Chủ Nhật, 03/09/2017 13:15

Ưa sạch

Giờ là lúc, thực phẩm sạch lên ngôi. Chưa biết có sạch không nhưng cứ có chữ sạch là đã giải quyết một phần về sự yên tâm cho người tiêu dùng. Rau sạch, cà phê sạch, giá sạch, nước ép trái cây sạch, mắm tôm nhà tự làm… thậm chí là nhang sạch. Sạch bây giờ là hướng vào sản xuất theo phương thức hữu cơ; theo phương thức VietGAP, GlobaGAP. Tức là đất sạch, nguồn nước sạch, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, cách ly đúng cách trước khi thu hoạch. Những sản phẩm này có địa chỉ rõ ràng, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ là hút hàng.

Hướng đến nông sản sạchHình thành chuỗi cung ứng nông sản từ khâu sản xuất đến tiêu thụ

Lựa chọn thực phẩm sạch tại Siêu thị Quế Lâm. Ảnh: MC

Nói như thế không phải trước đây người tiêu dùng không ưa sạch, mà vì nhiều lý do, thực phẩm sạch chưa quan tâm đúng mức. Nhà sản xuất thì chạy theo năng suất và lợi nhuận; người tiêu dùng thì thích rẻ, sản phẩm phải bắt mắt; nhà chức trách thì buông lỏng quản lý hoặc quản lý không xuể… đó là lý do chính để thực phẩm bẩn lên ngôi. Nhưng xét đến cùng về sự thay đổi thói quen tiêu dùng đó chính là nguồn gốc kinh tế - đời sống người dân bây giờ khá hơn lên rất nhiều. Đã xuất hiện đông đảo một tầng lớp trung lưu và giàu có. Nhu cầu của họ hướng vào chất lượng: từ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, thời trang… trong đó có lương thực, thực phẩm. Thị trường châu Âu đòi hỏi một chất lượng an toàn khắc khe hơn hẳn thị trường Trung Quốc – một thị trường mà chúng ta thường hay sử dụng một từ để chỉ là “thị trường dễ tính”. Siêu thị đòi hỏi một chất lượng sản phẩm khi được nhập vào cao hơn hẳn là chợ truyền thống. Bây giờ, đôi khi ăn là để thưởng thức chứ không phải là để tồn tại. Mà giả sử như chỉ để tồn tại thì người ta cũng muốn tồn tại lâu hơn. Cho nên, sản phẩm sạch, an toàn ngày càng được ưa chuộng. Nhu cầu này đã tác động lên sản xuất. Anh sản xuất không sạch chưa chắc gì đã tiêu thụ được. Mà tiêu thụ được thì giá cũng không cao. Anh sản xuất an toàn, có địa chỉ rõ ràng, có nguồn gốc xuất xứ, có chứng nhận chất lượng sản phẩm thì giá bán được cao hơn, hàng bán được chạy hơn. Cam Nam Đông bây giờ là một thương hiệu, làm ra không đủ bán là một ví dụ cho thấy điều này.

Nhu cầu bây giờ sử dụng sản phẩm sạch là một xu hướng, điều này đã mở ra một cánh cửa rất lớn cho sản phẩm địa phương phát triển. Mà đây là một lợi thế của nông nghiệp Thừa Thiên Huế. Sản xuất với lượng hàng hóa không nhiều nhưng rất đa dạng. Mỗi huyện có thể kể ra hàng chục sản phẩm địa phương nổi tiếng: cam, mật ong Nam Đông; thanh trà Thủy Biều, Hương Hồ, Hương Vân, Phong Thu; nấm rơm Phú Lương, Phú Hồ; rau Quảng Thành, Hương Chữ; ném Điền Lộc; dầu tràm Lộc Thủy; bò A Lưới… Những sản phẩm này không lo không có thị trường tiêu thụ; chỉ một triệu dân Thừa Thiên Huế và bốn năm triệu khách du lịch, hàng chục ngàn khách vãng lai đã đủ sức tiêu thụ hết sản phẩm địa phương, nhưng với một điều kiện: sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ.

Như vậy, vấn đề cốt lõi bây giờ là tập trung vào phương thức sản xuất; xây dựng thương hiệu; tăng cường công tác quản lý, quảng bá sản phẩm. Điều này muốn làm tốt phải là một tập thể, một nhóm tổ hộ liên kết, một hợp tác xã. Từng cá nhân đứng riêng lẻ rất khó giải quyết tận gốc vấn đề. Nhưng điều này, xem ra bà con nông dân chúng ta còn yếu. Chính quyền, với vai trò quản lý cần phải giúp từng vùng sản xuất làm tốt điều này.

Xin lấy hai ví dụ để minh họa về hiệu quả của liên kết. Từ những hộ đầu tiên sản xuất rau má riêng lẻ ở Quảng Thọ (Quảng Điền), một hợp tác xã sản xuất rau má ở Quảng Thọ ra đời. Giờ thì chúng ta cũng biết rau má Quảng Thọ đã nổi tiếng, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm. Đan lát Bao La là một nghề truyền thống, giờ được phục hồi và phát triển. Nhiều sản phẩm đưa ra thị trường, phục vụ cho cả ngành du lịch và xuất khẩu, cũng nhờ vai trò của HTX đan lát Bao La.

Để cho một sản phẩm có sức tiêu thụ tốt thì có nhiều việc phải làm, trong đó có hai việc quan trọng bậc nhất là phải chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ, tức là có địa chỉ rõ ràng. Và điều thứ hai là liên kết trong sản xuất, tốt nhất là đứng trong một HTX, một tổ nhóm.

Lê Phương

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lựa chọn thực phẩm “sạch” để yên tâm vui Xuân, đón Tết
Lựa chọn thực phẩm “sạch” để yên tâm vui Xuân, đón Tết

Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết, các cơ quan chức năng khuyến cáo: Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, sáng suốt lựa chọn những thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem nhãn thông tin nhà sản xuất...

Thực phẩm sạch Đừng để vàng thau lẫn lộn
Thực phẩm sạch: Đừng để "vàng thau" lẫn lộn

Ngày càng nhiều cơ sở kinh doanh nông sản sạch, thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ trên thị trường. Nhưng thực tế cho thấy, tiêu chí xác định thực phẩm sạch vẫn còn là dấu hỏi đối với người tiêu dùng.

Ưu tiên hỗ trợ sản xuất sản phẩm sạch
Ưu tiên hỗ trợ sản xuất sản phẩm sạch

Ngoài mục tiêu hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm, năm 2021, Sở Công thương ưu tiên phê duyệt các đề án khuyến công (KC) hỗ trợ sản phẩm OCOP, làng nghề và sản phẩm sạch nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nông nghiệp sạch cần sự bứt phá
Nông nghiệp sạch cần sự bứt phá

Tại một hội thảo về nông nghiệp diễn ra cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, ưu việt của một nền nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ và không bỏ đi thứ gì đang là hướng đi mà ngành nông nghiệp nước ta hướng đến.