Thứ Ba, 14/02/2017 09:18

Tuyển sinh Đại học Huế: Khả năng nhập học vào các đơn vị thành viên, trực thuộc sẽ đảm bảo

Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, năm nay, điểm chuẩn Đại học Huế (ĐH) công bố trung bình cao hơn so với năm 2018 từ 1 – 2 điểm, nhiều ngành cao hơn đến 3 điểm, nhờ lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH Huế khá lớn và có kết quả điểm thi trung học phổ thông Quốc gia tương đối tốt.

Điểm chuẩn tăng nỗi lo vẫn cònĐại học Huế dự kiến công bố điểm chuẩn ngày 8/8

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế

ĐH Huế xác định điểm chuẩn năm nay dựa trên những cơ sở nào, thưa PGS?

ĐH Huế đã tham gia nhóm lọc ảo thí sinh trúng tuyển phía Nam, đồng thời thực hiện quy trình lọc ảo toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai, do vậy cơ sở để ĐH Huế xác định điểm chuẩn năm nay là dựa vào chỉ tiêu của từng ngành/nhóm ngành của từng đơn vị thành viên trực thuộc ĐH Huế đã công bố trong đề án. Đồng thời, ĐH Huế căn cứ vào kết quả lọc ảo chung 6 vòng của Bộ GD&ĐT, căn cứ vào số thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2… cho đến nguyện vọng thứ n vào từng ngành/nhóm ngành để đưa mức điểm chuẩn hợp lý và xét trên tổng thể có dự báo thí sinh nhập học qua các năm vừa qua.

Giai đoạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng trước đó, ĐH Huế có gần 60.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào các đơn vị thành viên, khoa, phân hiệu trực thuộc, trong đó có gần 16.000 nguyện vọng 1. Đặc biệt, sau đợt điều chỉnh nguyện vọng, ĐH Huế tăng thêm khoảng 1.300 nguyện vọng 1. Đó là những cơ sở để tính toán điểm chuẩn.

Năm nay, ĐH Huế tuyển sinh hơn 13.000 chỉ tiêu. Mức điểm chuẩn năm nay của tất cả 137 ngành của các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc ĐH Huế đều tăng từ 0,5 – 3 điểm, trong đó có những ngành có điểm chuẩn từ 20 – 25 điểm tăng nhiều hơn so với năm 2018, không chỉ các ngành tại Trường ĐH Y dược mà còn các ngành tại Trường ĐH Ngoại ngữ và một số đơn vị khác.

Tổng thể điểm chuẩn tăng nhưng có nhiều ngành vẫn dưới 15 điểm, điều đó có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và tuyển sinh?

Trong toàn ĐH Huế sẽ có một số ngành/nhóm ngành có mức điểm điểm chuẩn tăng nhẹ nhưng vẫn dưới 15 như nhóm ngành của Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Nông lâm… nhưng đây là những ngành rất đặc thù. Đơn cử như khối nông lâm ngư, nhu cầu việc làm rất cao, hằng năm có cả hàng trăm doanh nghiệp đến tuyển dụng lao động ở các ngày hội việc làm cấp trường, cấp khoa nhưng thí sinh đăng ký vào học vẫn không cao, đây là thực trạng chung của cả nước nhiều năm qua và cũng là vấn đề lớn của xã hội cần có những chính sách lớn của Nhà nước cho khối ngành nông lâm ngư, khoa học cơ bản, nghệ thuật và sư phạm.

Tuy nhiên, xét trên bình diện tổng thể nhiều năm, với mức điểm đầu vào như vậy vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo vì đây mới chỉ là yếu tố đầu vào, còn quá trình đào tạo đòi hỏi nhiều yếu tố khác, như chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ, tiếp cận doanh nghiệp… những việc này hiện nay có thể nói ĐH Huế là một trong nhưng cơ sở đào tạo rất tốt và bằng chứng qua kiểm định chất lượng giáo dục chu kỳ 2017 – 2022 cho thấy, 100% các trường của ĐH Huế kiểm định đều đạt mức khá cao.

Năm nay, điểm sàn của nhóm ngành sư phạm Bộ GD&ĐT quy định cao, điều này có phải đã gây khó khi tính toán điểm chuẩn và khả năng tuyển sinh của các ngành sư phạm?

Đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên (sư phạm), điểm sàn (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) của Bộ GD&ĐT quy định 18 điểm, theo tôi đây là mức điểm phù hợp, vì toàn ngành GD&ĐT đang tập trung để nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó đào tạo người thầy là quan trọng nhất để đáp ứng việc đổi mới chương trình đào tạo, dạy kiến thức, dạy người và sản phẩm đầu ra cũng là người thầy nên việc nâng chuẩn đầu vào là hợp lý, nhìn chung các trường khối giáo viên và cả xã hội đều đồng tình và ủng hộ chủ trương này của Bộ GD&ĐT.

Mặc dù với mức điểm như vậy khả năng tuyển sinh đủ chỉ tiêu sẽ rất khó, thậm chí một số ngành số thí sinh trúng tuyển rất thấp chỉ 2 - 5 em, nhưng theo tôi dần dần sẽ chọn được người phù hợp vào học sư phạm và nhiều năm sau nhóm ngành sư phạm sẽ tốt lên và tạo được niềm tin cho xã hội, với điều kiện cần giải quyết tổng thể ở cấp vĩ mô ở cả đầu vào và đầu ra cho nhóm đào tạo giáo viên.

Theo PGS, với điểm chuẩn vừa công bố, khả năng xét tuyển tại các đơn vị thành viên và trực thuộc như thế nào?

Với tổng số giấy báo gọi nhập học năm nay đạt 100% so với tổng chỉ tiêu của ĐH Huế đã công bố trong đề án tuyển sinh 2019 nên khả năng nhập học vào các đơn vị thành viên, trực thuộc sẽ đảm bảo.

Tất nhiên sẽ không thể đồng đều và đạt 100% giữa các đơn vị thành viên và trực thuộc do có một số ngành, nhóm ngành của một số đơn vị thành viên, như: Nông lâm, Khoa học, Sư phạm như đã trao đổi ở trên có số thí sinh trúng tuyển chưa đạt 100% như mong muốn.

ĐH Huế có kế hoạch gì sắp tới trong công tác tuyển sinh, thưa PGS?

Từ sáng 9/8, ĐH Huế bắt đầu gửi giấy xác nhận nhập học và giấy báo nhập học đến tất cả thí sinh trúng tuyển; Thường trực ban tuyển sinh ĐH Huế kết hợp với các đơn vị thành viên, trực thuộc thực hiện rất thuận lợi khâu thông báo thí sinh trúng tuyển và gọi nhập học, các thông tin mà thí sinh quan tâm đến nhập học. Thủ tục và tổ chức nhập học ĐH Huế giao trực tiếp cho các đơn vị thành viên, trực thuộc và nhiều đơn vị đã triển khai thực hiện trên hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin (nhập học qua phần mềm trực tuyến), tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh nhập học gọn nhẹ và nhanh chóng, không phải chờ đợi lâu như nhiều năm trước đây.

Thí sinh sẽ nhập học vào ĐH Huế trong khung thời gian từ ngày 16 – 23/8 theo thời gian thông báo của từng đơn vị thuộc ĐH Huế, vì quy mô trên 10.000 tân sinh viên nhập học năm 2019 nên ĐH Huế không bắt buộc nhập học 1 ngày cho tất cả các đơn vị, làm như vậy sẽ vất vả cho tân sinh viên và gia đình đến Huế về phương tiện đi lại và ăn ở ban đầu.

Hiện nay, ĐH Huế đang tập trung hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh nhập học thông qua công tác tư vấn, tạo nguồn học bổng, định hướng nghề nghiệp, tạo môi trường tốt nhất cho thí sinh vào nhập học ở môi trường mới để các em nhanh chóng làm quen và hoà nhập tốt.

Xin cảm ơn PGS!

Hữu Phúc (thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế
Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế

Chiều 17/2, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đại học (ĐH) Huế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo. Cùng tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin
Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin

Đó là câu chuyện của Lê Ngọc Hoàng, 22 tuổi, hiện là sinh viên khóa 43 ngành Công nghệ Thông tin Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Hoàng còn được biết đến là một sinh viên giỏi với nhiều thành tích đáng nể.

Xét tuyển đại học hệ chính quy ngành thứ 2 năm 2023
Xét tuyển đại học hệ chính quy ngành thứ 2 năm 2023

Chiều 15/2, Trường đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Huế cho biết, đã có thông báo xét tuyển ĐH hệ chính quy ngành thứ 2 năm 2023 dành cho sinh viên ĐH hệ chính quy đã hoàn thành năm thứ nhất trở lên tại các trường ĐH thành viên, các khoa trực thuộc của ĐH Huế.