Thứ Hai, 11/08/2014 05:41

Trừ sâu, tiêu úng cứu lúa đông xuân

Chưa bao giờ bà con nông dân khởi đầu một mùa vụ khó khăn như năm nay bởi hàng nghìn ha lúa còn bị ngập úng, sâu bệnh hoành hành.

Nhiều diện tích lúa ở Quảng Điền phải trỉa dặm lại

Ốc bươu vàng hoành hành

Những ngày này, nông dân xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy)  tích cực thăm đồng, canh nước, theo dõi sâu bệnh và tiến hành tỉa dặm lại cây lúa. Một số diện tích lúa dù được tích cực đấu úng, phòng trừ sâu bệnh nhưng vẫn thiệt hại nặng do ốc bươu vàng, bọ trĩ hoành hành.

Ông Nguyễn Viết Minh (thôn Lang Sá Cồn, xã Thủy Thanh) lo lắng: “Từ giữa cuối tháng một, sau khi gieo sạ, gặp mưa lớn, nước vào sớm nên ốc bươu vàng nằm lấp xấp dưới chân suộng, cắn phá dữ dội”. Hộ ông Minh vụ này đưa vào sản xuất 7 sào lúa, thì có 5 sào bị ốc bươu vàng, bọ trĩ phá hoại, nhiều diện tích mất trắng. Tại xứ đồng Lang Sá Cồn, lá mạ non bị ốc bươu vàng cắn đứt dạt vào rặc hai bên bờ đê.

Xứ đồng Lang Sá Cồn có khoảng 10 mẫu lúa bị ốc bươu vàng, bọ trĩ gây hại. Để “cứu” mạ non, các hộ dân vừa sử dụng biện pháp bắt thủ công, vừa phun thuốc và trộn thuốc trong phân để phun lên cây lúa. Ông Phùng Hữu Thạnh, Giám đốc HTX Phú Thanh 2 cho biết, ngay từ đầu vụ, công tác đấu úng tại địa phương đã gặp nhiều khó khăn do gặp mưa lớn ở khâu làm đất. Sau khi gieo sạ, nhiều diện tích ở các xứ đồng thấp bị ngập khiến các loại sâu bệnh có điều kiện phát triển. “Đối với các loại sâu bệnh như bọ trĩ, ốc bươu vàng cắn phá, HTX khuyến cáo người dân năng thăm đồng, cử cán bộ về cơ sở hướng dẫn người dân công tác phòng trừ. Với diện tích bị ngập, lúa chết, HTX tiến hành tu bổ đê bao, tiêu úng, kịp thời tỉa dặm”, ông Thạnh khẳng định.

Theo lịch thời vụ, đến ngày 5/2, toàn huyện Quảng Điền sẽ tiến hành gieo cấy xong khoảng 4.250 ha lúa đông xuân. Từ cuối tháng 1/2017, mưa lớn và triều cường làm 1.200 ha lúa bị ngập úng, trong đó có 200 ha bị ngập sâu. Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho hay: “Hiện nay trên địa bàn toàn huyện còn 520 ha (12,2%) lúa chưa gieo; trong đó có 345 ha lúa chết do bị ngập úng phải gieo sạ lại (khoảng 34,5 tấn giống). Công tác tiêu úng đang được tích cực triển khai. Số diện tích này chủ yếu do ngập úng, sâu bệnh như bọ trĩ, ốc bươu vàng, sau khi gieo sạ trở lại đã trễ so với khung lịch thời vụ 5 ngày”.

Triển khai các biện pháp phòng chống

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN cho biết, vụ đông xuân năm nay thời tiết diễn biến bất thường. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn tỉnh, từ ngày 10-14/2, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, trên đất liền tỉnh có mưa vừa, trời chuyển rét nhanh chóng. Một số diện tích gieo sạ lại và diện tích mới gieo sạ có thể tiếp tục bị ảnh hưởng do ngập úng, mưa rét. Công tác phòng chống sâu bệnh, tiêu nước cho lúa đông xuân đang rất cấp bách.

Theo Chi cục TT&BTTV tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 783,5 ha lúa bị ốc bươu vàng cắn phá (tăng 153,5 ha so với cùng kỳ năm trước) mật độ 1-3 con/m2, phân bố ở Hương Trà (300ha), Phú Lộc (285ha), Hương Thủy (55ha), Quảng Điền (42ha), Phong Điền (30ha), Phú Vang (60ha)... Các đối tượng sinh vật gây hại như đạo ôn lá, dòi đục nõn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, chuột gây hại rải rác.

Đến thời điểm này, toàn tỉn có 6.819ha/7.065 ha lúa bị ngập được đấu úng; trên 1.576 ha thiệt hại được gieo sạ lại. Sở NN&PTNT đang tiếp tục đôn đốc chỉ đạo các địa phương đấu úng đối với diện tích đang còn ngập để gieo cấy, chỉ đạo các địa phương triển khai phương án chống úng; tu bổ, gia cố các tuyến đê bao ngăn mặn, đê đập nội đồng để bảo vệ lúa đã gieo cấy; tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại để có biện pháp quản lý, phòng trừ; hướng dẫn biện pháp diệt chuột, ốc bươu vàng để hạn chế thiệt hại.

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục TT&BTTV tỉnh nhận định, do thời tiết thời gian tới tiếp tục có mưa, nhiều diện tích ruộng sẽ ngập nước nên sâu bệnh, ốc bươu vàng tiếp tục gây hại và gây hại nặng ở các chân ruộng thấp trũng, đặc biệt là các chân ruộng mới gieo sạ lại. Chi cục đã cùng với các địa phương, HTX hướng dẫn bà con tranh thủ thời tiết nắng ấm sau đợt mưa rét, chăm sóc, tỉa dặm đối với diện tích lúa đang đẻ nhánh nhằm đảm bảo mật độ, bón phân thúc sớm và duy trì mực nước trên mặt ruộng lúa từ 2-3cm để cây lúa phát triển khỏe và giữ ấm cho cây lúa khi trời chuyển rét.

Đối với diện tích lúa chuẩn bị gieo sạ và gieo sạ lại, hướng dẫn nông dân bón lót đầy đủ, bón tăng cường phân lân super và kaliclorua (hoặc tro bếp) trước khi gieo sạ để chống rét cho cây lúa giai đoạn mạ. Không bón phân đạm, ure, phun thuốc bảo vệ thực vật trong những ngày trời rét, nếu lúa bị chết do ngập úng, rét phải cấy dặm lại và chăm sóc kịp thời khi thời tiết nắng ấm.

HÀ NGUYÊN

 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuẩn bị phương án tiêu úng cho lúa đông xuân
Chuẩn bị phương án tiêu úng cho lúa đông xuân

Công ty TNHHNN một thành viên Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương vận hành hợp lý các công trình thuỷ lợi, cống qua đê, có phương án tiêu úng bảo vệ sản xuất lúa đông xuân trong những ngày mưa sắp tới.

Triều cường gây khó khăn công tác tiêu úng cứu lúa
Triều cường gây khó khăn công tác tiêu úng cứu lúa

Từ chiều tối ngày 19/2, tàu thuyền hoạt động trên vùng biển và vùng biển ngoài khơi tỉnh chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn. Nguy cơ triều cường sạt lở tiếp diễn vùng ven biển các địa phương.

Tiếp tục tiêu úng cho diện tích lúa còn lại
Tiếp tục tiêu úng cho diện tích lúa còn lại

Hiện vẫn còn khoảng gần 3.100 ha lúa ngập nặng (từ 70-100% thân cây) ở các địa phương đang tiếp tục được tiêu úng. Tuy nhiên, việc lúa ngập dài ngày gây nguy cơ thiệt hại rất cao.

Mưa lớn làm ngập lúa, đường sạt lở
Mưa lớn làm ngập lúa, đường sạt lở

Mưa lớn làm hơn 2.200ha lúa bị ngập, đường tuần tra bị sạt lở. Công tác tiêu úng, khắc phục đang được các địa phương tích cực triển khai.