Thứ Tư, 06/03/2019 15:12

Trồng nấm linh chi công nghệ cao

Việc áp dụng công nghệ cao vào mô hình trồng nấm linh chi dược liệu của hộ gia đình ông Nguyễn Cho, thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương.

Mô hình trồng nấm linh chi công nghệ cao của ông Nguyễn Cho

Bén duyên với nghề trồng nấm từ năm 2000, ban đầu ông Cho chủ yếu sản xuất nấm sò, nấm rơm… Được UBND xã Quảng Phú và Sở Khoa học và Công nghệ động viên, hỗ trợ, ông đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi và triển khai mô hình trồng nấm linh chi dược liệu áp dụng công nghệ cao. Đây được xem là mô hình thí điểm đầu tiên áp dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trồng nấm linh chi Hàn Quốc của huyện Quảng Điền.

Đầu tháng 4 vừa qua, ông Cho trồng thử nghiệm giống nấm linh chi trên 2.000 bịch phôi trên diện tích 600m2. Sau 4 tháng, ông thu hoạch được hơn 25kg nấm linh chi sấy khô với hai lứa đầu tiên. Sắp tới, ông Cho tiếp tục mở rộng mô hình trồng nấm linh chi với quy mô trên 6.000 bịch phôi.

Theo ông Cho, để nấm linh chi ít hư hại thì cần đảm bảo quy trình nghiêm ngặt; môi trường trồng nấm phải có nhiệt độ từ 28 đến 32 độ C, phun sương thường xuyên để duy trì độ ẩm từ 75 đến 90%, luôn đảm bảo điều kiện ánh sáng vừa đủ để nấm linh chi có thể phát triển đồng đều.

“Nấm linh chi có đặc tính mọc theo hướng ngang, các giá thể nấm sau khi cấy phôi phải được đặt trên kệ giá, liên tục theo dõi, chăm sóc để nấm phát triển mạnh, to và đều. Mỗi phôi có thể cho ra từ 2 đến 3 lứa nấm linh chi tùy theo chất lượng dinh dưỡng còn lại trong bình phôi”, ông Cho chia sẻ.

Quá trình trồng nấm trải qua nhiều giai đoạn: Ủ bình phôi - bình phôi được tạo nên từ mùn cưa, đường, vôi xử lý độ PH trộn với bột ngô, sau đó đem hấp nhiệt trong vòng 24 giờ với nhiệt độ trên 100 độ C. Sau khi để nguội bình phôi 2 ngày, ông Cho cấy giống nấm và theo dõi quá trình phát triển. Sau thời gian từ 45 đến 60 ngày, ông bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên, phơi khô, đóng bao bì và hút chân không. Trung bình, nấm linh chi sau khi đóng gói và hút chân không có thể bảo quản trong vòng 1 năm.

Theo thị trường hiện nay, 1kg nấm linh chi khô có giá 700 nghìn đồng. Nấm linh chi sau khi hút chân không đóng bao sẽ được đưa ra các thị trường trong và ngoài huyện cũng như các tỉnh lân cận.

Việc đẩy mạnh mô hình trồng nấm linh chi công nghệ cao không chỉ đem lại nguồn thu nhập bền vững cho gia đình ông Cho mà còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Theo ông Phan Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, trồng nấm linh chi dược liệu là một trong những mô hình mới trên địa bàn xã, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, trước hết giải quyết 3 vấn đề là tăng thu nhập cho người nông dân, giải quyết việc làm tại chỗ cho một số lao động tại địa phương và hoàn thành tiêu chí mỗi xã có một mô hình sản xuất, chế biến theo hướng công nghệ cao trong quá trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bài, ảnh: Bạch Châu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Theo đuổi đam mê
Theo đuổi đam mê

Đam mê công nghệ thông tin, Nguyễn Phan Nguyên Bảo (lớp 12 Tin 2, Trường THPT chuyên Khoa học) đã đăng ký tham gia cuộc thi “Edison – Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khoa học” do trường tổ chức. Bạn đồng hành cùng Bảo là Nguyễn Huỳnh Minh Nhật (lớp 11 Toán – Lý).

Liên Hiệp Quốc cảnh báo AI đe dọa quyền con người
Liên Hiệp Quốc cảnh báo AI đe dọa quyền con người

Liên Hiệp Quốc cảnh báo những tiến bộ gần đây của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho quyền con người, do đó cần có cơ chế bảo vệ để ngăn các vụ vi phạm.

Trồng rừng bản địa đa loài, đa mục tiêu
Trồng rừng bản địa đa loài, đa mục tiêu

Khoảng 50ha cây gỗ bản địa đa loài được trồng tại khu vực Khe Liềm, xã Phong Mỹ (Phong Điền) và tại rừng phòng hộ sông Hương cho thấy thích nghi tốt, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại đây cũng như trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng công nghệ vào quản lý trật tự đô thị
Ứng dụng công nghệ vào quản lý trật tự đô thị

Với mục tiêu đưa công tác quản lý đô thị (QLĐT) ngày càng đi vào kỷ cương, nề nếp, Đội QLĐT TP. Huế đã thành lập Tổ Quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL) và triển khai ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đô thị trên địa bàn.