Hầu như ngày nào cũng có những nhóm bạn trẻ đến chụp ảnh lưu niệm, chụp ảnh cưới tại cây vông đồng ở làng Hà Cảng (Quảng Phú, Quảng Điền). Cây cô đơn đang xuất hiện nhiều trên mạng xã hội từ khi tung poster "Mắt biếc".
Nguyễn Vĩnh Huy, sinh viên Trường ĐH Y Dược – ĐH Huế đã đến đây chụp ảnh lần thứ ba, mỗi lần đi cùng đều có rất nhiều bạn bè. Huy kể: “Chỉ dùng điện thoại để chụp nhưng những bức ảnh ở đây rất đẹp. Người nào xem cũng thích, mọi người muốn em dẫn ra đây chơi và chụp ảnh. Vậy là cứ đi mãi!”
Ngày nào cũng có người đến "check in" cây ngô đồng cô đơn ở Hà Cảng
Anh Trần Quang Hoanh, cán bộ văn hóa xã Quảng Phú cho biết, cây cô đơn được ông Trần Quang Chu, người dân ở thôn Hà Cảng trồng ngay đường ra đồng nhằm tạo bóng mát nghỉ chân. Ban đầu, cây được rào dứa cẩn thận tránh trâu bò giẫm đạp, người dân trong làng thay nhau chăm sóc. Cây khoảng 30 năm tuổi và là nơi chim muông về trú ngụ hàng ngày.
Tiết lộ lý do chọn cây cô đơn sát ngày khởi chiếu “Mắt biếc”, Victor Vũ cho hay: “Khi chọn một gốc cây chứa đựng nhiều kỉ niệm ấu thơ, tôi không muốn tìm đến một cây cổ thụ sum suê già cỗi. Tôi muốn nhấn mạnh vào yếu tố lãng mạn và chất thơ, đó là lý do tôi chọn cây cô đơn”.
Đạo diễn phim “Mắt biếc” rất tâm đắc về địa điểm quay này. “Địa thế và hình hài của cây, nằm đơn độc giữa một ngã ba đường làng tuyệt đẹp, tạo cảm giác mong manh như một mối tình đầu thầm lặng. Không gian và không khí của cảnh vật chung quanh, nhìn từ trên cao giữa đồng cỏ mênh mông, chỉ có duy nhất một cây cao, với tán lá xoè rộng thật nên thơ. Vào đúng thời điểm trong ngày, ánh nắng xuyên qua kẽ lá, khiến con đường làng nhỏ bé càng càng thêm thanh thoát và lãng mạn. Tôi tin trong kí ức mỗi người đều có một gốc cây kỉ niệm, nơi mà chúng ta ngồi hàng giờ bên những người thân thương, lúc đó thời gian như ngừng trôi”, anh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch, Sở đang bàn bạc với các đơn vị lữ hành để hướng dẫn viên nắm bắt các điểm đẹp xuất hiện trong “Mắt biếc” nhằm giới thiệu cho du khách. Sở cũng định hướng với các địa phương có cảnh đẹp vào phim đặt các tấm biển kèm theo hình ảnh, thông tin để du khách thuận tiện khi đến thăm thú.
Nếu thăm và chụp ảnh cây cô đơn, bạn nên ghé thêm nhiều điểm khác ở xã Quảng Phú như Chùa Thiện Khánh; Phủ Bác Vọng; Di tích nhà bia Đặng Hữu Phổ; Hợp tác xã Phú Thuận nơi có Trường Đo Đo...
Nhiều người dân địa phương từng tham gia các vai diễn khác nhau trong phim nên bạn có thể nghe những câu chuyện thú vị về hậu trường quay "Mắt biếc" khi gặp họ…
Cùng Thừa Thiên Huế Online khám phá những điểm "check in" ở xã Quảng Phú:
Từ Quốc lộ 1A hướng về T.X Hương Trà, rẽ qua cầu Tứ Phú là bạn đã đặt chân đến vùng đất bên dòng sông Bồ tươi mát trù phú
Chỉ cần hỏi cây cô đơn trong phim "Mắt biếc", người làng sẽ chỉ đường, thậm chí dẫn bạn đến tận nơi vì nó khá nổi tiếng
Màu xanh cây mía trải dài suốt làng quê Quảng Phú. Mía Cẩm Tân là cây trồng chủ lực nơi đây với diện tích khoảng 24ha
Nhiều bạn trẻ xin vào chụp ảnh và có thể mua mía ngay tại ruộng
Ngoài mía, người dân ở đây còn trồng các loại rau và hoa. Nếu ghé chợ Quảng Phú vào buổi sáng, bạn có thể chọn mua rau củ quả tươi ngon với giá rẻ
Một ngôi nhà bình dị với cây trái trong vườn
Ngược đường với cây cô đơn, khách có thể thăm chùa Thiện Khánh, ngôi cổ tự với nét rêu phong cổ kính. Tháng 3/2011, Chùa Thiện Khánh được UBND tỉnh công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp tỉnh
Cá trắm cỏ nuôi lồng trên sông Bồ cũng là đặc sản địa phương. Tòa xã có khoảng 200 lồng cá mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân
Tấm biển Trường tiểu học Đo Đo được giữ lại ở HTX Phú Thuận, nơi đoàn làm phim từng quay. Trong ảnh là bà Phan Thị Lịch, một diễn viên quần chúng của "Mắt biếc", bà sẽ kể nhiều chuyện hậu trường thú vị khi đóng phim.
Clip cây cô đơn trên cánh đồng Hà Cảng
Linh Tuệ - Anh Jin (Thực hiện)