Du khách tham quan sản phẩm đúc đồng tại một kỳ festival làng nghề
Hàng hóa khó lưu thông trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát là điều hiển nhiên, để tồn tại chắc chắn phải tìm cách sống chung với đại dịch. Sản phẩm OCOP cũng vậy, hướng đi chắc chắn phải thay đổi.
Thừa Thiên Huế có 25 sản phẩm được trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 6 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 19 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Hiện, còn 8 sản phẩm cơ bản hoàn thiện hồ sơ tiếp tục đánh giá phân hạng.
Gắn sao OCOP nhằm giúp nâng tầm giá trị hàng hóa trên thị trường. Để đạt sao, các sản phẩm phải đảm bảo các yêu cầu nhất định của các cơ quan chức năng như, chất lượng sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch, mẫu mã…
Thực tế, một số sản phẩm OCOP đã có chỗ đứng trên thị trường như mây tre đan Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền). Qua các đợt dịch, sản phẩm này vẫn tiêu thụ tốt không chỉ thông qua các đơn đặt hàng trong nước mà có cả nước ngoài, giúp một bộ phận lao động nhàn rỗi vùng quê có thêm nhu nhập đáng kể. Điều đó có nghĩa là sản phẩm này đã có khách hàng trung thành, thương hiệu mây tre đan Bao La đã chinh phục được “trái tim” của họ. Do vậy, trong thời điểm dịch bệnh hay trạng thái bình thường, sản phẩm cũng chiếm lòng tin của người tiêu dùng.
Nếu có sự trải nghiệm, khách hàng sẽ dễ dàng lựa chọn sản phẩm
Thế nhưng, ngoài mây tre đan Bao La, những sản phẩm được “gắn sao” còn lại hầu như đang gặp khó khăn ở câu chuyện mở rộng quy mô và chiếm lĩnh thị trường. Sản phẩm OCOP thì chắc chắn mang tính chất đặc trưng vùng miền và về chất lượng cũng chắc chắn vượt trội hơn so với sản phẩm cùng thể loại. Song, dường như nó chỉ khu biệt ở từng địa phương, thị trường cũng mang tính chất vùng miền. Trên kệ hàng của các kênh phân phối lớn, hệ thống siêu thị ngay trên địa bàn tỉnh, sản phẩm OCOP của địa phương không thắng nổi các sản phẩm khác. Tại sao nước mắm Phú Thuận, Phong Hải hay nước ớt Vinh Xuân vượt trội về chất lượng, ai một lần thưởng thức khó lòng buông lời chê bai, nhưng lại chưa thể vươn xa. Nó chỉ quanh quẩn nội tỉnh, thậm chí từng địa phương.
Có thể thấy rằng, việc định danh thương hiệu, định danh vùng miền thôi chưa đủ để chạm tới trái tim khách hàng. Khách hàng có tiếp cận, lựa chọn sản phẩm hay không là câu chuyện khác. Hay nói đúng hơn họ muốn trải nghiệm với sản phẩm trước khi đặt vào giỏ hơn là những lời giới thiệu thông thường.
Không phải ngẫu nhiên mà những sản phẩm OCOP thường chiếm được trái tim của người con xa quê ở nước ngoài. Người ta nói nôm na rằng, đây là con đường “xuất khẩu” duy nhất của sản phẩm OCOP tại Thừa Thiên Huế.
Những người xa quê không phải họ bị chinh phục bởi sản phẩm mà trước đó, họ đã có thời gian trải nghiệm với sản phẩm. Họ hiểu sản phẩm từ quy trình chế biến đến con người chế biến, còn thị trường thì sao? Giữa trùng vây sản phẩm người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Chắc chắn họ sẽ chọn những sản phẩm thân thuộc, có sự trải nghiệm từ thực tế chứ không đơn thuần nhìn vào những dòng giới thiệu ngắn gọn trên mỗi bao bì, nhãn mác.
Tại Việt Nam, dường như không có vùng đất nào có lợi thế hơn Thừa Thiên Huế để khách hàng có sự trải nghiệm đối với sản phẩm OCOP. Chúng ta có Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế. Đó chính là nơi giúp sản phẩm được quảng bá rộng rãi hơn. Song, từ trước đến nay, cứ đến mỗi kỳ festival, khách hàng chỉ lượn quanh các ki ốt giới thiệu sản phẩm mà chưa có sự trải nghiệm với sản phẩm rõ ràng. Có chăng, họ chỉ nhìn thấy các chị, các mẹ vùng cao “thi triển” một số động tác dệt zèng.
Phát triển làng nghề truyền thống hay sản phẩm OCOP gắn với du lịch là xu hướng tốt. Đây là hình thức xuất khẩu sản phẩm tại chỗ với nhiều lợi thế. Song, Huế chưa tận dụng được tiềm năng để phát triển xu hướng này.
Một sản phẩm tốt, định danh được thương hiệu chưa chắc thị trường sẽ đón nhận, nếu không có chiến lược maketing đủ mạnh. Ngoài tận dụng nền tảng số hỗ trợ tiêu thụ hay các giải pháp vĩ mô khác, thương hiệu sản phẩm phải được kết nối với các lĩnh vực khác để quảng bá. Sản phẩm OCOP cũng vậy, khi thị trường thay đổi thì sản phẩm phải thỏa mãn được nhu cầu, kỳ vọng của người tiêu dùng. Trước khi tìm cách mở rộng thị trường, thoát khỏi tính vùng miền hãy tìm cách tương tác, tạo ra những điểm chạm giữa sản phẩm với khách hàng. Và không gì tốt hơn khi họ có cơ hội trải nghiệm với sản phẩm, với con người tạo ra sản phẩm. Túi tiền thì luôn gần trái tim hơn cái đầu!.
Bài, ảnh: Lê Thọ