Thứ Hai, 27/04/2020 07:00

Vui buồn nghề cấp dưỡng trường học

Nghề nào cũng có áp lực, khó khăn nhưng với cấp dưỡng trường học nhiều người vẫn ví von là “làm dâu trăm họ”. Thu nhập thấp, lương bổng không có vào những tháng hè, thế nhưng, nhiều chị vẫn muốn gắn bó nghề trong gian bếp, sau những năm làm lao động tự do mệt nhọc.

Từ “mo cơm”, mơ về bữa ăn bán trúKhông dễ có bữa ăn bán trú ở vùng caoBán trú trong trường học: Giám sát để yên tâm

Công việc cấp dưỡng được ví von như làm dâu trăm họ

Tất bật nhưng vui

Hôm đi quay hình cho chương trình chế biến món ăn Nhật ở Trường tiểu học Trần Quốc Toản, tôi có dịp "đột nhập" vào bếp ăn bán trú. Nói "đột nhập" là vì các cửa vào khu vực này đều được khóa trái, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi trong bếp bắt đầu đỏ lửa.

 Ngồi đợi hoàn tất món ăn mì Udon, tôi mới có dịp quan sát, sức nóng từ gian bếp và cả sức ép cho kịp giờ ăn của các cháu khiến lưng áo nhiều chị ướt sũng, dẫu trời Huế đã sang thu. Tôi khẽ kéo chị Trịnh Thị Thảo khi chị vừa bày biện xong buổi ăn trưa cho học trò lớp 1, rằng, tháo khẩu trang ra cho tôi chụp tấm ảnh. Chị lắc đầu nguầy nguậy, chị già rồi, xấu lắm, em đừng đưa lên báo. Suốt ngày chị cứ quanh quẩn ở bếp ăn, tối về nhà lại còn làm thêm để mưu sinh, chẳng có nhiều thời gian dành cho mình nên già trước tuổi. Nhìn vóc dáng nhỏ nhắn của người phụ nữ sinh năm 1975 qua lớp khẩu trang dày, tôi vẫn nhận ra nét thanh xuân, chị có đôi mắt to tròn và mái tóc dài được quấn cao khi làm bếp.

Cũng giống như chị Thảo, 16 chị cấp dưỡng ở đây mỗi người mỗi cảnh. Như cách nói của chị Thảo, chị nào nhờ được chồng thì bớt vất vả còn ngược lại sẽ phải làm thêm khi mức lương hàng tháng chưa cao. Với 3,5 triệu đồng/tháng tiền lương  cấp dưỡng, nhiều chị phải lo cho gia đình 4 người khi chồng chẳng may đổ bệnh. Thế nên, họ làm đủ nghề thêm như bán hàng online, nhận giữ em và giúp việc gia đình theo giờ...

Không còn cảnh cấp dưỡng xách làn đi chợ từ tờ mờ sớm, thực phẩm chế biến đều được các trường hợp đồng với các công ty uy tín để đảm bảo nguồn hàng sạch. Nhưng tôi "bé cái nhầm" khi đã có suy nghĩ thoáng qua nếu không đi chợ công việc của các chị nhàn hạ. Áp lực nhất vẫn là đảm bảo an toàn thực phẩm tuyệt đối bữa ăn cho trẻ từ khâu nhập hàng đến vệ sinh, chế biến. Thế nên, đôi khi các chị cũng tranh cãi quyết liệt lắm vì trong quá trình kiểm tra, nhà bếp không được cả nể với người cung cấp, nếu thực phẩm thiếu chất lượng thì trả lại, đề nghị đưa loại mới. Chưa kể, phụ huynh vào giám sát bếp ăn và camera bắt nhiều phía cũng là áp lực đối với nhân viên cấp dưỡng.

Nhân viên cấp dưỡng không chỉ chuyên về nấu nướng mà phải biết tính toán. Rồi những lúc dịch bệnh, để có một thực đơn hợp lý tổ nhà bếp cùng Ban giám hiệu nhà trường phải họp bàn, cân đo đong đếm. Có thời điểm rau, thịt rẻ thì dễ quyết, nhưng gặp đúng lúc tăng giá thì rất khó xử, bởi nếu không định lượng cẩn thận, thức ăn nấu lên sẽ hao hụt.

Theo chị Nguyễn Thị Hoa, cấp dưỡng Trường tiểu học Phước Vĩnh, cơm trưa cho học sinh không phải kỳ công nhưng phải đảm bảo các yếu tố, màu sắc, mùi vị và chất dinh dưỡng. Các chị luôn cố gắng để màu sắc trong thức ăn của trẻ thật bắt mắt, có thể để thu hút sự chú ý của trẻ. Mùi vị thức ăn thì tuyệt đối không được đậm đặc, mặn mà như đồ ăn của người lớn. Thế nên, tôi không lấy làm lạ khi thấy nhiều chị cấp dưỡng cứ thì thầm hỏi các bé, ăn có hợp khẩu vị không? Đó cũng là cách để các chị điều chỉnh cho các em ăn ngon miệng trong những ngày tiếp theo.

Và những trăn trở

Toàn tỉnh còn có gần 800 (chiếm tỷ lệ khoảng 80%) cấp dưỡng được các trường đóng BHXH theo mức lương tối thiểu vùng. Muốn giữ chân cấp dưỡng, theo cô Võ Thị Tú Khanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Thành cho biết, nhà trường có trên 450 học sinh học bán trú và có 7 chị cấp dưỡng, 12 người phục vụ bữa ăn trưa cho các em. Sau khi trừ các khoản chi phí, các chị thực nhận trên 4,1 triệu đồng/người/tháng và thời gian làm việc là 8 giờ/ngày.

Có một điều không vui ở các trường học là số cấp dưỡng nghỉ việc giữa chừng còn nhiều. Thế nên, đa phần cấp dưỡng đang làm việc ở các trường học đều ở độ tuổi 40-55 tuổi. “Cứ sau mỗi dịp nghỉ hè lại có ít nhất 2 cô bỏ việc vì tìm được việc khác thu nhập cao hơn”. Hiệu trưởng ở một trường tiểu học trên địa bàn TP. Huế, trăn trở. Thế nên, mỗi năm đến đợt tập huấn cho cấp dưỡng do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức lại thấy các trường gửi danh sách nhân viên mới đi học.

Trong nhiều trường hợp chuyển nghề, có lý do không chịu nổi áp lực. Đã có rất nhiều trường hợp, phụ huynh học sinh do chưa định lượng được thành phần dinh dưỡng của món ăn, nên có sự hiểu nhầm đối với chất lượng suất ăn bán trú. Họ cho rằng nhà trường chưa cân, đo, đong, đếm số lượng thực phẩm đưa vào trường để tổ chức nấu ăn. Do đó, chất lượng bữa ăn không đảm bảo. Cũng từng có rất nhiều trường hợp, những ý kiến chưa thật khách quan được đẩy lên cao trào, được phản ánh qua truyền thông và mạng xã hội, dẫn đến hệ lụy đáng tiếc là hình ảnh nhân viên cấp dưỡng và các nhà trường trở nên méo mó.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó. Có lần, tôi hỏi các chị ngại gì trong gian bếp, nhiều chị bảo, trong gian bếp thì chẳng ngại bởi làm miết cũng quen, ngại nhất là thời điểm học sinh nghỉ hè. Nghỉ hè, không có lương đã đành, lại phải bỏ tiền túi khoảng gần triệu bạc để đóng các khoản BHXH, BHYT nên nhiều người nơm nớp lo. Chị Hoa bộc bạch rằng, có năm tôi chủ quan nên không tham gia BHYT tự nguyện trong ba tháng hè. Đùng một cái thì đổ bệnh, vậy là nợ chồng nợ. Năm nay, tôi chạy vạy ngược xuôi nhưng cũng đủ đóng BHYT, còn BHXH thì không có khả năng. Thủ tục tham gia BHXH tự nguyện và BHYT theo hộ gia đình khá đơn giản, nhưng phải có hợp đồng của nhà trường.

Mong muốn của nhiều cấp dưỡng là các trường nên có chế độ ký hợp đồng lao động 12 tháng/năm để cấp dưỡng yên tâm công tác. Tuy nhiên, về phía các trường cho rằng, đã tính đến nhiều phương án để hỗ trợ nhưng “lực bất tòng tâm”. Cũng đã có trường nghĩ ra cách, cho cấp dưỡng mượn tiền rồi trừ dần để họ tiếp tục nối thẻ BHXH, BHYT. Có trường thì nhân viên cấp dưỡng tự góp heo đất để có tiền tham gia BHXH liên tục. Trường khác lại vận động “mạnh thường quân” để hỗ trợ cho các đối tượng này.

Vất vả, áp lực, lương tiền không cao nhưng với nhiều phụ nữ, trong gian bếp này, ước mơ và khung trời của các chị đều nằm ở đây. Dẫu là nhân viên hợp đồng, nhưng con các chị tự hào khoe với bạn về nghề nghiệp của mẹ. Các trường linh động tặng quà, phần thưởng cho con em cấp dưỡng khi các cháu học giỏi. Còn nhiều chị được xúng xính áo đẹp vào những ngày lễ tết khi chị đã là “người của trường học”.

Bài, ảnh: Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục đạo đức cho đoàn viên, thanh niên trong trường học
Giáo dục đạo đức cho đoàn viên, thanh niên trong trường học

Giáo dục đạo đức, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) được các trường trung học phổ thông (THPT) thực hiện thường xuyên, cụ thể hóa thành nhiều chương trình, kế hoạch thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng trường, vùng miền. Qua đó, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để ĐVTN, học sinh rèn luyện, hạn chế tình trạng bạo lực học đường trong trường học.

Gần 3 nghìn học sinh được giao lưu với các chú bộ đội
Gần 3 nghìn học sinh được giao lưu với các chú bộ đội

Ngày 21/12, Tiểu đoàn Huấn luyện- Cơ động, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phối hợp Trường tiểu học Trường An (phường Trường An, TP. Huế) tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tuyên truyền giáo dục truyền thống cho học sinh, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2022).

Đưa trò chơi dân gian vào trường học
Đưa trò chơi dân gian vào trường học

Xuất hiện trên các trang facebook trong những ngày gần đây là hình ảnh nhiều phụ huynh khoe cùng con chơi các trò chơi dân gian trong trường học.