Thứ Năm, 21/03/2019 10:28

Tình người ở phòng điều trị bệnh nhân COVID-19

Ở khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) bệnh nhi nhỏ tuổi nhất là bé 6 tháng tuổi, người lớn tuổi nhất là cụ bà đã ngoài 90. Những bác sĩ, điều dưỡng trong bộ đồ bảo hộ kín mít tất bật chạy đi chạy lại trong những câu hối thúc “bác sĩ ơi cứu mẹ em”, “bác sĩ ơi có người khó thở”…

Sẵn sàng tiếp nhận người về từ vùng có dịch với điều kiện phải đăng ký để chủ động

Trên chiếc giường bệnh, một cụ bà 63 tuổi ngồi dán tấm lưng vào bức tường. Bà đột nhiên thở dốc, than mệt. Người con gái và con dâu của bà cũng mắc COVID-19 đang điều trị tại đây vội xúm vào xoa ngực, xoa tay chân cho mẹ. Bà cụ càng thở mệt hơn, đôi môi tái nhợt. Cô điều dưỡng trong bộ đồ bảo hộ nhanh chân chạy đến nhắc nhở người thân tản ra để bà cụ có đủ không gian, tránh bị choáng ngợp. Nhanh như cắt, cô đeo mặt nạ thở oxy cho bà cụ và hướng dẫn bà thở sâu, thở đều. Được hỗ trợ thở oxy kịp và làm công tác tâm lý nên bà cụ dần dần bình tâm, thở đều, gương mặt hồng hào trở lại.

Chẳng ai thấy rõ được gương mặt của cô điều dưỡng bởi vì lớp khẩu trang đã che kín và tấm chắn giọt bắn bị mồ hôi đọng thành sương, chỉ nghe được giọng nói Huế dịu dàng pha chút hài hước “huyết áp, oxy máu ổn hết nghe cụ. Cụ yên tâm, ở tuổi ni thì như cụ là khỏe lắm. Nếu cụ ăn uống tốt, nghỉ ngơi điều độ thì con virus cũng chịu thua cụ thôi”. Cụ bà gật gật, yên tâm chợp mắt.

Cô quay qua nói nhỏ với người con gái và con dâu của bà cụ “Bà cụ tuổi cao, nhiều bệnh nền nên cần gia đình hỗ trợ theo sát. Hai chị nhớ, ngoài đảm bảo dinh dưỡng, nghỉ ngơi cho cụ thì không nên nói đến bệnh tật hay những chuyện không vui, tránh cụ thêm lo lắng, suy sụp, nên nói đến những niềm vui giúp cụ được nâng đỡ tinh thần”. Cô nói thêm: “Hai chị cũng đừng lo lắng quá, phải vững lòng thì mới nhanh khỏi bệnh để về nhà”.

Vẫn trong bộ đồ bảo hộ không nhìn thấy mặt, cô nhanh chân mang hộp cháo nóng đến cho một cụ bà khác. Ở đây bà cụ không có người thân bên cạnh. Hôm nay bà bỗng “trái tính”, gắt gỏng không chịu ăn trưa. Cô khẽ đặt hộp cháo xuống bàn, hơi cúi người sửa lại cổ áo cho bệnh nhân. Cô gợi nhắc về người con gái đang ở nhà đợi bà khỏi bệnh trở về vừa dỗ dành bà cụ đã đến giờ ăn. Bà cụ dịu giọng rồi nuốt từng thìa cháo ngon lành.

Rời khỏi vai trò là người con, người em và là cháu của các bệnh nhân, bên cạnh một bệnh nhi 8 tuổi, cô gập nhẹ hai đầu gối để chiều cao bằng với cậu bé. Trong chớp mắt, cô “nhập vai” thành một đứa trẻ, trò chuyện, cười đùa với bệnh nhân nhí này. Một cái chạm tay kèm theo câu “cố lên” và nụ cười giòn rõ to “xây” lên những niềm hy vọng. Chứng kiến hết những điều đó, những bệnh nhân trong phòng bệnh đều mỉm cười. Từ trong những đáy mắt ánh lên một niềm tin về tình người ấm áp trong cơn hoạn nạn.

Nữ điều dưỡng ấy tên là Lê Thị Thanh Loan năm nay 26 tuổi, quê ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Cô kể, hơn 3 năm nay cô sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, là nhân viên điều dưỡng tại Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện TP. Thủ Đức. Dịch COVID-19 bùng phát, TP. Hồ Chí Minh trở thành “tâm dịch”, bệnh viện nơi cô làm việc phải “tách đôi” một nửa điều trị bệnh nhân thông thường, nửa còn lại điều trị bệnh nhân COVID-19. Cô thuộc khối nhân sự chăm sóc cho bệnh thường. Dịch bệnh ngày càng “nóng”, nhiều đồng nghiệp từ quê hương Thừa Thiên Huế đã vượt qua nỗi sợ hãi lây nhiễm dịch bệnh và không ngại khó, ngại khổ lên đường chi viện vào TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Đó không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là tình người sâu nặng trong hoàn cảnh này. Vì vậy cô càng quyết tâm không để mình đứng ngoài cuộc, tình nguyện xin vào chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19.

“Đồng hành cùng những đồng nghiệp từ quê nhà chi viện đến TP. Hồ Chí Minh tôi cảm thấy vững lòng hơn để mỗi ngày chăm sóc tốt cho bệnh nhân COVID-19. Với tất cả tấm lòng, tôi mong muốn góp sức mình giúp nhiều bệnh nhân sớm khỏi bệnh trở về sum họp bên gia đình” - nữ điều dưỡng bày tỏ.

Thương Thương

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tình người ở bệnh viện dã chiến Hương Sơ
Tình người ở bệnh viện dã chiến Hương Sơ

Không may trở thành F0, có những nhân viên y tế đã không chọn cách nghỉ ngơi trọn vẹn mà vẫn tích cực hỗ trợ đồng nghiệp chăm sóc F0 mỗi khi có thể. Điều dưỡng Phan Thị Thanh Thúy (Bệnh viện dã chiến Hương Sơ) là một trong số đó.

Giáng sinh ấm tình người
Giáng sinh ấm tình người

Mùa Giáng sinh năm nay tuy không được tổ chức quy mô, nhưng có nhiều hoạt động từ thiện, an sinh xã hội của bà con giáo dân hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Ấm áp tình người
Ấm áp tình người

Sau khi các tỉnh phía nam nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, người lao động các tỉnh miền Trung, phía Bắc, Tây Bắc ồ ạt đổ về quê...

Tình người thấm đẫm
Tình người thấm đẫm

Trong đại dịch, tình người càng thấm đẫm thông qua các việc làm thiết thực chung tay phòng, chống dịch bệnh của đoàn viên, hội viên các đoàn thể ở Phú Lộc.