Thứ Bảy, 06/08/2016 12:00

Trường Đại học Y Dược Huế đón đầu xu hướng đào tạo y khoa trên thế giới

Bắt đầu triển khai từ tháng 12/2016, kế hoạch cải cách toàn diện chương trình đào tạo ngành Bác sĩ Y khoa và Bác sĩ Răng Hàm Mặt hợp tác với Đại học (ĐH) Y Harvard (Hoa Kỳ) hứa hẹn sẽ mở ra một cuộc cách mạng trong đổi mới giáo dục ĐH ở Trường ĐH Y Dược - ĐH Huế.

Nhiều tập thể, cá nhân Trường ĐH Y Dược Huế được khen thưởng tại lễ khai giảngKhó thu hút nhân lực ngành y tế

“Với sự hợp tác mang tính chiến lược này, đội ngũ giảng viên, sinh viên của trường được chuyển giao công nghệ giáo dục y khoa 4.0 và trường đang theo kịp xu hướng đào tạo y khoa tiên tiến trên thế giới”,  PGS. TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế khẳng định. 

PGS. TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy

*Để có thể bắt tay hợp tác với một trường ĐH danh tiếng hàng đầu thế giới như ĐH Y Harvard hẳn là điều không dễ. Trường ĐH Y Dược Huế đã có cách tiếp cận với ĐH Y Harvard như thế nào?

ĐH Y Harvard là một ĐH hàng đầu thế giới nên cách tiếp cận, kể cả phương thức làm việc với họ phải rất nghiêm túc. Nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng các nội dung, chương trình, phản hồi từ người học cũng như đơn vị sử dụng lao động tại Việt Nam, vì đó là những “đầu vào” quan trọng của việc cải cách chương trình đào tạo. Song song đó, nhà trường dựa vào “chuẩn năng lực tối thiểu” của chương trình đào tạo do Bộ Y tế ban hành để chuẩn bị nội dung và làm việc trực tiếp nhiều phiên với các chuyên gia Harvard đã có kinh nghiệm trong tái cấu trúc chương trình, đưa các phương pháp giảng dạy và đánh giá mới vào trong chương trình đào tạo. Đã có rất nhiều chuyến công tác của chuyên gia Harvard sang Huế (trung bình 6-8 lần/năm) và cán bộ của trường được cử sang ĐH Y Harvard (3-4 chuyến/năm). Đặc biệt, trường tiến hành ghép cặp các chuyên gia trong cùng lĩnh vực để chia sẻ kinh nghiệm, cách thức tiếp cận, các phương pháp giảng dạy và lượng giá,...

Kế hoạch cải cách toàn diện chương trình đào tạo Bác sĩ Y khoa và Bác sĩ Răng Hàm Mặt hợp tác với ĐH Y khoa Harvard là một hợp phần của dự án “Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” (HPET) do Ngân hàng Thế giới tài trợ thông qua Bộ Y tế Việt Nam, đồng thời được hỗ trợ bởi Tổ chức USAID nhằm đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tích hợp, dựa trên năng lực thực hành nghề nghiệp và hội nhập quốc tế.

*Mục tiêu quan trọng nhất mà dự án hướng đến là gì, thưa ông?

Chương trình đổi mới theo mô hình của ĐH Y khoa Harvard, Hoa Kỳ được chuẩn bị từ tháng 12/2016, triển khai từ năm học 2018 - 2019 và sẽ kết thúc khóa đầu tiên vào năm 2024. Mục tiêu quan trọng nhất của dự án là đảm bảo đạt các tiêu chí về kiến thức, thái độ và năng lực thực hành nghề nghiệp cho người học theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế. Trường ĐH Y Dược Huế đã tiến hành đánh giá ngoài cơ sở đào tạo năm 2016 và tháng 3/2017, Bộ đã công bố nhà trường đạt chuẩn quốc gia về chất lượng của một trường ĐH. Một mục tiêu quan trọng khác của dự án là triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình triển khai chương trình và tiến tới kiểm định chương trình này sau khi hoàn thành khóa thứ nhất.

Tham quan Đại học Y Harvard Hoa Kỳ

*Vai trò của các chuyên gia ĐH Y Harvard trong việc hỗ trợ Trường ĐH Y Dược Huế đổi mới chương trình đào tạo là gì?

Các chuyên gia Harvard tư vấn cho trường về cách thức xây dựng chương trình tổng thể, cách thức bố trí các mô-đun kiến thức và kỹ năng trong toàn bộ chương trình 6 năm. Cho đến nay, chương trình đào tạo y khoa truyền thống được thiết kế dạy theo từng môn học. Chương trình cải cách sẽ từng bước triển khai đào tạo theo kiểu tích hợp và lồng ghép một số nội dung các môn học với nhau trong các mô-đun, xây dựng trên nền tảng các hệ cơ quan.

Chuyên gia Harvard cũng tư vấn về các phương pháp giảng dạy lý thuyết và thực hành hiện đại trong giáo dục y khoa, kể cả các phương pháp được gọi là 4.0 (ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ di động; công nghệ mô phỏng; e-learning, hệ thống tích hợp quản lý học tập); cách thức tổ chức dạy/học theo nguyên lý lớp học đảo chiều (flipped classroom), dạy/học tích hợp (blended learning) và các phương pháp dạy học dựa trên và giúp tạo ra năng lực như học tập dựa trên vấn đề (PBL), học tập dựa trên nhóm làm việc (TBL), học tập theo tình huống lâm sàng (CBL)… Đây là các phương pháp dạy/học rất khác biệt với cách dạy truyền thống.

Các chuyên gia Harvard còn tham vấn đổi mới các phương pháp đánh giá lâm sàng để đảm bảo chính xác hơn, đánh giá trong suốt cả quá trình một cách đầy đủ hơn. Có thể nói, đây là những tinh túy của công nghệ giáo dục y học mà ĐH Y khoa Harvard hỗ trợ chuyển giao cho trường bằng phương thức “cầm tay chỉ việc” rất cụ thể cùng với các giảng viên của nhà trường.

Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Y Dược Huế tiếp và làm việc với GS. Darrell G. Kirch, Chủ tịch và Giám đốc điều hành, Hiệp hội các Trường Đại học Y khoa Hoa Kỳ

*Ông có thể cho biết về những hiệu quả tích cực mà dự án dự kiến sẽ mang lại?

Quá trình triển khai chương trình cải cách theo mô hình của ĐH Y Harvard là một quá trình liên tục và có các điều chỉnh định kỳ để phù hợp với nhu cầu thực tế. Sau khi khóa thứ nhất kết thúc mới có thể đánh giá đầy đủ về hiệu quả nhưng có thể nói việc tiếp nhận và ứng dụng công nghệ giáo dục y khoa này bước đầu đã thành công và khả năng hiệu quả còn có thể tốt hơn rất nhiều. Tuy khối lượng công việc nhiều hơn nhưng các giảng viên tham gia rất tích cực với công nghệ giáo dục y khoa 4.0 này.

Rất trùng hợp là nhà trường triển khai dự án cải cách giáo dục hợp tác với ĐH Y Harvard vào đúng lúc thế giới đang có làn sóng đổi mới giáo dục y khoa lần thứ 4, kể từ lúc đào tạo y khoa hiện đại ra đời. Như vậy nhà trường đang có điều kiện để bắt kịp xu hướng đào tạo y khoa tiên tiến trên thế giới, đang đón đầu xu hướng đó và điều quan trọng là hướng này giúp cho người học tích lũy được không chỉ kiến thức, thái độ đúng đắn mà quan trọng hơn cả là xây dựng được các năng lực cần thiết để hành nghề tốt nhất.

* Dù mới triển khai nhưng ông kỳ vọng thế nào về kết quả của dự án? Việc hợp tác với ĐH danh tiếng Harvard sẽ góp phần nâng cao uy tín của Trường ĐH Y Dược Huế như thế nào?

Với những động lực nội tại của nhà trường, kết hợp với sự hỗ trợ bên ngoài, chúng tôi kỳ vọng nhà trường sẽ triển khai thành công chương trình này ở hai ngành quan trọng nhất ở bậc ĐH là ngành Bác sĩ Y khoa và Bác sĩ Răng Hàm Mặt. Đó sẽ là nền tảng để nhân rộng sang 7 ngành đào tạo còn lại của nhà trường ở bậc ĐH cũng như ứng dụng các phương pháp, cách thức tiếp cận của ĐH Y Harvard vào các chương trình đào tạo sau ĐH. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng trong đào tạo ở Trường ĐH Y dược Huế nói riêng và trong các trường ĐH đào tạo khối ngành sức khỏe nói chung.

Việc hợp tác với ĐH Y Harvard sẽ tác động tích cực rất lớn trước hết là đối với đội ngũ giảng viên của trường, cải thiện rõ rệt cách tiếp cận trong đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe nói chung và đào tạo y khoa nói riêng và sẽ góp phần nâng cao chất lượng và thương hiệu của nhà trường.

*Xin cảm ơn ông!

“Tôi đánh giá rất cao trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường ĐH Y Dược Huế. Đội ngũ giảng viên ở đây có nền tảng rất cao và sự tiếp thu kiến thức mới nhanh hơn nhiều so với những trường ĐH khác ở Việt Nam mà tôi đã đến làm việc. Vì vậy, chắc chắn hiệu quả khi ứng dụng chương trình đổi mới này sẽ cao hơn so với các trường khác.

Tôi cũng cho rằng việc phối hợp giữa Trường ĐH Y Dược Huế và ĐH Y Harvard sẽ đem lợi ích rất lớn. Chắc chắn chương trình của Harvard không thể áp dụng được 100% ở đây nhưng chúng tôi truyền lại cho các giảng viên của ĐH Y Dược Huế những nguyên lý để họ vận dụng trong bối cảnh Việt Nam và tôi hy vọng, nếu áp dụng những nguyên lý đó thì sau này, Huế sẽ đào tạo ra được những nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tốt và biết linh hoạt, sáng tạo để khi đối mặt với các mô hình bệnh tật của người dân, họ có thể giải quyết một cách tốt nhất”.

ThS. BS. David B. Duong, chuyên gia ĐH Y Harvard

Hà Ngọc (thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng là quá lớn, gây áp lực đáng kể lên lực lượng cứu hộ ở hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đồng thời làm cạn kiệt các nguồn lực quan trọng cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Podcast - xu hướng chia sẻ thông tin mới
Podcast - xu hướng chia sẻ thông tin mới

Vài năm trở lại gần đây, podcast nổi lên như một cách tiếp cận thông tin mới của giới trẻ. Những đoạn âm thanh vốn trước đây không được mấy người chú ý đã như một cuộc cách mạng về văn hóa đầy thú vị trong cuộc sống của giới trẻ hiện đại.

6 xu hướng chính cần theo dõi trong năm 2023
6 xu hướng chính cần theo dõi trong năm 2023

Đại dịch COVID-19 đang diễn ra, những cú sốc địa chính trị và lạm phát kéo dài dự kiến sẽ tiếp tục là những rủi ro chính trong năm 2023. Tuy nhiên, châu Á có thể sẽ là một điểm sáng trong bối cảnh những cơn gió ngược ngày càng gia tăng, khi khả năng phục hồi của khu vực một lần nữa được thể hiện.

Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine
Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine

Tính từ năm 2015, Nông dân chăn nuôi vịt người Pháp Herve Dupouy đã 4 lần phải tiêu hủy đàn vịt của mình để ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm. Dù vậy, khi đợt dịch một lần nữa bùng phát trong trang trại của ông, người nông dân Pháp Herve Dupouy khẳng định, đã đến lúc phải chấp nhận giải pháp tiêm chủng cho gia cầm.