Sáng nay đọc một thông tin, năm nay Đại học Huế chỉ tuyển được khoảng 70% sinh viên so với chỉ tiêu đề ra. Trường mà thầy giáo cũ của tôi nêu trên tuyển chưa được 50%.
Có thể thấy, các ngành khoa học cơ bản đã được xã hội điều chỉnh. Điều này là tất yếu một khi nhu cầu lao động của xã hội đã được chuyển dịch. Nền kinh tế đã có những thay đổi và có những đòi hỏi khác so với trước đây nên các ngành đào tạo cũng thay đổi theo. Rõ nhất là sự lựa chọn của thí sinh. Thí sinh không phải mọi giá lấy cho được bằng đại học nữa mà họ chọn lựa rất kỹ những ngành có khả năng ra trường tiếp cận được thị trường lao động, tức là có việc làm.
Nhìn vào thực tế chúng ta thấy, thị trường giải quyết lao động nhiều nhất bao giờ cũng là đội ngũ công nhân hoặc là lao động giản đơn. Công nhân dệt may, nói không cần trình độ đại học thì không phải, nhưng cái cần hơn là tay nghề. Muốn có tay nghề cao thì phải luyện nghề. Tương tự, làm nhân viên phục vụ cho một ngành đang thu hút nhiều lao động đó là du lịch, có lẽ tập trung học nghiệp vụ là thiết thực nhất. Chạy Grap có lẽ không cần bằng đại học… Nghĩa là nhu cầu của xã hội bao giờ “thợ” cũng nhiều hơn “thầy”, thậm chí nhiều hơn gấp cả hàng chục lần. Thế nhưng, một thời gian dài, xã hội “chạy theo bằng cấp” của chúng ta đã sản sinh ra “thầy nhiều hơn thợ”. Độ “vênh” giữa đào tạo và nhu cầu, buộc phải được điều chỉnh. Điều chỉnh muộn (đã học xong đại học) là “thầy” phải làm “thợ”. Giờ xã hội điều chỉnh sớm hơn, tức là từ khi chọn ngành nghề, bậc học. Nhìn ở khía cạnh phát triển, tiết kiệm nguồn lực, đây chính là điều đáng mừng chứ không có gì đáng để làm chúng ta ngạc nhiên, bởi xã hội có những nhu cầu và có quy luật điều chỉnh riêng của nó – bao giờ cũng tìm đến sự hợp lý.
Vấn đề là các ngành khoa học cơ bản sẽ phát triển như thế nào trong tình hình mới hiện nay? Đây có lẽ là một vấn đề rộng lớn. Một nghiên cứu mang tính chiều sâu mới chỉ ra được khoa học cơ bản đang cần thiết hiện nay là những lĩnh vực nào, số lượng (tương đối) là bao nhiêu, trình độ tuyển sinh đầu vào phải như thế nào... để sau này có thể đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, định hướng khi hết cấp đại học sẽ làm việc những nơi nào để có điều kiện mang tính nghiên cứu chiều sâu, chuyên sâu. Các ngành thuộc giáo dục đại học cơ bản không thể đào tạo xong, phần lớn ra trường làm những công việc mang tính thực hành, như thế cũng là một sự lãng phí nguồn lực. Nếu giáo dục đại học cơ bản chạy theo số lượng, hạ chất lượng đầu vào tuyển sinh thì có khi đó là “một tai hại khác”.
Trong điều kiện tuyển sinh như hiện tại; trong điều kiện làm việc, nghiên cứu như hiện tại ở Việt Nam (còn kém xa so với nhiều nước) thì đây là vấn đề đặt ra mang tính cấp thiết. Chúng ta không buồn khi khoa học cơ bản tuyển sinh được ít, thậm chí chúng ta còn có thể lấy làm mừng, khi thực tế đã đặt ra, chỉ ra những nhu cầu để chúng ta suy nghĩ và điều chỉnh.
Thanh Lê