Chủ Nhật, 01/09/2019 13:45

Vượt qua bóng tối

Với phụ nữ khiếm thị, những khó khăn trong cuộc sống không thể cản ngăn bước chân của các chị. Chậm rãi nhưng vững vàng, từng bước chân ấy vượt qua bóng tối, tiến đến một cuộc sống hòa nhập và hạnh phúc hơn.

Chăm lo cho người khiếm thịTạo sinh kế cho người khiếm thị

Tạo động lực cho phụ nữ khiếm thị từ nghề buôn bán nhỏ. Ảnh: Hội Người mù tỉnh cung cấp

Không may bị khiếm thị từ nhỏ do tai nạn, thị lực của chị Lê Thị Vân (thị trấn Phong Điền) giảm chỉ còn 25%. Bao mong ước, hoài bão của chị cũng từ đó mà trở nên dang dở. Bước vào đời sống hôn nhân, nỗi vất vả của vợ chồng chị càng lớn gấp bội khi hai người con lần lượt ra đời. Chị kể: “Mình đã yếu, sức khỏe của chồng cũng không tốt vì mắc bệnh hen suyễn, hơn nữa anh lại bị khuyết tật thần kinh dạng nhẹ. Hai vợ chồng làm lụng, rau cháo nuôi nhau, khi đó chẳng mơ ước gì cao sang, chỉ cần con cái khỏe mạnh và cuộc sống bớt cơ cực hơn”.

Trở thành hội viên Hội Người mù (HNM), cuộc sống của chị Vân bước sang một trang mới. Từ động lực của những người đồng cảnh và tương lai của các con, chị mạnh dạn vay vốn của hội để phát triển sản xuất. Chị nói: “Được hội tạo điều kiện học các lớp nghề chăn nuôi, tôi tự tin cải tạo chuồng trại, nuôi 10 lợn thịt, 2 lợn nái xoay vòng để kiếm thêm thu nhập. Tận dụng đất nông nghiệp, tôi trồng thêm khoai, sắn, đậu và bán thêm đồ ăn sáng. Cuộc sống dần khởi sắc chứ không túng bách như trước nữa”.

Đến nay, từ sự động viên của các cấp hội và nỗ lực của bản thân, kinh tế gia đình chị Vân đã ổn định. Vợ chồng chị đã xây nhà, cho các con ăn học đầy đủ. Không phụ công cha mẹ, hai người con của chị lần lượt vào đại học, viết tiếp những giấc mơ của mẹ đang thực hiện dang dở.

Ông Nguyễn Nhân Đức, Chủ tịch HNM huyện Phong Điền, cho biết: “Được sự quan tâm của Tỉnh hội, nhiều lớp dạy nghề như chổi đót, nghề chăn nuôi đã được mở ra tại địa phương. Ngoài công việc chính, chúng tôi tạo điều kiện để các chị làm tăm, chổi đót tăng thêm thu nhập. Quan trọng nhất là nghị lực của các chị, như chị Lê Thị Vân, chị Nguyễn Thị Chiu và rất nhiều hội viên khác. Muốn đứng vững trên đôi chân của mình, các chị đã tận dụng triệt để và có hiệu quả sự hỗ trợ của các cấp hội để phát triển tay nghề, từ đó ổn định kinh tế, đời sống”.

Từ năm 2016 – 2021, toàn tỉnh đã có hơn 110 chị em phụ nữ khiếm thị tham gia các lớp dạy nghề tiểu thủ công, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ buôn bán nhỏ. Đặc biệt, khi Hội xác định nghề xoa bóp là nghề mũi nhọn, nhiều hội viên nữ đã được tham gia học nghề, có việc làm ổn định tại các cơ sở dịch vụ xoa bóp Niềm Tin hay các cơ sở do huyện, thành, thị hội quản lý. Trung bình thu nhập của các chị đạt trên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều chị em phụ nữ sau khi học nghề đã bước đầu thành công khi khởi nghiệp, kinh doanh ở các tỉnh, thành khắp cả nước.

Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch HNM tỉnh, thông tin: “Trong 5 năm qua, có trên 1.300 lượt chị em phụ nữ khiếm thị tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền liên quan về giới, kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe. Đây là nền tảng vững chắc để thay đổi nhận thức, giúp phụ nữ khiếm thị có thêm niềm tin, nghị lực khẳng định giá trị bản thân”.

Cùng tiếp lửa cho những hoạt động ấy, gần 40 nghìn phần quà đã được chính quyền các cấp và mạnh thường quân gửi đến tay những phụ nữ khiếm thị. Không chỉ động viên các chị tự tin, nỗ lực vươn lên, động lực lớn còn giúp các chị vượt qua bóng tối để khẳng định bản thân, dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Mai Huế

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhân rộng mô hình phụ nữ khởi nghiệp
Nhân rộng mô hình phụ nữ khởi nghiệp

Gắn với thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các cấp hội phụ nữ ở TP. Huế đã và đang nhân rộng mô hình phụ nữ khởi nghiệp.

Không để ai bị bỏ lại phía sau
Không để ai bị bỏ lại phía sau

Bằng những việc làm mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp hội phụ nữ Thừa Thiên Huế hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nặng tình với ca Huế
Nặng tình với ca Huế

Là cô gái út trong một gia đình có 4 anh em ở Văn Xá, Hương Văn (Hương Trà), Trần Thị Kim Chuân ngay khi cất tiếng khóc chào đời đã không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. 36 năm qua, cô gái ấy không ngừng vượt lên bi kịch của số phận, dồn tình yêu, niềm đam mê vào ca Huế, với niềm khao khát góp phần gìn giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa đặc trưng trên vùng đất núi Ngự sông Hương.