Thứ Sáu, 10/02/2017 06:45

Vượt lên nỗi đau, sống vui, có ích

Nỗi đau còn mãi, nhưng những nạn nhân chất độc da cam dioxin đang từng bước vươn lên, làm chủ số phận và chăm sóc trở lại cho người thân, cộng đồng.

Gần 70 triệu đồng hỗ trợ 190 lượt nạn nhân chất độc da cam/DIOXINGắn kết nhiều nguồn lực giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Trao quà cho gia đình nạn nhân chất độc da cam

Ông Nguyễn Thanh Phước (sinh năm 1943) là nạn nhân chất độc da cam, hội viên cựu chiến binh, quê ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, thoát ly tham gia cách mạng từ năm 1967. Năm 1979, sức khỏe giảm sút, ông rời quân ngũ. Ông có 4 người con trai, thật không may, do hai vợ chồng đều bị nhiễm chất độc da cam dioxin nên cả 4 người con đều không bình thường. Một người con bị tâm thần nặng, không làm chủ được hành vi, phải đi điều trị thường xuyên tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Còn lại 3 người con đều bị thiểu năng trí tuệ. Mọi sinh hoạt hằng ngày phải nhờ vào bố mẹ chăm sóc. Chính quyền địa phương hiểu được hoàn cảnh và quan tâm cấp cho 2 vợ chồng ông 300 mét vuông đất để làm nơi ở và sản xuất. Ông lại được phân công làm bảo vệ nghĩa trang và được cấp cho 1 con bò.

“Vợ tôi bị tai biến nhẹ từ hai năm nay, hằng ngày, tôi lo việc đồng áng rồi chợ đò, cơm nước, chăm sóc vợ và các con. Cũng may trước đó được vay nguồn vốn 25 triệu đồng để sửa sang nhà cửa, có vốn làm ăn. Cuộc sống bây giờ còn nhiều chật vật nhưng cũng tạm đủ ăn, đủ sống”, ông Phước bộc bạch. Sau bao nhiêu năm lăn lộn với đồng ruộng và chăn nuôi, đến nay ông đã xây được một căn nhà cấp 4, một đàn bò 7 con lớn nhỏ, ít sào ruộng. Cộng thêm với chế độ trợ cấp của người nhiễm chất độc da cam, cuộc sống vật chất của gia đình ông tạm ổn.

Với ông Trần Kim Doãn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Phú Vang là cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam cấp độ 2. Điều may mắn, thế hệ sau của ông Doãn không bị di chứng của chất độc da cam. Để có thể sát cánh bên những người đồng đội cũ và những nạn nhân của chất độc hóa học trong chiến tranh, ông Doãn đã tham gia công tác hội, đi về từng nhà, tìm hiểu từng hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ, tư vấn cho người nhà, nạn nhân cách chăm sóc sức khỏe, làm ăn kinh tế.

Thống kê cuối năm 2018, toàn tỉnh có 13.863 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin; trong đó, có 2.493 người được hưởng trợ cấp hàng tháng theo chính sách người có công. Thấu hiểu những khó khăn trong cuộc sống của những gia đình có người nhiễm chất độc da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh đã có những chương trình, dự án nhằm giúp họ biết cách làm kinh tế, có thu nhập, thời gian để chăm sóc những người thân không có khả năng làm việc.

Vừa qua, tỉnh hội đã trao hỗ trợ sinh kế cho 14 gia đình với số tiền 70 triệu đồng, nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh nhỏ. Tỉnh hội cùng với hội cơ sở đã trao số tiền này đến tận tay gia đình được hỗ trợ. Số tiền 5 triệu đồng này, các hộ được vay trong 2 năm với lãi suất bằng 0% để tăng thêm vốn trong việc tạo sinh kế cho gia đình. Sau 2 - 3 năm vay vốn, các hộ được vay vốn báo cáo kết quả đạt được và hoàn lại số tiền này cho hội cấp huyện để tiếp tục cho các hộ khác vay theo phương thức như trên.

Ngoài hỗ trợ các nguồn vốn vay, những năm trước, tỉnh hội phối hợp với các ban ngành thực hiện hỗ trợ bò, heo giống tặng các hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam đã giúp họ có tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo chuyển biến nhận thức, hành động của cộng đồng trong xóa đói, giảm nghèo.

Ông Nguyễn Ngọc Chung, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh, chia sẻ: “Qua khảo sát, toàn tỉnh có trên 1.500 gia đình có từ 2 nạn nhân chất độc da cam trở lên, gặp nhiều khó khăn về kinh tế và chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân. Hội sẽ phối hợp với các ban ngành tăng cường phục vụ sức khỏe, phục hồi chức năng tại cộng đồng và gia đình cho nạn nhân, đồng thời, chủ động tìm kiếm các dự án, chương trình phục vụ cải thiện, nâng cao đời sống sinh hoạt cho nạn nhân”.

Bài, ảnh: PHƯỚC LY

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội Chữ Thập đỏ TP Huế Hỗ trợ 25 0000 hoàn cảnh
Hội Chữ Thập đỏ TP. Huế: Hỗ trợ 25.0000 hoàn cảnh

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Hội Chữ Thập đỏ (CTĐ) TP. Huế đặt ra tại hội nghị tổng kết công tác CTĐ, phong trào vận động hiến máu tình nguyện năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ 2023 tổ chức chiều 10/1.

Chiêu thức cũ nhưng nhiều nạn nhân mới
Chiêu thức cũ nhưng nhiều nạn nhân mới

Lợi dụng nhu cầu cần vay vốn của nhiều người, đối tượng xấu đã “giăng bẫy” bằng nhiều phương thức hết sức tinh vi, lừa đảo của bị hại hàng tỷ đồng. Vụ án vừa được lực lượng chức năng phá thành công đầu tháng 11/2022 là ví dụ điển hình.