Thứ Năm, 21/02/2019 06:30

Tiêu thụ hàng hóa cho hợp tác xã thời COVID-19

Kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa cho hợp tác xã (HTX) trong tình hình dịch COVID-19 đang được Liên minh HTX tỉnh tích cực triển khai.

Hợp tác xã phát triển ổn định thời COVID-19

Sản phẩm mây tre đan Bao La đang tồn đọng

Sản phẩm OCOP gặp khó

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc HTX NN Thuận Hòa, xã Hương Phong (TP. Huế) cho rằng, thành công việc xây dựng thương hiệu, tạo sản phẩm gạo đỏ OCOP là nỗ lực lớn của ban giám đốc, hộ thành viên HTX. Để sản phẩm gạo đỏ truyền thống được công nhận OCOP ba sao phải mất cả năm và nhiều công sức, nhưng thương hiệu OCOP giờ đây đang phải đối diện với nguy cơ “phá sản”.

Theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm gạo đỏ OCOP của HTX NN Thuận Hòa với Công ty Organic Quế Lâm cả hai vụ đông xuân 2020-2021 và hè thu 2021 diện tích 10 ha, sản lượng 40 tấn lúa với giá 13 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên ngay từ vụ lúa đầu tiên, sản phẩm của nông dân bị chậm thu mua; đến khi thu mua thì Công ty Organic Quế Lâm cũng chỉ mua khoảng 15 tấn, HTX vẫn tồn đọng hơn 5 tấn. Công ty nêu lý do thu mua chậm và số lượng không đảm bảo theo hợp đồng do ảnh hưởng dịch COVID-19, sản phẩm không thể tiêu thụ.

Ngoài lúa tồn đọng, công ty không thể tiếp tục thu mua thêm sản phẩm nên vụ hè thu, người dân không gieo cấy lúa gạo đỏ theo hợp đồng. Tình hình dịch bệnh chưa biết khi nào khống chế, việc tiêu thụ gạo đỏ của Công ty Organic Quế Lâm vẫn còn bỏ ngỏ. Điều này dẫn đến thương hiệu sản phẩm gạo đỏ OCOP có nguy cơ khó có thể trụ vững.

Hương Phong là vùng đất nằm cuối hạ lưu sông Hương, gần cửa biển Thuận An thường bị tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn vào đồng ruộng. Trồng lúa, trong đó có lúa gạo đỏ là chủ lực của một bộ phận người dân nơi đây. Trong khi gieo trồng giống lúa gạo đỏ truyền thống là phù hợp với nhiều xứ đồng thường nhiễm mặn, không để đất hoang gây lãng phí.

Việc xây dựng thương hiệu, kết nối DN tiêu thụ sản phẩm gạo đỏ là nỗ lực lớn của HTX trong việc định hướng, nâng cao thu nhập cho người dân trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu. Vì vậy, các cấp, ban ngành cần tạo điều kiện kết nối với DN, tổ chức tạo điều kiện bao tiêu sản phẩm cho HTX nhằm giúp Nhân dân ổn định cuộc sống trong thời COVID-19.

Ông Lê Chí Hiệp, Giám đốc HTX NN Thủy Dương (TX. Hương Thủy) thông tin, ngoài trồng lúa, hoa màu thì mướp đắng là một trong những cây chủ lực, đặc sản của HTX Thủy Dương. Thành công trồng cây mướp đắng theo hướng VietGAP và sản xuất trà mướp đắng túi lọc OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trước xu thế ngày càng quan tâm chăm sóc sức khỏe con người. Đây còn là cơ hội mới để nhân rộng diện tích cây mướp đắng nhằm nâng cao thu nhập và đời sống Nhân dân địa phương.

Tuy nhiên, từ khi dich bệnh đến nay, sản phẩm trà mướp đắng túi lọc rất khó tiêu thụ, giá không ổn định và có xu hướng giảm. Gần đây, một lượng khá lớn sản phẩm bán chậm, tồn đọng do ảnh hưởng dịch COVID-19. HTX cũng đang tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tuy nhiên việc kết nối với các DN, tổ chức để bao tiêu một lượng lớn sản phẩm trong điều kiện dịch bệnh thì gặp khó khăn. HTX rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Kết nối cung-cầu, tiêu thụ sản phẩm

Ông Trần Lưu Quốc Doãn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng, cùng với hệ thống HTX trên cả nước, HTX trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng dịch COVID-19. Năng lực tiêu thụ của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của HTX như mây tre đan Bao La, trà rau má Quảng Thọ, gạo thơm Thủy Thanh, gạo hữu cơ Phong Điền, gạo chất lượng cao… đang có dấu hiệu chững lại.

Trước tình hình này, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Chương trình kết nối cung-cầu, tiêu thụ hàng hóa cho HTX trong tình hình dịch COVID-19. Liên minh HTX Việt Nam cũng nêu rõ, tình tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội; trong đó nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa của các HTX, tổ hợp tác (THT) bị đứt gãy, dẫn đến tình trạng tồn động, khó cung ứng, tiêu thụ.

Chiều 16/8, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn sử dụng phần mềm kết nối cung-cầu, tiêu thụ hàng hóa do HTX, THT sản xuất theo chuỗi cung ứng; đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Các HTX, các địa phương được hướng dẫn sử dụng cách thức truy cập cổng thông tin tại địa chỉ lmhtxvnmart.com.vn; đăng ký thành viên; đăng thông tin bán; đăng thông tin mua; đăng ký Logistics.... để triển khai các biện pháp kết nối cung-cầu tiêu thụ sản phẩm.

Liên minh HTX tỉnh cũng đã quyết định thành lập tổ công tác chỉ đạo thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên hỗ trợ hướng dẫn các HTX đăng ký phần mềm; tổng hợp danh sách các HTX, THT có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, số lượng sản phẩm... Liên minh HTX tỉnh sẽ là cầu nối thu thập thông tin, lựa chọn, giới thiệu các đơn vị thu mua và kết nối các đơn vị vận tải hàng hoá. Đồng thời, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt từ đơn vị cung cấp đến nơi tiêu thụ…

Để hỗ trợ các HTX, THT, Liên minh HTX Việt Nam đã ban hành Chương trình số 503/CTr-LMHTXVN, ngày 4/8/2021 về kết nối cung-cầu, tiêu thụ hàng hóa do HTX, THT sản xuất theo chuỗi cung ứng; đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Để thực hiện hiệu quả chủ trương này, Liên minh HTX Việt Nam đã quyết định thành lập Tổ công tác chỉ đạo Chương trình 503 để hỗ trợ việc hướng dẫn thực hiện tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: CHÍNH TRIỀU

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ Công Thương hướng tới đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng từ 8 - 9
Bộ Công Thương hướng tới đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng từ 8 - 9%

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2023, nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, mục tiêu đặt ra là hướng tới việc thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt từ 8 - 9%.