Thứ Ba, 11/02/2020 13:45

Tư vấn, định hướng để kích cầu thị trường lao động chính thức

Sau khi dịch COVID-19 tạm lắng, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi cũng là lúc thị trường lao động sôi động trở lại. Ngành lao động có nhiều chương trình, hoạt động tư vấn, định hướng việc làm và phối hợp với một số đơn vị dịch vụ để kích cầu lao động trong và ngoài nước.

Sôi động thị trường xuất khẩu lao độngThị trường lao động phục hồi cơ bản

Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên

Kết nối cung - cầu lao động

Theo đánh giá của ông Đặng Hữu Phúc, TUV, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), công tác kết nối và dự báo cung - cầu lao động là hết sức quan trọng, được ngành phối hợp với chính quyền các cấp, doanh nghiệp (DN) thực hiện thường xuyên và liên tục. Qua đó, giúp người sử dụng lao động và người lao động được gặp nhau, tìm hiểu lẫn nhau, kết nối, chia sẻ những thông tin liên quan đến chính sách tuyển dụng, nhu cầu vị trí việc làm, mức lương và một số nội dung khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Thời gian qua, việc kết nối cung - cầu lao động được Sở LĐTB&XH phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tham mưu UBND tỉnh nhiều giải pháp để chỉ đạo nhằm ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất kinh doanh, tham gia phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện việc kết nối và dự báo cung - cầu lao động, trọng tâm là Kế hoạch số 40 về thực hiện chương trình giải quyết việc làm và Kế hoạch số 42 về đẩy mạnh hoạt động đưa lao động đi làm việc nước ngoài năm 2022. Từ đó, đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, chỉ tiêu cụ thể để góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, giúp các DN sớm tuyển được lao động.

Việc kết nối cung - cầu lao động được thông qua tổ chức ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm hàng tháng, tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, trực tiếp và lưu động cho người lao động và người sử dụng lao động được tổ chức thường xuyên...

Từ đầu năm đến nay, thị trường lao động của tỉnh đã sôi động trở lại, nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng lớn với các vị trí việc làm đa dạng, mức thu nhập từ 5-20 triệu đồng/tháng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc trong nước với 4.457 vị trí và 11 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc nước ngoài theo hợp đồng với 2.400 lao động.

Đẩy mạnh tư vấn, định hướng đi lao động ngoài nước

Từ đầu năm đến nay, Sở LĐTB&XH phối hợp với nhiều địa phương, như: TP. Huế, Phú Lộc, Nam Đông A Lưới... tổ chức triển khai các hội nghị tư vấn chính sách việc làm, định hướng nghề nghiệp và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người lao động tại địa phương, lao động trở về trong các đợt dịch COVID-19, lao động phải chuyển đổi nghề do di dân tái định cư... Người lao động được tiếp cận, cập nhật các chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, duy trì việc làm và mở rộng việc làm, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và thông tin về hợp đồng cung ứng lao động, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gắn với chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.

Ngành LĐTB&XH định hướng cho người đi lao động chủ động lựa chọn những DN có đủ tư cách pháp nhân, có uy tín trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hướng tới các thị trường lao động bền vững để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và phòng tránh thiệt hại cho người lao động… Đơn vị cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Đào tạo chuyển giao lao động và chuyên gia (Suleco) nhằm hỗ trợ cung ứng lao động cho DN trong giai đoạn 2022 - 2025, tạo điều kiện cho DN triển khai dự án đưa được 4.800 đến 5.000 lao động của tỉnh ra nước ngoài làm việc.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các địa phương thành lập các điểm tư vấn hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, như tại xã Quảng Công (Quảng Điền), xã Vinh Hưng (Phú Lộc), thị trấn A Lưới (A Lưới) hoạt động với tần suất 1 tuần 1 lần để tư vấn đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về các chính sách, đơn hàng của các thị trường, đồng thời giải đáp vướng mắc của người lao động khi tham gia đi làm việc nước ngoài.

Về chính sách hỗ trợ vay vốn, nửa đầu năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho 48 lượt hộ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, với tổng số tiền gần 3,5 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐTB&XH, đến nay, nguồn vốn cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh vẫn còn khoảng 15 tỷ đồng "chờ người" để giải ngân. Với thuận lợi lớn về nguồn vốn vay ưu đãi này, cơ quan chức năng cũng tuyên truyền, kích cầu người lao động mạnh dạn, quyết tâm tham gia đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hạn chế rạn nứt lớp cấp phối vữa tô tường
Hạn chế rạn nứt lớp cấp phối vữa tô tường

Lớp cấp phối vữa tô tường là quá trình “dung hòa” hợp lý tỷ lệ cát, xi măng, nước, phụ gia (nếu có), tạo nên ngoại quan ngôi nhà. Để có một lớp vữa chất lượng, người thợ xây phải nắm được những kiến thức cơ bản trong quá trình xây tô.

Rà soát, đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024
Rà soát, đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có văn bản gửi đến các tỉnh, thành phố đề nghị tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng tại các doanh nghiệp áp dụng từ ngày 1/7/2022. Việc rà soát này để có căn cứ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2024.

Chọn ngành theo dự báo thị trường lao động
Chọn ngành theo dự báo thị trường lao động

Cùng với sở thích, đam mê, thế mạnh bản thân, chọn ngành theo dự báo thị trường lao động là tiêu chí mà thí sinh cần chú ý trước ngưỡng cửa đăng ký xét tuyển đại học (ĐH).