Thứ Năm, 14/01/2016 14:44

Tổng thống Mỹ thăm Anh: Định hình mối quan hệ đặc biệt hậu Brexit

Chuyến thăm Anh của Tổng thống Mỹ Donald Trump được dư luận khu vực và quốc tế đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh Anh quyết định rời khỏi EU.

Tổng thống Trump: Anh, EU sẽ hưởng lợi từ BrexitMỹ thúc giục Anh và EU đàm phán êm thấm, linh hoạt về BrexitMỹ, Anh thảo luận về Brexit bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20

Trong chuyến thăm Anh đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1 năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/7 đã lần lượt có cuộc hội đàm với Thủ tướng Theresa May và diện kiến Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị. Chuyến đi được dư luận khu vực và quốc tế đặc biệt quan tâm khi góp phần định hình lại mối quan hệ trong tương lai giữa hai quốc gia đồng minh này, nhất là sau khi Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Politico

Ngày 13/7 nước Anh đã được chứng kiến sự thay đổi lập trường khá lớn của người đứng đầu nước Mỹ. Với tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Anh- Mỹ, đồng thời nhất trí theo đuổi một thỏa thuận thương mại tham vọng sau khi Anh rời EU, Tổng thống Donald Trump đã hoàn toàn đi ngược lại với những chỉ trích đưa ra trước đó chỉ một ngày. Trong cuộc trả lời phỏng vấn được đăng tải vài giờ trước khi hội kiến Thủ tướng Anh, Tổng thống Mỹ cho rằng, chiến lược Brexit của Thủ tướng Theresa May sẽ dập tắt bất kỳ cơ hội đạt thỏa thuận thương mại nào với Mỹ và chỉ trích vị nữ thủ tướng đã phớt lờ những lời khuyên của ông về tiến trình đàm phán với EU.

Sau thời gian dài bế tắc, Thủ tướng Theresa May hồi tuần trước cuối cùng cũng tìm được tiếng nói chung của nội các về một bản kế hoạch cho Brexit. Tuy nhiên, bản kế hoạch này lại cũng khiến 2 bộ trưởng chủ chốt lần lượt đệ đơn xin từ chức chỉ trong 1 ngày và khiến Anh rơi vào tình trạng “hỗn loạn”, theo như mô tả của ông Donald Trump.       

Thế nhưng, khi 2 nhà lãnh đạo xuất hiện cùng nhau trong cuộc họp báo chung ngày hôm qua, Tổng thống Donald Trump lại khẳng định nhất trí với chiến lược Brexit của Thủ tướng Theresa May, đồng thời hy vọng hai nước có thể đạt được thỏa thuận tự do thương mại song phương. Ông cho rằng Thủ tướng May đang làm việc rất tốt, đồng thời gửi lời cảm ơn đến nhà lãnh đạo Anh khi theo đuổi một thỏa thuận thương mại công bằng và tương xứng với Mỹ. Ông cũng khẳng định những thông tin từ giới truyền thông về việc ông chỉ trích kế hoạch Brexit của Thủ tướng Mây đều là “tin tức giả mạo”.

Tổng thống Trump nói: “Tôi xin cảm ơn Thủ tướng Theresa May vì nỗ lực theo đuổi một mối quan hệ thương mại công bằng và tương xứng với Mỹ. Một khi quá trình Brexit kết thúc và nước Anh chính thức rời Liên minh châu Âu, dù không biết nước Anh sẽ làm gì tiếp theo, song bất kỳ điều gì mà các bạn làm đều ổn với tôi. Chỉ cần chắc chắn rằng chúng ta có thể tiếp tục làm việc với nhau và đó là tất cả những gì quan trọng. Mỹ mong muốn hoàn thành một hiệp định thương mại song phương lớn với Vương quốc Anh. Đây là một cơ hội tuyệt vời cho hai nước và chúng tôi sẽ nắm bắt được hoàn toàn cơ hội này”.

Về phần mình, Thủ tướng Theresa May khẳng định mối quan hệ Anh - Mỹ là “không thể thiếu vì sự tự do, công bằng và hòa bình”. Theo bà May, Anh và Mỹ đã từng “vai kề vai” trong quá khứ và hai bên sẽ tiếp tục sát cánh trong những thỏa thuận thương mại tương lai. Hai bên đã nhất trí sẽ theo đuổi một thỏa thuận thương mại tự do song phương mang lại lợi ích cho nền kinh tế hai nước khi Anh rời EU.

Không quá khi nói rằng, chuyến thăm Anh đầu tiên của người đứng đầu chính phủ Mỹ kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng 1/2017 sau nhiều lần trì hoãn do các cuộc biểu tình phản đối ở nước Anh, sẽ góp phần định hình lại mối quan hệ giữa hai nước đồng minh sau khi Anh rời EU. Cần phải nhắc lại, khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng, bà Theresa May là vị thượng khách đầu tiên của Tổng thống Mỹ thứ 45 và hai bên khi đó đã không ngần ngại bày tỏ hi vọng làm sống dậy mối quan hệ mật thiết như dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margareth Thatcher.

Tuy nhiên, có thể nói, mối quan hệ “đặc biệt”, như cố Thủ tướng Anh Winston Churchill từng dùng khi nói về quan hệ giữa Anh và Mỹ, chưa bao giờ bị đặt trước thách thức như dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nếu như bề ngoài đã phần nào cho thấy sự nhất trí về một mối quan hệ khăng khít về thương mại, thì hai bên lại có nhiều vấn đề gây thất vọng lẫn nhau từ hồ sơ hạt nhân Iran, đến sắc lệnh về di trú của Tổng thống Donald Trump, hay quyết định của Mỹ chuyển Đại sứ tại Israel sang Jerusalem.

Hơn nữa, dù được coi là những đồng minh thân thiết, song các mối quan hệ thương mại giữa hai nước hiện nay chủ yếu một phần nhờ vào việc Anh là một phần của Liên minh châu Âu. Chính vì thế, một khi tiến trình Brexit hoàn thành, mối quan hệ giữa Anh và Mỹ chắc chắn sẽ không giống như hiện nay.

Dẫu vậy, theo các nhà phân tích, dù tiến trình đàm phán Brexit kết quả ra sao thì cũng không thể thay đổi được bản chất mối quan hệ giữa Anh và Mỹ. Bởi việc Anh cần Mỹ cho một mối quan hệ hậu Brexit cũng giống như việc Mỹ luôn cần mối quan hệ đặc biệt với Anh để duy trì vị thế của một siêu cường kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay./.

Theo VOV

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy xây dựng tương lai kiên cường và bền vững
Thúc đẩy xây dựng tương lai kiên cường và bền vững

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang thúc đẩy chương trình nghị sự năm 2023, nhằm xây dựng một tương lai kiên cường và bền vững, khi các quan chức đến từ 21 nền kinh tế thành viên nhóm họp tại Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất và các cuộc họp liên quan.