Thứ Sáu, 31/01/2014 14:59

UNICEF: Cho con bú trong vòng 1 giờ đầu sau sinh là liều vaccine đầu tiên cho trẻ

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cảnh báo rằng, có khoảng 77 triệu trẻ sơ sinh trên thế giới – tương đương với ½ số trẻ sơ sinh toàn cầu, không được bú sữa mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, khiến bọn trẻ bị mất các chất dinh dưỡng và kháng thể cần thiết, do đó làm tăng nguy cơ tử vong.

Một bà mẹ đang cho con bú sau sinh. Ảnh: UNICEF

Theo tổ chức này, trì hoãn việc cho con bú sang từ 2 đến 23 giờ sau khi sinh làm tăng đến 40% nguy cơ tử vong trong 28 ngày chào đời đầu tiên của trẻ. Nếu hành động này bị trì hoãn đến sau 24 giờ hoặc nhiều hơn thì nguy cơ tử vong có thể tăng lên đến 80%.

"Cho con bú sớm có thể tạo ra sự khác biệt giữa sự sống và cái chết," ông France Bégin - Cố vấn cấp cao về dinh dưỡng của UNICEF cho biết trong một thông cáo báo chí.

"Nếu tất cả các em bé đều không ăn gì ngoài sữa mẹ từ lúc sinh ra cho đến 6 tháng tuổi, thì có hơn 800.000 sinh mạng trẻ nhỏ sẽ được cứu sống mỗi năm", bà nói thêm.

Sữa mẹ là vaccine đầu tiên của một em bé, sự bảo vệ đầu tiên và tốt nhất mà chúng có được để chống lại ốm đau và bệnh tật. Cho con bú cũng cung cấp cho chúng các chất dinh dưỡng và kháng thể thiết yếu; đồng thời việc tiếp xúc da kề da với mẹ sẽ giúp bảo vệ trẻ nhỏ khỏi bệnh tật.

Sự chậm trễ trong lần tiếp xúc đầu tiên đầy quan trọng này không chỉ làm giảm cơ hội sống sót của trẻ sơ sinh mà còn làm hạn chế nguồn cung cấp sữa và làm giảm cơ hội “cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ”.

Những thông tin này được UNICEF tiết lộ trong bối cảnh Tuần lễ Thế giới cho con bú sắp diễn ra, được tổ chức hàng năm từ 1/8 – 7/8 tại hơn 170 quốc gia nhằm đẩy mạnh việc cho con bú và cải thiện dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, dữ liệu của UNICEF cho thấy, tiến trình khuyến khích để có thêm trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ trong vòng một giờ đầu tiên chào đời đã bị chậm trong vòng 15 năm qua. Tình hình đặc biệt đáng lo ngại là ở châu Phi cận Sahara, nơi tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi đang đạt mức cao nhất trên toàn thế giới; tỷ lệ bú mẹ sớm chỉ tăng 10% kể từ năm 2000 tại Đông và Nam châu Phi, và tình hình vẫn không thay đổi ở Tây và Trung Phi.

Ngay cả ở Nam Á, nơi có tỉ lệ bắt đầu bú mẹ sớm tăng gấp 3 lần trong 15 năm qua, từ 16% trong năm 2000 lên 45% vào năm 2015, thì mức tăng này vẫn chưa đủ, khi 21 triệu trẻ sơ sinh vẫn phải chờ đợi quá lâu trước khi chúng được nuôi bằng sữa mẹ.

UNICEF cũng đã phát hiện ra rằng, phụ nữ không nhận được sự giúp đỡ cần thiết để bắt đầu cho con bú ngay sau khi sinh, ngay cả từ phía bác sĩ, y tá hộ sinh. Ngoài ra, nuôi con chất lỏng hoặc các loại thực phẩm khác là một lý do khiến việc bú mẹ sớm bị trì hoãn. Ở nhiều nước, nuôi trẻ sơ sinh bằng sữa công thức, sữa bò hoặc nước đường trong 3 ngày đầu tiên sau khi chào đời đã trở thành tục lệ. Có đến gần một nửa số trẻ sơ sinh được cho bú các loại chất lỏng nói trên.

"Khi em bé được cung cấp một giải pháp thay thế ít dinh dưỡng hơn sữa mẹ, chúng sẽ bú ít hơn bình thường, điều này khiến các bà mẹ gặp nhiều khó khăn hơn để bắt đầu và tiếp tục cho con bú", UNICEF cho biết. "Trên thế giới, chỉ có 43% trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn", thông tin từ UNICEF tiết lộ thêm.

Những em bé hoàn toàn không được bú sữa mẹ có nguy cơ tử vong cao gấp 14 lần so với những đứa trẻ chỉ bú thuần một loại sữa mẹ.

Tố Quyên (Lược dịch từ UN & Rebrn)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

UNICEF 8 xu hướng sẽ tác động đến trẻ em trong năm 2023
UNICEF: 8 xu hướng sẽ tác động đến trẻ em trong năm 2023

Một loạt các cuộc khủng hoảng có mối liên hệ với nhau được dự báo sẽ tác động lớn đến trẻ em vào năm 2023. Một báo cáo vừa được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố đã nêu chi tiết những xu hướng sẽ định hình cuộc sống của các em trong những tháng tới.

UNICEF khởi động sáng kiến ​​khí hậu mới tập trung vào trẻ em
UNICEF khởi động sáng kiến ​​khí hậu mới tập trung vào trẻ em

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ngày hôm nay (16/11) khởi động một sáng kiến ​​​​tài trợ khí hậu mới, được thiết kế nhằm hỗ trợ các quốc gia giải quyết những tác động hiện tại và ngày càng tăng của cuộc khủng hoảng khí hậu, đồng thời đối phó tốt hơn với các thảm họa này.

LHQ cảnh báo các chiêu thức tiếp thị sữa công thức trẻ em gây nhiều lầm tưởng
LHQ cảnh báo các chiêu thức tiếp thị sữa công thức trẻ em gây nhiều lầm tưởng

Theo một báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), các bậc phụ huynh và phụ nữ mang thai trên thế giới đang phải tiếp xúc với các chiến dịch tiếp thị rầm rộ sữa công thức dành cho trẻ em một cách quá mức, đặt ra rào cản đối với việc cho con bú sữa mẹ.