Thứ Năm, 09/11/2017 06:45

Triển vọng từ nấm bào ngư xám

Hiệu quả bước đầu của mô hình trồng nấm bào ngư xám theo hướng organic (thực phẩm hữu cơ) ở xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) mở ra hướng đi mới trên vùng đất cát.

Vệ sinh cổ bịch nấm, công đoạn “lạ” với người nông dân Vinh Mỹ

Ông Hoàng Văn Thơ, sinh năm 1959 là một trong những nông dân đi đầu trong mô hình trồng nấm bào ngư xám. “Trồng nấm bào ngư xám không khó, nhưng phải chăm sóc đúng quy trình thì nấm mới có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Quan trọng nhất là sự tỉ mỉ, cẩn thận, nếu có túi phôi bị hỏng là phải hủy bỏ ngay, tránh lây lan đến phôi khác”, ông Thơ cho hay.

Nấm bào ngư xám thích nghi với môi trường ẩm ướt nên nhà trồng nấm phải đảm bảo độ ẩm đạt 80 - 90%. Mỗi ngày, nấm được phun tưới 3 - 4 lần. Các hộ dân còn đầu tư thêm hệ thống phun sương tự động. “Chúng tôi dùng nước sạch để tạo ẩm cho nấm. Bào ngư xám là loại nấm sạch, nếu nước không hợp vệ sinh, nấm sẽ không lên”, ông Thơ nói.

Đặc trưng của nấm bào ngư xám là không tốn nhiều diện tích sản xuất. Tại nhà nấm, những bịch phôi được chất thành hàng đều tăm tắp.

Chị Nguyễn Thị Hợp đang vệ sinh phần cổ bịch nấm. Tay thoăn thoắt sát khuẩn cổ bịch, chị nói: “Phải lấy phần sót lại sau khi thu hoạch rồi mới tiến hành sát khuẩn. Công việc lạ chứ không quen thuộc như cách tôi trồng rau. Mệt thì có mệt nhưng lúc thu hái nhìn nấm mọc đều cũng hạnh phúc lắm. Hơn nữa tôi cứ cố gắng, mình không phụ nấm thì nấm sẽ chẳng phụ mình”.

Phôi nấm có thể cho thu hoạch từ 6 - 8 lứa. Mỗi bịch phôi đạt năng suất xấp xỉ 300g nấm/vòng đời. Với 1.000 bịch phôi, tổng lượng nấm thu được lên đến 300kg. Trung bình giá bán nấm dao động từ 55 – 60 nghìn đồng/kg. Chị Hợp cho hay: “Sau 60 ngày cấy meo thì nấm có thể cho thu hoạch; tiếp đó, cứ tầm 15 ngày là có một lứa nấm. Như vậy, người trồng nấm có thể thu 18 triệu đồng/1.000 bịch phôi với một diện tích nhỏ chỉ trong vòng hơn 4 tháng”.

Hiện, ở Vinh Mỹ có ba hộ dân góp vốn, tập trung sản xuất nấm bào ngư xám với tổng 10.000 bịch phôi. Đây cũng là ba hộ thuộc dự án trồng nấm để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương. “Chúng tôi đã được tập huấn kỹ lưỡng nên việc trồng nấm bào ngư xám thuận lợi, cho thấy nông dân như chúng tôi có thể thích nghi với đối tượng cây trồng mới. Hiện tại, nguồn phôi, meo nấm được nhập ở Bình Định. Nhưng về lâu dài, với sự chăm chỉ, chịu khó, chúng tôi có thể tự tạo phôi nấm đạt chất lượng, giảm thiểu chi phí sản xuất”, ông Thơ nói.

Nấm bào ngư xám là thực phẩm màu xám nâu, thịt chắc, vị giòn, ngọt, hơi dai, mùi thơm đặc trưng. Đây là loài có giá trị dinh dưỡng khá cao, cung cấp đáng kể chất đạm, vitamin và khoáng chất. So với nấm bào ngư trắng, nấm bào ngư xám có vị dai, giòn hơn. Hiện tại, đầu ra của nấm bào ngư xám rất ổn định, ông Thơ và các hộ dân thu hái không đủ để cung ứng cho thị trường.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Mỹ cho biết: “Mô hình trồng nấm bào ngư xám cần kỹ thuật khác biệt so với những đối tượng cây trồng truyền thống tại địa phương.  Nhưng với sự chăm chỉ, mạnh dạn học hỏi, các hội viên hội nông dân đã trồng thành công. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ để mở rộng diện tích, liên kết tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân vùng cát có thêm lựa chọn mới, ổn định sinh kế, phát triển kinh tế hộ gia đình”.

Bài, ảnh: MAI HUẾ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN Dấu ấn 2022  triển vọng 2023
ASEAN: Dấu ấn 2022 & triển vọng 2023

Năm 2022, khu vực Đông Nam Á đã tập trung sự chú ý của thế giới với một loạt các hội nghị cấp cao, cho thấy sự thành công của chính sách kinh tế trong việc giải quyết các vấn đề địa chính trị. Trong năm 2023, ngay cả khi dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, Đông Nam Á vẫn được giới chuyên gia nhận định và tin tưởng là đang nổi lên với tư cách là “người chiến thắng” về đầu tư và thương mại.

Cơ hội phục hồi cho ngành thép Việt Nam
Cơ hội phục hồi cho ngành thép Việt Nam

Sau một thời gian dài giá các mặt hàng sắt thép liên tục lao dốc, cộng thêm sức ép về triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại, ngành thép Việt Nam đã và sẽ đối diện với nhiều thách thức, nhất là về năng lực tiêu thụ khi thị trường còn tiềm ẩn rủi ro. Trong bối cảnh đó, kênh xuất khẩu được nhận định sẽ là cửa sáng đối với các doanh nghiệp thép để giải bài toán tiêu thụ.

Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu đầy thách thức
Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu đầy thách thức

Ngày 11/1, Diễn đàn Tài chính châu Á (AFF) 2023 đã khai mạc tại Hong Kong (Trung Quốc), diễn ra theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trong ngày đầu tiên tham dự diễn đàn, các chuyên gia kinh tế và ngân hàng cấp cao cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức trong nửa đầu năm nay -vốn dễ bị “sốc” hơn, nhưng việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể mang đến những tín hiệu khả quan từ quý II tới.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo giảm tốc xuống 2,4 trong năm 2023
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo giảm tốc xuống 2,4% trong năm 2023

Nền kinh tế toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng ​​khi ước tính sẽ giảm xuống còn 2,4% trong năm 2013, Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc (KIEP) cho biết ngày 10/11. Theo KIEP, sự giảm tốc này là do tác động của việc thắt chặt tiền tệ mạnh tay ở các nền kinh tế lớn và những rủi ro địa chính trị kéo dài.

Cơ hội mới đầy triển vọng
Cơ hội mới đầy triển vọng

Nuôi cua gạch trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được khẳng định hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu khi năng suất bình quân mỗi ha ước đạt trên 1,5 tấn, lãi 100-120 triệu đồng, cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với nuôi cua thịt.