Thứ Bảy, 15/08/2015 19:29

Thương mai

Lùng đùng thế nào, sáng 30 Tết thấy người nhà tha về một cành mai. Việc này làm tôi hơi ngạc nhiên vì tối 29, cả nhà đã kéo quân lên Đàn Nam Giao xem mai rồi nhưng chả chọn được cành nào.

Tết với người trồng hoa

Mai cành là thú chơi truyền thống của người Huế. Ảnh: L. Thọ

Cành cao thì không đặt vào phòng khách được vì trần thấp, cành nhỏ trông không có dáng có thế, gốc lại non. Nhà tôi lại không thích mua mai chậu được uốn cong uốn queo. Với lại nhà có cây mai bên hiên. Dù vấp phải chỗ có nhiều rễ tre nên lớn nhì nhằng, thành ra mai cọt nhưng nó vẫn cứ ở đấy, vẫn cứ “cố gắng” nở hoa…

Hôm trước nữa, cả hai ghé qua chợ hoa trước Phu Văn Lâu. Tôi vốn không có ý định chưng mai nên cũng chả mấy để ý, chỉ thấy tồi tội khi nhìn người ta cắm mấy cành mai vào vỏ lon sắt gì đó rồi đứng, ngồi chờ người ghé qua. Nghĩ mình trồng mai hoài, mà chẳng ra làm sao, nên nếu có cành mai nẩy lộc hay có “thế” gì đó đôi chút, chắc mình khư khư nâng niu. Dễ chi mới có được cành mai sum suê vầy, cao hơn 1,5 m vầy… Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy thương cả người bán mai. Chắc họ cũng tiếc đứt ruột luôn chứ đâu giỡn, mà ngày Tết thì cũng phải có chút gì để sắm sanh cho bàn thờ gia tiên, cho lũ nhỏ có chiếc áo, miếng bánh… chứ đâu có ai thừa mai mà đem bán hoài vậy.

Người nhà năm nay đúng là cũng nghĩ khác thiệt luôn. Mọi năm thể nào 30 cũng ôm một bó hoa mảnh dài li ti màu tím nhạt thả vào chiếc bình cũ được hàng xóm tặng cho từ năm nào. Hàng xóm giờ đã đi nơi khác ở nhưng mỗi lần nhìn chiếc bình non cả trăm tuổi trong góc lại nhớ nụ cười rổn rảng của anh mỗi lần Tết về. Năm nay đám hoa li ti đó vắng mặt, những cành mai vừa mang về cũng nhiều nụ non hơn là hoa, nhưng trông dáng vóc có vẻ thân ái dữ lắm. Hỏi ủa cành này hôm qua có thấy trên Nam Giao đâu, người nhà bảo thì ba lên đổ xăng, thấy anh ni ôm cành mai xuống, được là lấy thôi, khỏi trả.

Anh ni là anh bán mai. Người cũng mảnh và giọng cũng nhanh nhảu và rổn rảng như người hàng xóm cũ. Nhà khách nhưng anh cũng xúm vô, kê kê dọn dọn, cũng bảo đi lấy nước nóng pha vào cho mai mau nở, cũng xê cũng xích sao đó cho có thế có thần, dù cũng không có ăn ý với ông chủ hơi có máu nghệ thuật (à ha chắc lây từ vợ). Ông chủ muốn cành nghiêng chút vào bức tranh của Võ Xuân Huy trên tường, anh bán mai thì cứ muốn đẩy nó nghiêng vào góc một chút cho khỏi va chạm. Ông chủ cũng ngẫu hứng, nên mai không đứng vững vì thiếu mấy cục đá để chèn vô. Vậy là cuối cũng cả hai thả đó. Người cầm tiền vui vẻ ra về, người hô hào lũ nhỏ chuẩn bị lên mộ thắp hương cho ông ngoại... Ngoái nhìn cành mai trước khi ra cửa, tự dưng tôi cứ thấy xon xót. Cành mai chắc vừa được cắt và đem về từ một khu vườn trên đường Lê Ngô Cát, nếu biết nghĩ chắc nó cũng không hiểu sao mình lại ở đây, sao giờ bên cạnh chẳng có ai đứng ngồi cùng…

Hôm qua, chợ hoa nhóm mấy ngày Tết mạn Nam Giao còn đầy, mà đến trưa đã được mang đi gần hết. Chỉ còn lác đác vài đám ly Huế trồng trong chậu nhựa, ít chậu cúc vàng loi thoi và phía xa là mấy chậu mai vạm vỡ còn nguyên đai nguyên kiện với cả một bầu đất được giằng chéo cẩn thận. Loại mai đó chỉ thích hợp với những nhà có vườn rộng, và người cũng phải thật nhiều tiền nữa mới mang về được. Hôm nọ khi đi quanh một vòng chọn hoa cho cơ quan, thấy người ta hét 35 triệu, 24 triệu và có những cây nhỏ hơn giá từ 10 triệu đồng trở lên mình đã khép nép rồi. Không bán được, người ta sẽ lại đem các lão mai đó về nhà chờ mùa tết sang năm.

Nhưng chí ít thì các lão mai và cội mai đó còn có cơ hội để sống cuộc đời mai ở một nền đất khác, khu vườn khác. Chứ mai cành như người nhà vừa mua, như mấy cành còn sót lại trước cửa Nam Giao mà tôi vừa trông thấy chỉ còn một khoảng thời gian không nhiều. Để vui cho người chắc cũng đến vậy mà thôi.

Thấy tôi sân si, người nhà nhấm nhẳng, không mua cho người ta mới tội nè, sao cứ nghĩ đi mô mô rứa. Có chi thì mai cũng đã bị cắt và đưa ra khỏi vườn rồi, nếu thương thì nghĩ xem, có đủ sức giữ mai lại vườn cho người ta không?

Tôi lại quay đi, dù biết đó mới là điều có thật. Dẫu sao thì hoàng mai à, đã đến nhà rồi thì cứ thản nhiên mà nở, thản nhiên mà đẹp nghe. Tết cũng đã chùng chình trước cổng rồi còn chi.

                                                                                                            Nguyễn An Lê

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thời tiết ngày mùng 3 Tết Bắc Bộ, Trung Bộ trời chuyển rét đậm
Thời tiết ngày mùng 3 Tết: Bắc Bộ, Trung Bộ trời chuyển rét đậm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sáng sớm ngày 24/1, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết phía Đông Bắc Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông đã có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Tết sẻ chia cùng bệnh nhi hiểm nghèo
Tết sẻ chia cùng bệnh nhi hiểm nghèo

Đối với trẻ ở lại điều trị, đón tết tại bệnh viện là một thiệt thòi lớn. Nhiều tấm lòng, nhiều cánh tay chìa ra giúp bệnh nhi vui vẻ, lạc quan tiếp sức cho các em trong hành trình chiến đấu với bệnh tật.

Người Huế đón Tết ở trời Tây
Người Huế đón Tết ở trời Tây

Có gói bánh tét, có mâm cúng Giao thừa, có đi chùa, mừng tuổi… Tết Nguyên đán của du học sinh, kiều bào người Huế ở nhiều nước trên thế giới vẫn giữ nguyên truyền thống.

Thuyền về, tôm cá đầy khoang
Thuyền về, tôm cá đầy khoang

Sau lễ hạ vọng, ngư dân các vùng biển bãi ngang bắt đầu “xông biển” đầu năm. Những lá cờ Tổ quốc phấp phới cùng thuyền ngư dân bắt đầu thẳng tiến ra biển để “hái lộc” đầu năm.