Thứ Ba, 30/12/2014 06:40

Thúc đẩy hợp tác Việt - Nga về năng lượng nguyên tử

Xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam là một trong những lĩnh vực hợp tác được nhấn mạnh trong Tuyên bố chung Việt Nam - Nga.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ 28/6 đến 1/7, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Vladimir Putin đã thông qua Tuyên bố chung chiều 29/6.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp hẹp Tổng thống Putin tại điện Kremlin chiều 29-6 trước khi tiến hai bên tiến hành hội đàm chính thức

Theo đó, nguyên thủ hai nước chia sẻ mong muốn phát triển mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nga dựa trên truyền thống hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau đã có từ nhiều năm, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng nỗ lực mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ và nhân văn.

Tìm động lực tăng trưởng mới

Hai bên nhất trí năm 2019 sẽ là Năm Nga tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Nga với nhiều hoạt động phong phú trên lãnh thổ hai nước. 

Nguyên thủ hai nước cũng nhấn mạnh sự cần thiết tìm những “động lực tăng trưởng” mới nhằm bảo đảm sự phát triển năng động của hợp tác kinh tế - thương mại, tính cấp thiết của các nhiệm vụ nâng kim ngạch thương mại hai chiều cũng như hoàn thiện cơ cấu thương mại song phương.

Vì vậy hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống V.V. Putin nhất trí tiếp tục hợp tác xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, ủng hộ việc thực hiện nhất quán Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Nga trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình ký ngày 23-5-2017 tại Hà Nội.

Tuyên bố chung cũng khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam và Nga trong lĩnh vực khí trên lãnh thổ hai nước; phát triển hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, trong đó có lĩnh vực lọc dầu và hóa dầu, cung cấp cho Việt Nam khí thiên nhiên hóa lỏng, sản xuất và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhiên liệu cho động cơ chạy bằng khí đốt.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác và mở rộng khu vực thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng thềm lục địa Việt Nam phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh hợp tác quốc phòng và kỹ thuật quân sự, cũng như phối hợp hành động trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh đóng vai trò quan trọng trong quan hệ giữa hai nước và không gây tổn hại cho nước thứ ba.

Xây dựng một cấu trúc an ninh bình đẳng

Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Nga khẳng định nỗ lực xây dựng trật tự quan hệ quốc tế công bằng, dựa trên các nguyên tắc đa phương trong giải quyết các vấn đề cấp thiết, tính tối thượng của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ, bao gồm các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích hợp pháp của các quốc gia, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, hợp tác rộng rãi giữa các quốc gia và cơ chế liên kết trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau vì mục tiêu củng cố an ninh toàn cầu, hòa bình, ổn định và phát triển.

Việt Nam và Nga cho rằng an ninh quốc tế là toàn diện và không thể chia tách, không được bảo đảm an ninh của quốc gia này bằng cách gây phương hại đến an ninh của quốc gia khác, trong đó có việc mở rộng các liên minh quân sự  - chính trị khu vực và toàn cầu.

​Hai bên nhất trí thúc đẩy các nỗ lực tập thể nhằm xây dựng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương một cấu trúc an ninh bình đẳng và không chia tách, rộng mở, toàn diện và minh bạch dựa trên việc tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, giải quyết hòa bình các xung đột và tranh chấp, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, trong đó có việc tiếp tục đối thoại phù hợp trong khuôn khổ Cấp cao Đông Á  và các diễn đàn khu vực khác với vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hai bên cho rằng các tranh chấp biên giới, lãnh thổ và các tranh chấp khác tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cần được các bên liên quan giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực.

Việt Nam và Nga ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002 và sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử của các bên tại Biển Đông.

Liên bang Nga khẳng định sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tổ chức thành công Năm APEC 2017.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã mời Tổng thống Liên bang Nga thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Putin đã vui vẻ nhận lời.  

Hai bên nhấn mạnh sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam đang làm việc và học tập tại Nga và cộng đồng người Nga đang làm việc và học tập tại Việt Nam vào việc duy trì và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Hai bên khẳng định sẵn sàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh sống, làm việc và học tập của cộng đồng người Việt Nam tại Nga và cộng đồng người Nga tại Việt Nam.

Theo Tuổi trẻ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ASEAN-Italy
Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ASEAN-Italy

Ngày 202/, Ủy ban ASEAN tại Rome (ACR), dưới sự chủ trì của Chủ tịch ACR, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã tổ chức một số cuộc họp với các đối tác quan trọng tại Italy để thảo luận một số đề xuất và dự kiến hợp tác trong thời gian tới.