Thứ Năm, 18/06/2020 14:59

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết Bộ Thông tin và Truyền thông

Sáng 18/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Quy định chi tiết về bảo đảm an toàn hệ thống thông tinNgày 4/11, Quốc hội chất vấn lĩnh vực Thông tin truyền thông và Nội vụBộ Thông tin và Truyền thông ban hành mã định danh điện tử

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự hội nghị

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng. Cùng dự có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục. Các chính sách hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt và hiệu quả. Khu vực sản xuất trong nước, các thị trường đối tác lớn của Việt Nam phục hồi, tăng trưởng; các doanh nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu, thay đổi mô hình kinh doanh, đa dạng hóa toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ “vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả”. Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

Tiếp nối các thành tích đã đạt được, năm 2022, ngành thông tin và truyền thông tiếp tục nỗ lực phấn đấu và đã đạt thêm nhiều kết quả quan trọng: công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành thông tin và truyền thông chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc.

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ. Công tác báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự hội nghị

Năm 2022, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so năm 2021 và gấp 1,5 lần so dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 98.982,3 tỷ đồng, tăng 24,7% so năm 2021; tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1.510.027 lao động, tăng 5% so năm 2021; năng suất lao động ngành thông tin và truyền thông (tính theo đóng góp vào GDP) ước đạt khoảng 648 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động là 6,7% so năm 2021.

Lĩnh vực bưu chính: Sản lượng bưu gửi tăng 38%; Doanh thu dịch vụ bưu chính tăng 16%; đóng góp vào GDP của lĩnh vực bưu chính tăng 16%; Số lượng doanh nghiệp bưu chính tăng 12%, so với năm 2021. Lĩnh vực viễn thông: điểm nổi bật là ngày 9/11/2022, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, thúc đẩy việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả, góp phần phát triển hạ tầng số.

Một nhiệm vụ lớn ngành viễn thông đã hoàn thành trong năm 2022 là các doanh nghiệp viễn thông đã hoàn thành phủ sóng cho 2.152/2.418 điểm lõm sóng là các thôn, bản trên toàn quốc. Như vậy, tỷ lệ thôn đã có sóng trên toàn quốc đạt 99,73%. Năm 2022, doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so năm 2021; lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so năm 2021; thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone ước đạt 75,80%, tăng 1,4% so năm 2021.

Lĩnh vực Chuyển đổi số quốc gia và Chính phủ số: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hằng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ngày 10/10/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022. Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và triển khai Nền tảng học trực tuyến mở đại trà tại địa chỉ https://onetouch.mic.gov.vn (Nền tảng OneTouch), đã triển khai bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương; thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, phổ cập kỹ năng số cho người dân.

Quang cảnh hội nghị

Lĩnh vực an toàn thông tin mạng: trong 11 tháng đầu năm 2022, đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.328 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.342 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,33 triệu người dân (tương ứng 6,8% người dùng internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng

Lĩnh vực kinh tế số và xã hội số: Đóng góp của kinh tế số cho GDP năm 2022 ước đạt tỷ trọng khoảng 14,26%, trong đó, kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7,18%.

Lĩnh vực công nghiệp ICT: doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022; đóng góp vào GDP của lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 34.336 triệu USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022.

Lĩnh vực báo chí, truyền thông: công tác báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố bộ tiêu chí nhận diện và quyết liệt chấn chỉnh, xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội, biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí. Công tác xử lý vi phạm chuyển hướng sang xem xét, xử lý trách nhiệm cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan báo chí. Buộc các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới tuân thủ, rà soát, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc đạt hơn 90% yêu cầu của Nhà nước Việt Nam.

Lĩnh vực xuất bản: Doanh thu lĩnh vực xuất bản, in, phát hành ước đạt năm 2022 là 96.433 tỷ đồng tăng trưởng 5% so với năm 2021. Số đầu xuất bản phẩm in năm 2022 ước đạt 39.700, tăng nhẹ so với năm 2021. Số đầu xuất bản phẩm điện tử ước đạt 3.200 tăng 59% so với năm 2021.

Với những thành tích đạt được xuyên suốt trong thời gian qua và trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Năm 2023 tới sẽ là năm về dữ liệu

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2023 tới sẽ là năm về dữ liệu, tập trung công bố và xây dựng cơ sở dữ liệu các bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu để kết nối chia sẻ và an toàn dữ liệu. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai các công tác để tạo ra sự thay đổi cơ bản về dữ liệu Việt Nam vì tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu chính là thay đổi căn bản của chuyển đổi số.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tập trung triển khai các chiến lược được ban hành, xây dựng các hướng dẫn thực thi chiến lược, tiến hành đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu chiến lược…, hạn chế việc chiến lược làm ra sẽ chỉ “nằm trong ngăn kéo”.

Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung vào các kết quả thực chất: Về bưu chính, sẽ đo lường và kiểm soát chất lượng dịch vụ; về viễn thông sẽ giải quyết triệt để sim rác và thương mại hoá 5G; về dịch vụ công trực tuyến sẽ nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực sự được xử lý trực tuyến; về chuyển đổi số sẽ nâng số lượng tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam lên ít nhất 50%; về công nghiệp công nghệ số là xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tạo ra sự cộng hưởng trong nước và lan ra nước ngoài; về báo chí xuất bản và truyền thông là sự tuân thủ luật pháp Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới, giải quyết các vấn đề tư nhân hóa báo chí hay báo hoá trang tin, mạng xã hội.

Năm 2023, sau ba năm Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi “mở cõi”. “10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số và nhất là từ gia công phần mềm sang “Make in Việt Nam”.

Ngành thông tin và truyền thông luôn tạo ra những thách thức mới cho chính mình để từ đó vươn lên và cũng luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó. Nhiệm vụ khó khăn, thách thức lớn luôn tạo ra sự phát triển mới. Với tinh thần chiến binh, chúng tôi xin nhận mọi nhiệm vụ được giao”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Nâng cao chất lượng báo Đảng, chuyển đổi mạnh mẽ để phục vụ Đảng và nhân dân

Tại Hội nghị, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, trình bày tham luận với chủ đề: Nâng cao chất lượng báo Đảng, chuyển đổi mạnh mẽ để phục vụ Đảng và nhân dân.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trình bày tham luận.

Theo đó, trong thời gian vừa qua, các cơ quan báo Đảng đã có sự kết nối chặt chẽ, thường xuyên tương tác, định hướng và lan toả thông tin; nhiều hội nghị báo Đảng khu vực, các sự kiện báo Đảng địa phương liên tục được tổ chức.

"Đặc biệt, trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, một nhóm Zalo kết nối tất cả các Tổng Biên tập báo Đảng trên toàn quốc đã được chúng tôi thành lập. Nhờ vậy, những thông tin về đại dịch Covid-19 khi đó đã được lan tỏa nhanh chóng. Hiện nay, chúng tôi vẫn vẫn duy trì nhóm này để việc trao đổi thông tin được thuận tiện, nhanh chóng hơn", ông Lê Quốc Minh nói.

Theo ông Lê Quốc Minh, đây cũng là nơi để các đồng chí Tổng Biên tập báo Đảng các địa phương kết nối thường xuyên, cùng trao đổi nghiệp vụ, giúp nhau tháo gỡ về cơ chế cũng như định hướng nâng cao chất lượng.

Báo Nhân Dân đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ báo Đảng địa phương áp dụng công nghệ làm báo hiện đại mà Báo Nhân Dân đang thực hiện, thí dụ: Báo chí dữ liệu, Megastory…, đòi hỏi công nghệ cao.

"Đầu tháng 11 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức hội nghị “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị, tích cực đổi mới, nâng cao năng lực định hướng, hiệu quả tuyên truyền gắn với việc mua, đọc, làm theo báo, tạp chí của Đảng” tại Hải Phòng mang lại nhiều thành công tốt đẹp. Đặc biệt, cũng trong tháng 11, chúng tôi đã tổ chức Hội nghị “Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc”, quy tụ nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước", ông Lê Quốc Minh cho biết.

Tại Hội nghị này, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đề nghị báo Đảng phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng là là vũ khí sắc bén, ngọn cờ đầu, nòng cốt trong cả 3 hình thái chủ yếu của công tác tư tưởng là lý luận, tuyên truyền và cổ động; góp phần động viên, khích lệ, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đây là hội nghị có quy mô lớn chưa từng có, được tổ chức chuyên nghiệp với sáu phiên thảo luận, bao gồm: Đổi mới, sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng; Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho báo Đảng; Nâng cao chất lượng nội dung để duy trì vị thế của báo Đảng; Chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại; Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí; Phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng. Tại đây, các chuyên gia, đại diện các cơ quan báo Đảng cũng như các doanh nghiệp công nghệ đã trao đổi, chia sẻ nhiều cách thức làm hay của mình.

"Chúng tôi đã tổ chức lần đầu tiên một cuộc khảo sát toàn diện về các cơ quan báo Đảng, bao gồm nhiều khía cạnh như quy mô toà soạn, phân bổ nguồn lực, định hướng phát triển cũng như cơ chế phối hợp, chính sách, nguồn lực, độ sẵn sàng với đổi mới sáng tạo hay chuyển đổi số và đặc biệt là kinh tế báo chí hay đa dạng hóa nguồn thu,...

Chúng tôi cũng đã khảo sát xem độc giả đọc gì trên báo Đảng; cơ chế phối hợp hay những khó khăn trong đa dạng hóa nguồn thu; các vấn đề đổi mới sáng tạo; những khó khăn về đa phương tiện, đa nền tảng của cơ quan báo Đảng", ông Lê Quốc Minh phát biểu.

Ông Lê Quốc Minh đặt vấn đề: "Vậy các cơ quan báo Đảng phải làm gì? Chúng tôi đã cùng thống nhất định hướng báo Đảng luôn phải giữ vững những giá trị cốt lõi của báo chí, phải chuyên nghiệp, công bằng, cân bằng và đa chiều. Ngoài thẩm định thông tin phải đạt chất lượng cao, giữ đạo đức nghề nghiệp và xây dựng môi trường văn hóa; theo kịp những công nghệ truyền thông mới, ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại. Báo Nhân Dân luôn sẵn sàng chia sẻ với báo Đảng địa phương những ứng dụng công nghệ mới. Các báo Đảng hiện nay nhiều nơi đang không ngừng đổi mới sáng tạo, tạo ra sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới. Chúng tôi cũng hợp tác trong đưa tin, kiểm chứng thông tin, xác định phải tăng cường minh bạch thông tin. Báo Đảng phải thể hiện trách nhiệm xã hội, thực sự là báo Đảng, báo của nhân dân".

Theo nhandan.vn

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh chủ động đổi mới, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) nhằm xây dựng, hình thành hệ sinh thái số GDNN, đáp ứng nhu cầu của người học trong nền kinh tế số, xã hội số.

Khởi động dự án về liên danh chuyển đổi số trong giáo dục đại học Việt Nam
Khởi động dự án về liên danh chuyển đổi số trong giáo dục đại học Việt Nam

Là đại diện duy nhất tại Việt Nam tham gia đồng trưởng điều hành dự án “DIGI: ĐỔI” - Liên danh chuyển đổi số trong giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam, ngày 14/2, Trường ĐH Phú Xuân phối hợp cùng Trường ĐH Liverpool John Moores và Hội đồng Anh British Council (đơn vị tài trợ) tổ chức chương trình khởi động dự án, với sự tham gia của hơn 60 trường ĐH, cao đẳng và THPT trên toàn quốc.

Chuyển đổi số Tư duy, hành động mới
Chuyển đổi số: Tư duy, hành động mới

Tại Thừa Thiên Huế, chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động của nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN), địa phương đang có nhiều chuyển biến hiệu quả, thích ứng với tình hình thực tế.