Chủ Nhật, 30/06/2019 05:18

Tuyển sinh đại học “cán đích”

Tuy chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch covid-19, nhưng 2021 lại là năm tuyển sinh các trường Đại học (ĐH) tại Huế thành công hơn hẳn nhiều năm trước. Thực tiễn cho thấy, qua cái khó đã ló nhiều giải pháp không chỉ cho năm 2022, mà còn nhiều năm tới.

Phát triển đội ngũ cán bộ xứng tầm Đại học Quốc giaBám sát nhiệm vụ xây dựng “Đại học Quốc gia Huế”

Thí sinh trúng tuyển nộp hồ sơ nhập học vào đơn vị đào tạo thuộc Đại học Huế

Ngoài mong đợi

Nếu năm 2020, các trường, khoa thuộc ĐH Huế phải loay hoay với những giải pháp thích ứng mùa dịch, thì mùa tuyển sinh năm 2021 cho thấy những kết quả khả quan ngoài sức mong đợi, với tỷ lệ tuyển sinh đạt 96 - 97% khi tuyển được hơn 13.100 thí sinh - con số đáng mơ ước nhiều năm qua. Còn với trường ĐH tư thục - Trường ĐH Phú Xuân, tỷ lệ tuyển sinh đạt hơn 150% so với cùng kỳ năm trước (năm 2021 tuyển được 486 sinh viên), rất nhiều sinh viên có điểm xét tuyển từ 20 trở lên, thủ khoa trường đạt đến 27.4 điểm.

“Giữ chân” con em Huế ở lại địa phương và thu hút học sinh các tỉnh, thành đến Huế học là một trong những mục tiêu được các cơ sở đào tạo ĐH tại Huế đặt ra. Nhiều năm qua, mục tiêu ấy luôn rất khó đạt được. Khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ năm 2020 - 2021, nỗi lo cán đích tuyển sinh càng lớn. Tuy vậy, giữa bộn bề rào cản, cái khó lại càng được chú trọng tìm giải pháp tháo gỡ.

Tại ĐH Huế, từ con số 8.673 sinh viên năm 2019 (đạt tỷ lệ 63,91% chỉ tiêu) đến gần 10.000 sinh viên năm 2020 (tỷ lệ khoảng 70%) mới thấy cột mốc hơn 13.100 sinh viên năm 2021 thật đáng mừng. Ngoài những đơn vị thường niên tuyển sinh tốt, như Trường ĐH Ngoại ngữ, Kinh tế, Y - Dược thì với những đơn vị từng khó khăn trong tuyển sinh, thậm chí chỉ đạt con số trên dưới 50% chỉ tiêu của một vài năm trước, năm nay tỷ lệ tuyển sinh khá cao đã cho thấy sự bứt phá.

“Năm nay, tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm cao gần gấp đôi so với năm 2020, với 2.352 tân sinh viên. Những đơn vị từng khó khăn trước đó như Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Nông Lâm… cũng tăng hàng trăm thí sinh. Ngay cả đơn vị thuộc “top” đặc thù, khó thu hút như Trường ĐH Nghệ thuật cũng tuyển được 75 tân sinh viên (đạt hơn 83,5% chỉ tiêu), tăng mạnh so với năm học 2020 (52 tân sinh viên). Nhiều tân sinh viên đạt điểm đầu vào cao trong đợt tuyển sinh, trong đó có 3 thủ khoa ngành thiết kế đồ họa đạt 27 điểm (chưa cộng điểm ưu tiên)”, đại diện Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế cho biết.

Không phải vô cớ, tuyển sinh các trường ĐH tại Huế lại thành công ngoài mong đợi khi dịch COVID-19 hoành hành trong năm 2021 và tạo ra những trở lực ở tất cả các lĩnh vực. Đại diện các đơn vị đào tạo ĐH ở Huế cho hay, thành công từ những giải pháp thích ứng đã phá được “thế khó”. ThS. Phan Thanh Tiến, Phụ trách công tác tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ chia sẻ, COVID-19 đã gây ra khó khăn chung cho các trường ĐH toàn quốc. Rút kinh nghiệm từ năm 2020, chúng tôi đã chủ động hơn trong tuyển sinh năm 2021 bằng việc chuyển đổi hình thức, ứng dụng công nghệ thông tin và tuyển sinh trực tuyến từ khâu quảng bá, giới thiệu ngành nghề, tiếp cận thí sinh, tập huấn đào tạo… Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, chúng tôi cũng sử dụng triệt để lợi thế công nghệ thông tin, mỗi cá nhân đều “nhập vai” làm tốt công tác tuyển sinh.

Theo PGS.TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, sự thành công của tuyển sinh phần nào kết quả nỗ lực từ giải pháp chuyển đổi số ở trường ĐH. Không chỉ trong đào tạo, khai giảng, trao bằng tốt nghiệp mà với tuyển sinh, việc ứng dụng công nghệ với cách làm mới trong tuyển sinh, kết nối với các trường THPT và học sinh để chuyển tải thông tin tuyển sinh đã khẳng định được dấu ấn thành công trong năm 2021.

Niềm tin cho những mục tiêu năm mới

2021 - 2022 là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, toàn ngành đẩy mạnh đổi mới giáo dục ĐH và tự chủ ĐH. Đối với ĐH Huế, nhiệm vụ hướng tới càng quan trọng hơn khi đang thực hiện các mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, phấn đấu phát triển thành ĐH quốc gia. Thành công năm 2021 đã tạo được động lực, niềm tin cho những mục tiêu của năm mới.

Để xứng tầm ĐH quốc gia, nhiệm vụ quan trọng không kém là đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực ngày càng cao mà trước hết phải thu hút đầu vào tốt, từ mọi miền của đất nước bên cạnh việc “cho ra lò” những cử nhân, kỹ sư, bác sĩ… tâm huyết và chuyên môn cao.

Kinh nghiệm năm 2021 là nền tảng để ĐH Huế cùng các trường ĐH tiếp tục làm chủ tình hình, xây dựng kế hoạch và giải pháp “giữ chân” học sinh Huế và thu hút người học từ các tỉnh, thành về Huế học, nhất là trong bối cảnh ĐH Huế đang phấn đấu trở thành ĐH quốc gia, Thừa Thiên Huế đang xây dựng trở thành trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao gắn với Nghị quyết 05-NQ/TU (ngày 24/5/2021) của Tỉnh ủy.

Thực tiễn luôn có sự thay đổi đòi hỏi các cơ sở đào tạo ĐH không chỉ lấy giải pháp của năm 2021 để tiếp tục áp dụng mà phải luôn rà soát, linh hoạt giải pháp phù hợp với tình hình mới, gắn với chiến lược hiệu quả nhất để phát triển trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng con chọn trường
Cùng con chọn trường

Nửa đêm, cô giáo cạnh nhà bỗng nhiên gõ cửa xin cho cô học trò ngủ tạm một đêm.

Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế
Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế

Chiều 17/2, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đại học (ĐH) Huế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo. Cùng tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin
Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin

Đó là câu chuyện của Lê Ngọc Hoàng, 22 tuổi, hiện là sinh viên khóa 43 ngành Công nghệ Thông tin Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Hoàng còn được biết đến là một sinh viên giỏi với nhiều thành tích đáng nể.