Thứ Bảy, 30/04/2016 06:00

Thư viện chuyền tay

Không cần không gian rộng lớn và kinh phí đầu tư sách, thư viện chuyền tay là mô hình mới mà Đại học (ĐH) Huế lần đầu tiên xây dựng nhằm phát triển văn hóa đọc trong sinh viên.

Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ kiểm tra, rà soát từng trường hợp cụ thể

Mô hình thư viện chuyền tay giúp sinh viên tiếp cận nhiều sách, tài liệu hay

“Giá trị của sách không phải để sở hữu”

Mới đây, Đoàn ĐH Huế vừa tiếp nhận 100 cuốn sách từ ông Nguyễn Quang Thạch, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ tri thức và Phát triển cộng đồng - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhằm phát triển thêm nguồn sách phục vụ cho thư viện chuyền tay trong sinh viên.

Đại diện Đoàn ĐH Huế cho biết, thư viện chuyền tay là mô hình mới lạ. Với hơn 1.000 đầu sách ban đầu huy động được từ các nguồn hỗ trợ, đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong nước, Đoàn ĐH Huế tiến hành kêu gọi sinh viên chuyền tay nhau để đọc. Điểm khác biệt của mô hình này là sinh viên hoàn toàn chủ động với sách. Khi tham gia thư viện chuyền tay, họ tự cam kết đọc và thời gian trả sách, đồng thời chụp ảnh bìa sách và chia sẻ thông tin, giá trị, cảm nhận về quyển sách để giới thiệu cho bạn đọc khác qua fanpage của thư viện chuyền tay. Ngoài ra, sẽ có quá trình trao đổi sách giữa người đọc, nghĩa là khi sinh viên mượn một quyển sách, sẽ chia sẻ lại một quyển sách khác của bản thân có cho bạn đọc khác, nhờ đó số lượng sách sẽ liên tục tăng lên và thay mới.

Anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Đoàn ĐH Huế lý giải, hiện nay, nhiều cán bộ, giáo viên với số lượng sách khá lớn và có nhu cầu chia sẻ nhưng không biết rõ đối tượng cần, trong khi đó, cũng không ít sinh viên mong muốn tiếp cận các quyển sách hay, có giá trị hoặc sách chuyên môn nhưng do hạn chế về kinh phí nên không phải ai cũng có thể mua được sách mình cần và yêu thích. “Thư viện chuyền tay sẽ là đầu mối kết nối người cho sách mà người nhận sách đáp ứng nhu cầu cả hai bên. Chúng tôi đã khảo sát một số thư viện, vì nhiều lý do khác nhau mà có nhiều quyển sách rất ít đến tay bạn đọc. Quan điểm của chúng tôi khi xây dựng thư viện chuyền tay là sách chỉ sống khi có người đọc, vì thế mô hình này sẽ giúp cho những quyển sách liên tục đến với mọi người”, anh Cường nói.

Phan Tám, Chủ nhiệm CLB Sách và hành động Khoa Du lịch - ĐH Huế chia sẻ, mô hình này rất hay, bởi không cần không gian như các thư viện truyền thống nhưng vẫn phát triển được văn hóa đọc, thậm chí sẽ có nhiều bạn đọc vì thời gian của họ chủ động hơn nhiều. Khi ĐH Huế triển khai mô hình thư viện chuyền tay, cũng khơi gợi cho các bạn hiểu giá trị của sách không phải để sở hữu mà là khi đọc xong thấy hay và nhiều lợi ích, nên gửi gắm lại bạn mình hoặc những người khác để lan tỏa giá trị của sách tốt hơn.

Định hướng đọc sách

Theo định hướng của ĐH Huế, khi nguồn sách phong phú và kích thích được đam mê đọc sách đồng thời lượng bạn đọc tương đối ổn định, sẽ tổ chức cho sinh viên đọc sách theo các chủ đề. Hoạt động này có thể theo từng tháng và thông qua những buổi offline (buổi gặp gỡ, giao lưu) để cùng thảo luận, chia sẻ chủ đề, phương pháp đọc, cách thức lan tỏa giá trị của sách.

Hiện nay, toàn ĐH Huế có 3 câu lạc bộ (CLB) Sách và hành động tại Trường ĐH Nông lâm, Trường ĐH Luật và Khoa Du lịch - ĐH Huế. Thời gian tới, Đoàn ĐH Huế sẽ hỗ trợ để mỗi trường thành viên, khoa trực thuộc hình thành CLB về sách, nhằm định hướng cho sinh viên về việc đọc sách, đồng thời tạo những mô hình nhỏ về thư viện chuyền tay tại các cơ sở giáo dục. Đoàn ĐH Huế sẽ phối hợp với các trường, nhất là các trung tâm thư viện, trung tâm học liệu nhằm có được sự hỗ trợ tốt hơn về lượng sách, nguồn sách hay, liên tục bổ sung đầu sách, đồng thời tổ chức các hoạt động ý nghĩa về sách qua đó tiếp tục kích thích niềm đam mê đọc sách trong sinh viên.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo
Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Chiều 22/2, Công ty Bảo hiểm PVI Huế và các đối tác hỗ trợ đã trao 60 triệu đồng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình bà Nguyễn Thị Dần, trú tại thôn Chính An, xã Phong Chương, huyện Phong Điền.

UNEP Cần thêm kinh phí để thích ứng với khí hậu khi rủi ro ngày càng tăng
UNEP: Cần thêm kinh phí để thích ứng với khí hậu khi rủi ro ngày càng tăng

Trong báo cáo mới nhất vừa được công bố trước thềm Hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc COP27-sự kiện sẽ khai mạc vào ngày 6/11 tại Ai Cập, Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) nhấn mạnh rằng các quốc gia cần khẩn trương đẩy mạnh hành động để thích ứng với các tác động hiện tại và tương lai của biến đổi khí hậu, vì những nỗ lực hiện nay là quá ít và quá chậm.