 10/1930, Võ Nguyên Giáp bị mật thám bắt trong vụ “cứu tế Nghệ An Đỏ”, bị tuyên án 2 năm tù, giam tại Lao Thừa Phủ - nơi giam giữ, tra tấn những nhà cách mạng, những đảng viên cộng sản trung kiên, học sinh, sinh viên và đồng bào yêu nước.

Từ tháng 10/1930-11/1931, tại đây, Võ Nguyên Giáp đã trải qua sự khắc nghiệt của lao tù; chứng kiến sự dũng cảm, trung kiên của những người đồng chí, càng tôi luyện thêm trong ông ý chí và tinh thần thép. Đặc biệt trong thời gian này, Võ Nguyên Giáp gặp lại người con gái mà sau này trở thành người vợ đầu tiên trân quý của ông - Nguyễn Thị Quang Thái.

Những năm tháng thanh niên sôi nổi ở Huế luôn sống trong tâm trí ông, trở thành một phần máu thịt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Một cuộc đời mà sự nghiệp đã đi vào lịch sử, trở thành một tên tuổi lớn, một nhà quân sự lẫy lừng của thế kỷ XX.

Hoàng Liên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 64 năm truyền thống bộ đội biên phòng
Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 64 năm truyền thống bộ đội biên phòng

Ngày 19/2, Tiểu đoàn Huấn luyện- Cơ động, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức huấn luyện ngoại khóa kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn trong tuần tra biên giới, giới thiệu phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số, triển khai xây dựng công viên xanh và nhiều hoạt động ý nghĩa khác cho 100 chiến sĩ mới.

Sớm có quy định cho trẻ em khi tham gia mạng xã hội
Sớm có quy định cho trẻ em khi tham gia mạng xã hội

Trong thời đại 4.0, internet và mạng xã hội (MXH) xuất hiện phổ biến hơn với trẻ em, góp phần hỗ trợ trẻ cả về mục đích giáo dục và giải trí. Tuy nhiên, MXH cũng là nơi tiềm ẩn nhiều mối nguy cho trẻ.

Hoàn thiện hoạt động, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh
Hoàn thiện hoạt động, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh

Sau một năm sáp nhập và chuyển đổi hoạt động, cơ sở Chân Mây trở thành đơn vị trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc. Cùng với việc tổ chức lại đội ngũ, đơn vị nỗ lực thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân thuộc 4 xã khu II huyện này.

“Xanh hóa” hoạt động đầu tư
“Xanh hóa” hoạt động đầu tư

Tăng trưởng xanh là mục tiêu xuyên suốt trong phát triển kinh tế, xã hội Thừa Thiên Huế. Và để hiện thực hóa mục tiêu trên, việc định hình tăng trưởng xanh bắt đầu từ hoạt động xúc tiến đầu tư là mũi nhọn.