Thứ Hai, 17/10/2016 10:50

Thư viện thân thiện khơi dậy văn hóa đọc

Thư viện thân thiện là tiêu chí giúp các trường học xây dựng môi trường “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ở Thừa Thiên Huế, mô hình thư viện này góp phần tạo môi trường xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng giáo dục và khơi gợi niềm đam mê đọc sách của học sinh.

Lan tỏa văn hóa đọc

 Đọc sách tại Trường TH Phú Mậu (Phú Vang)

Xanh & thân thiện

Từ 2 năm nay, đều đặn mỗi tuần, Trường tiểu học (TH) Phú Mậu (Phú Vang) có thêm 1 tiết đọc sách trong chương trình học của các em. Học sinh mỗi lớp được lên phòng thư viện để cùng ngồi đọc sách. Còn nữa, vào 15 phút đầu giờ học, ở mỗi lớp sẽ có từ 3 - 6 em chia sẻ về nội dung, suy nghĩ, cảm nhận về những cuốn sách các em đã đọc. Thư viện trường với hơn 10.000 đầu sách, gồm các thể loại sách đạo đức, truyện thiếu nhi, sách song ngữ, sách tham khảo, sách về chuyên môn giảng dạy (dành cho giáo viên)…

Phú Vang là địa phương làm tốt việc xây dựng mô hình này. Phòng GD & ĐT huyện chỉ đạo triển khai thí điểm tại các trường TH. Các trường dựa trên cơ sở thực tế để thiết kế mô hình theo một số quy định chung, còn lại dựa vào sự sáng tạo của thầy và trò để tạo được nét riêng; qua đó, có sự so sánh, học tập lẫn nhau giúp mô hình ngày càng hấp dẫn. Hệ thống tủ kệ đựng sách được thiết kế gọn gàng, có mái che và bánh xe lưu động. Phòng kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, động viên HS và phụ huynh mang sách cũ đến thư viện để các em cùng đọc.

Để phục vụ bạn đọc, Sở GD & ĐT chỉ đạo xây dựng tủ sách tại lớp và đến nay, đã có 100% lớp học có kệ sách tại lớp, 92 trường (40,7%) có tủ sách ở sân trường. Sở GD & ĐT chỉ đạo 100% trường tiểu học tham mưu địa phương và xã hội hóa trong việc xây dựng thư viện xanh ở vị trí phù hợp, an toàn, thuận lợi trong việc phục vụ bạn đọc. Công tác xã hội hóa còn liên kết với Tủ sách nhân ái, Hội Hữu nghị Việt - Úc ở Huế đã hỗ trợ nhiều tủ sách cho lớp học.

Lan tỏa văn hóa đọc

Lâu nay, các trường học tiểu học trong tỉnh đều có thư viện, nhưng học sinh đến thư viện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hỏi chuyện nhiều học sinh về thư viện trường mình, cảm giác mơ hồ hiện rõ, các em cho rằng, chủ yếu vẫn chỉ có sách giáo khoa và sách tham khảo, ít tài liệu giải trí. Có lần, cô Đặng Thị Tuyết Hồng, thủ thư Trường TH Dạ Lê (TX. Hương Thủy) chia sẻ: Trước đây, thư viện trường như là kho chứa sách báo cũ. Không gian thư viện chật hẹp, ẩm thấp, phục vụ chung cả giáo viên và học sinh khiến học sinh không thoải mái khi đến thư viện. Số lượng bạn đọc đến thư viện rất ít ỏi".

Mới đây, tôi có dịp về Trường TH số 1 Quảng Phước (Quảng Điền). Đúng vào giờ ra chơi, tôi được chứng kiến cảnh tượng học sinh nối đuôi nhau đến phòng thư viện đọc sách. Từ chỗ diện tích phòng đọc dành cho học sinh và giáo viên chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông, nay diện tích góc đọc, phòng đọc được mở rộng lên đến hàng trăm mét vuông ở những vị trí thuận lợi, tiện dụng, có không gian gần gũi với thiên nhiên. Em Lê Ngọc Tú, một học sinh của trường bộc bạch: "Chúng em là người tự quản lý, bảo vệ tủ sách, luôn có trách nhiệm giữ gìn sách và quyên góp thường xuyên để làm tăng số lượng sách trong trường học. Hễ có thời gian, em đều lên thư viện”.

Ngay sau khi triển khai, thư viện xanh ở Trường TH Phú An 2 (đơn vị đầu tiên của huyện Phú Vang) thu hút học sinh và phụ huynh (chờ đón con) tham gia. Chị Nguyễn Ngọc Anh, phụ huynh học sinh Trường TH Phú An 2 thổ lộ: “Từ ngày trường có thư viện xanh con tôi không còn ngồi lỳ trước màn hình máy tính. Cháu thích đọc sách, rồi kể lại cho mọi người cùng nghe. Kỹ năng diễn đạt của cháu cũng tốt hơn rất nhiều, không còn rụt rè, e ngại nữa”.

Cô Nguyễn Thị Kim Huế, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Mậu (Phú Vang), là một đơn vị được dự án Zhishan Foundatin (C.I) tài trợ mô hình thư viện thân thiện, bày tỏ: “Chúng tôi lồng ghép tổ chức nhiều hoạt động để tăng cường đẩy mạnh hoạt động thư viện trường học, tăng cường các kỹ năng và đam mê đọc sách cho trẻ em. Sự thay đổi rõ nét ở học sinh, không chỉ thông qua những giờ đọc sách mà còn có thái độ tích cực phát biểu xây dựng bài, mạnh dạn đặt câu hỏi ở các giờ học khác”.

Từ thực tiễn xây dựng ở Thừa Thiên Huế, ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT khẳng định: “Thư viện thân thiện là một bước đột phá góp phần làm thay đổi nhận thức của cả giáo viên và học sinh trong việc phát huy vai trò của thư viện nhằm nâng cao chất lượng dạy và học theo hướng đổi mới. Mô hình thư viện thân thiện không chỉ đem lại hứng thú đọc sách cho học sinh mà còn xây dựng ở các em thói quen đọc sách, tự tìm tòi, sáng tạo”.

Bài, ảnh: Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thân thiện như xích lô Huế
Thân thiện như xích lô Huế

Mới đây, cùng với 9 tỉnh và thành phố ở Việt Nam,Huế được vinh danh là thành phố thân thiện nhất trong giải thưởng thường niên mang tên Traveller Review Awards 2023.

Tiêu dùng xanh , cần xanh hơn
Tiêu dùng "xanh", cần "xanh" hơn

Tiêu dùng xanh có thể được định nghĩa là việc mua, sử dụng và tuyên truyền các sản phẩm thân thiện với môi trường...