![](https://file.baothuathienhue.vn/data2/image/fckeditor/upload/2021/20210601/images/uong%20ruou.jpg)
Lam Kinh (Thanh Hóa), vùng đất phát tích nhà Hậu Lê và sinh ra vị vua nổi tiếng tài giỏi Lê Thánh Tông
Cần tìm một số tư liệu lịch sử, vô tình đọc được trong sách Đại Việt sử ký bản kỷ thực lục (Quyển XIII), phần viết về vua Lê Thánh Tông một đoạn quy định rất thú vị:
“Quý Tỵ, Hồng Đức năm thứ 4 (1473). Mùa xuân, tháng giêng, vua thân đi cày ruộng tịch điền và đốc suất các quan cày.
Làm lễ tế Giao.
Cấm rượu và sắc dục. Có sắc chỉ cho quan viên và nhân dân rằng: Từ nay trở đi, nhà không làm cỗ thết khách thì không được uống rượu, vợ không phạm tội thì không được bỏ. Kẻ nào dám uống rượu và dâm loạn, đạo nhà không yên, không có mối lái mà treo tường tư thông thì phải tội.”
Cách chúng ta gần 600 năm, người xưa đã văn minh tiến bộ như vậy rồi chứ đâu phải “phong kiến lạc hậu” như nhiều người lầm tưởng.
Chẳng rõ từ bao giờ, chuyện uống rượu đã trở thành một tập quán, một thói quen vô cùng mệt mỏi. Bà con, bạn hữu, đối tác, đồng nghiệp… hễ không gặp thì thôi, gặp thì lập tức phải rượu. Rượu sáng, rượu trưa, rượu chiều, rượu tối… Rượu có khi đến mềm người vẫn tiếp tục phải uống. Khách uống khổ, chủ uống cũng chẳng sướng sung gì, nhưng vẫn cứ phải nâng chén chúc nhau, nếu không thấy nó “sơ sài”, nó “không nhiệt tình”, nó “nhạt nhẽo” thế nào (!??)…
Hậu quả là gì, là tàn phá sức khỏe, là giảm hiệu suất lao động. Chưa kể, rượu vào lời ra, nhiều trường hợp không kiểm soát được cảm xúc, hành vi. Thế là dẫn đến vô số những hệ lụy “trời ơi đất hỡi khác”. Vừa mới bạn bè chén chú chén anh đó chuyển sang gây gổ, chửi rủa nhau. Vợ con vô cớ đang đêm được ông bố say rượu dựng đầu dậy để “dạy dỗ”, mắng nhiếc, thậm chí đánh đập. Bao nhiêu gia đình vì rượu mà nát tan, khánh kiệt. Chưa kể nhiều vụ ẩu đả dẫn đến án mạng, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng chết người khởi nguồn từ rượu. Trong cơ quan, khi mà cả sếp lẫn lính nhiều người nồng nặc mùi men trong giờ làm việc thì kỷ cương, kỷ luật còn gì để nói; hình ảnh người cán bộ nhà nước trong mắt dân chúng ra sao cũng có thể đoán được…
Hệ lụy của nạn lạm dụng rượu bia đã đến mức không thể không chấn chỉnh. Vậy nên, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 26 tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, nghiêm cấm sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc và ngày trực đối với cán bộ, công viên chức. Tiếp đó, Luật Phòng chống tác hại rượu bia được Quốc hội thông qua, trong đó, nhiều hành vi liên quan phòng chống tác hại rượu bia bị nghiêm cấm. Các cơ quan liên tục nhắc nhở, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, nếu quan sát các nhà hàng, quán nhậu, có thể thấy nạn rượu bia hẳn phải còn lâu lắm mới có thể “đi vào nề nếp”. Điều này cũng dễ hiểu, bởi xóa bỏ một thói quen, một tập quán xấu là điều không bao giờ dễ dàng. Viết đến đây chợt nghĩ, giá như lịch sử đừng biến động để quy định cấm uống rượu vô cớ từ thời Hồng Đức được kế tục duy trì, thì bây giờ xã hội hẳn đã an lành và phát triển biết mấy. Nhà nước cũng khỏi phải mất công nghiên cứu để ban hành luật lệ, rồi kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh,… rất phiền phức, tốn kém.
Bên cạnh rượu (tửu) là “sắc”. Xưa “trọng nam khinh nữ”, tửu- sắc thuộc đặc quyền cánh mày râu nên bên cạnh cấm uống rượu vô cớ, vua Lê Thánh Tông còn tiết chế, cấm các “đức ông” không được dâm loạn. “Vợ không phạm tội thì không được bỏ. …không có mối lái mà treo tường tư thông thì phải tội.”
Nhưng tại sao nhà vua lại quan tâm đến cấm rượu và sắc dục? Là bởi, đó là 2 yếu tố nhạy cảm nhất, xâm hại nhanh nhất khiến “đạo nhà không yên”. Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có êm ấm hạnh phúc thì xã tắc mới bình an thịnh trị. Thế nên mới có câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tu dưỡng bản thân, giữ yên “đạo nhà” là giềng mối, là cái gốc cho sự an nguy, hùng mạnh của đất nước. Tư duy và quan niệm của người xưa trong câu chuyện “trị quốc”, ngẫm kỹ thấy vẫn chân xác và thời sự cho xã hội bây giờ.
Bài, ảnh: Hiền An