Chỉnh trang lại bờ Nam sông Hương
Những ngày này, đông đảo nhân viên Trung tâm Công viên cây xanh Huế cùng chủ các gian hàng ở hai công viên Lý Tự Trọng và 3/2 tất bật di dời vật dụng, tháo dỡ các ki ốt. Mọi việc được tiến hành khẩn trương, nhanh chóng để trả lại không gian trước ngày 10/6. Có mặt tại hai công viên nói trên, chúng tôi ghi nhận được công tác tháo dỡ được diễn ra thuận lợi, chủ các gian hàng chấp hành tốt vì lợi ích chung trong sự phát triển không gian đô thị của TP.
Thống kê của Trung tâm Công viên cây xanh Huế, có 16 ki ốt ở hai công viên. Tất cả những ki ốt này được người dân thuê kinh doanh từ năm 1991 đến nay với hai mặt hàng chính đó là văn hóa phẩm và hàng lưu niệm. Tuy nhiên, qua một thời gian dài, nhiều hộ kinh doanh “biến tướng” bày bán thêm các dịch vụ như vé ca Huế, bong bóng, nước giải khải, thậm chí mở quầy photocopy… dẫn đến nhếch nhác. Sau một thời gian dài buôn bán, các chủ kinh doanh tự ý sửa sang, cơi nới các ki ốt không đúng quy định, gây mất mỹ quan đô thị, lấn chiếm khu vực công viên và vỉa hè đường Lê Lợi, ảnh hưởng đến giao thông.
Ông Nguyễn Cẩn, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế, người trực tiếp chỉ đạo tháo dỡ các ki ốt này những ngày qua cho hay, trước đó UBND TP. Huế có văn bản thông báo ngưng kinh doanh, tháo dỡ các ki ốt dọc hai công viên nói trên để thực hiện dự án chỉnh trang lại bờ Nam sông Hương. Trước khi tháo dỡ, trung tâm mời từng hộ kinh doanh lên làm việc, phổ biến chủ trương của TP. Ngay sau đó, đơn vị đã ký thanh lý hợp đồng với từng hộ kinh doanh. “Tất cả vì sự thông thoáng cho không gian đô thị và bờ Nam sông Hương. Dọc bờ Nam sông Hương sẽ không còn một ki ốt kinh doanh hàng quán nào cả”, ông Cẩn, nói.
Ủng hộ vì sự phát triển của thành phố
![](https://file.baothuathienhue.vn/data2/image/fckeditor/upload/2016/20160609/images/cong-vien1.jpg)
Rất nhiều cửa hàng, ki ốt nằm ở hai công viên Lý Tự Trọng và 3/2 trên đường Lê Lợi (TP. Huế) được tháo dỡ, trả lại không gian phục vụ việc quy hoạch bờ Nam sông Hương
Một số hộ kinh doanh dù khá bất ngờ và đã có đơn kiến nghị lên UBND TP. Huế xin gia hạn thời gian thu hồi mặt bằng. Tuy nhiên, khi nghe đại diện UBND TP. Huế nói về ý nghĩa của việc chỉnh trang công viên dọc bờ sông Hương nhiều người đã đồng ý, không một chút ngần ngại, và đã tự ý tháo dỡ. Để giúp các hộ kinh doanh nhanh chóng tháo dỡ, Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã huy động rất đông cán bộ, công nhân viên cùng nhiều phương tiện như xe tải, xe cẩu hỗ trợ. “Đến thời điểm hiện tại, việc tháo dỡ gần như hoàn thành, chỉ còn hai hộ xin đến ngày 10/6 sẽ chính thức tháo dỡ, bàn giao lại mặt bằng”, ông Cẩn cho hay.
Ông Trần Văn Tiến, chủ một ki ốt ở công viên 3/2 có thâm niên gần 10 năm kinh doanh mặt hàng lưu niệm vừa tháo dỡ, di chuyển những lô hàng của mình lên xe đến địa điểm mới kể rằng, ban đầu khi nghe tin trả lại mặt bằng cho việc quy hoạch bờ sông Hương, tôi khá bất ngờ, lo lắng. Thế nhưng, vì sự phát triển chung của thành phố nên ông rất ủng hộ không chút ngần ngại. “Đến một lúc thì việc kinh doanh ở ki ốt trên những công viên dọc bờ sông Hương không còn phù hợp với sự phát triển đô thị. Biết là chuyển đi địa điểm khác ban đầu sẽ khó khăn nhưng vì lợi ích chung, vì một thành phố xanh đẹp nên tôi rất ủng hộ”, ông Tiến tâm sự.
Cách đó gần 1km, ki ốt kinh doanh văn phòng phẩm của ông Đặng Ngọc Phú Hòa ở công viên Lý Tự Trọng cũng tất bật việc dọn dẹp, di chuyển để trả lại mặt bằng. Ông Hòa nói rằng, việc tôn tạo, làm đẹp cho thành phố, cho dòng sông Hương thơ mộng rất đáng hoan nghênh, nên khi hay tin, ông là một trong những người ủng hộ đầu tiên. Ông Hòa hưởng ứng: “Đến lúc phải trả lại không gian cho đô thị, bởi lẽ đẹp thành phố cũng là đẹp cho chính mỗi công dân đang sống ở thành phố này”.
Theo ông Châu Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, chủ trương tháo dỡ ki ốt, lấy lại mặt bằng phục vụ việc quy hoạch hai bên bờ sông Hương đã có từ một năm trước. Một phần là do việc kinh doanh ở các ki ốt này quá nhếch nhác, không còn phù hợp với sự phát triển của thành phố. Thứ nữa, để bàn giao lại cho việc “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, trong đó bản thân việc quy hoạch này không tồn tại các ki ốt, hàng quán dọc theo bờ sông Hương.
Phan Thành