Thứ Bảy, 08/04/2017 16:04

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị nghiên cứu tình hình Biển Đông

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu vấn đề tại Hội nghị TW 11 trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp.

Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

“Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra”.

Đây là một trong những yêu cầu được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có những diễn biến hết sức phức tạp, phía Trung Quốc liên tục có những hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 11

Những diễn biến khó lường trên thực địa

Gần 3 tháng qua, Trung Quốc liên tục đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 tiến sâu, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Đáng chú ý, hành động “có chủ ý” này được Trung Quốc thực hiện ngay sau khi nước này tiến hành việc thử tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông hồi đầu tháng 7.

Trung Quốc còn tìm cách ngăn chặn hoạt động thăm dò dầu khí của một nước khác ở bất kỳ đâu trong cái gọi là “đường 9 đoạn” – tuyên bố chủ quyền phi lý chồng chéo lên Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của nhiều nước trong khu vực.

Theo Giáo sư Alexander Vuving, nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, hành động ngang ngược của Trung Quốc sẽ đặt ra nhiều nguy cơ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc đang hướng tới tham vọng giành thêm các quyền kiểm soát Biển Đông, khống chế không gian biển ở khu vực, chà đạp lên luật pháp quốc tế. Hành động của Trung Quốc nếu không bị ngăn cản sẽ khiến nước này ảo tưởng rằng “sức mạnh của Trung Quốc đứng cao hơn luật pháp quốc tế”.

Tàu khảo sát Hải Dương 8 tiến sâu, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Ảnh: Schottel

Phản ứng kiềm chế nhưng kiên quyết của Việt Nam

Trước những hành động sai trái của Trung Quốc, Việt Nam chủ trương thận trọng, theo dõi sát sao mọi hoạt động của phía Trung Quốc và có phản ứng phù hợp với tình hình trên thực địa.

Cụ thể, sau mỗi lần Trung Quốc có những hành động leo thang căng thẳng, Bộ Ngoại giao Việt Nam lại đưa ra những tuyên bố ngày càng cụ thể và cương quyết hơn.

Lần đầu nêu việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 16/7 tuyên bố: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên.

Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982…”

Sau đó, bà Lê Thị Thu Hằng đã nêu đích danh Trung Quốc trong các tuyên bố của mình. Mới đây nhất, ngày 3/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Theo cơ quan chức năng của Việt Nam, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc lại tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với Trung Quốc. Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm và rút ngay toàn bộ nhóm tàu trên ra khỏi vùng biển Việt Nam, không để xảy ra vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp bằng các biện pháp mà luật pháp quốc tế cho phép".

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Tuyên bố của bà Lê Thị Thu Hằng được đưa ra trong bối cảnh, trước đó, ngày 29/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu vấn đề Biển Đông trong bài phát biểu của ông tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – “Hiến chương của Biển và Đại dương”. Kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Biển Đông có ý nghĩa chiến lược đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.

Nhận thức rõ điều đó, các quốc gia liên quan đã có nhiều nỗ lực, đạt được những kết quả tích cực về giải quyết bất đồng, tranh chấp. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nhiều lần nêu rõ sự lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982.

Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”.

Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Việt Nam đưa vấn đề Biển Đông ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó nhấn mạnh mong muốn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Thái độ rõ ràng, dứt khoát đối với một trong những vấn đề hệ trọng không chỉ đối với riêng Việt Nam mà còn cả hòa bình, an ninh hàng hải, hàng không của khu vực và trên thế giới đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập tình hình Biển Đông trong phần nói về kinh tế- xã hội. Nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đề nghị Hội nghị TW11: "Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua"./.

Trần Khánh/VOV.VN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nam Phi ấn tượng với thành tựu của Việt Nam
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nam Phi ấn tượng với thành tựu của Việt Nam

Trong không khí rộn ràng đón chào mùa Xuân mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phấn khởi, tự hào kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2023), phóng viên TTXVN tại Pretoria đã có cuộc trò chuyện với ông Solly Mapaila, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nam Phi (SACP), về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như mối quan hệ gắn bó giữa hai Đảng.