Thứ Tư, 05/11/2014 12:56

Xây dựng hình ảnh hướng dẫn viên chuyên nghiệp

Thành công của chuyến du lịch phụ thuộc nhiều vào người hướng dẫn viên (HDV). Tăng cường các giải pháp để nâng cao chất lượng của HDV là cần thiết và thường xuyên.

Cần những HDV chuyên nghiệp, ăn mặc chỉnh chu khi hành nghề

Ý thức với nghề

Nghề HDV được hiểu là cá nhân làm việc cho các doanh nghiệp, cơ quan hoạt động trong ngành du lịch. HDV có nhiệm vụ thuyết minh, giới thiệu cho du khách về các địa điểm du lịch và giải đáp thắc mắc của khách với thái độ nhiệt tình, thân thiện tạo ấn tượng tốt cho điểm đến. Khi đã hình thành một tour du lịch thì bắt buộc phải có HDV, tùy vào số lượng và nhu cầu mà có thể nhiều hay ít.

Nhiều người đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn cho rằng, HDV như là các “đại sứ”. Những vị khách nước ngoài khi đến Việt Nam nói chung và Huế nói riêng sẽ tiếp xúc với HDV đầu tiên. Họ sẽ tin tưởng tuyệt đối vào những HDV. Nếu HDV thể hiện được sự thân thiện, chuyên nghiệp trong cung cách phục vụ và thông tin về các điểm đến chính xác thì đạt được hiệu quả cao. Nếu các HDV không đáp ứng được những tiêu chí trên thì lại làm thay đổi nhận thức về hình ảnh Huế trong mắt du khách.

Theo thống kê của Sở Du lịch, hiện đã cấp 1.418 thẻ HDV, tuy nhiên, chất lượng của nhiều HDV là vấn đề được đặt ra. Nhiều năm qua, tình trạng các HDV lợi dụng sự tin tưởng của du khách để làm lợi cho bản thân không phải là cá biệt. Ông Nguyễn Quốc Thành, Tổng Giám đốc Khách sạn Hương Giang cho hay, có nhiều lựa chọn để dẫn khách đi mua mè xửng ngon, thương hiệu nổi tiếng, nhưng một HDV đã dẫn khách vào một cửa hàng quen. Sau khi khách mua xong, HDV này có ngay hoa hồng 40%. Tất nhiên, để trích số tiền lớn cho các “mối” thì các của hàng phải nâng giá cao khi bán cho khách.

Vai trò của những HDV rất quan trọng trong mỗi chuyến du lịch

HDV trở thành nghề “hot” và còn có xu hướng phát triển hơn trong tương lai. Thu nhập từ nghề này cũng thuộc vào “top” so với mặt bằng chung ở Huế. Mỗi ngày dẫn khách dao động từ 500.000 - 1.000.000 đồng, tùy vào kinh nghiệm và số lượng khách, đó là chưa kể đến những khoản thu nhập khác, như tiền tip, hoa hồng. Dù được xem là nghề vất vả, đòi hỏi nhiều sức khỏe, song với thu nhập cao và dễ bị cám dỗ bởi những phần trăm được trích lại, đòi hỏi chính mỗi HDV có ý thức đối với công việc mà mình đang làm.

HDV Nguyễn Vĩnh Lộc cho hay, HDV du lịch là một nghề. Đã sống với nghề, không ai dại không trang bị cho mình đầy đủ các giấy tờ, chứng chỉ đúng quy định. Đâu đó vẫn còn những HDV cố tình vi phạm là bởi họ chưa ý thức và tôn trọng nghề. Trước khi để người khác tôn trọng, chính mỗi người HDV tôn trọng công việc của mình. Để hoàn thiện bản thân, chuyên môn phải cần được trau dồi liên tục, nhất là ngoại ngữ và kiến thức về hệ thống di sản, các di tích lịch sử ở Huế.

Làm đẹp hình ảnh du lịch Huế

Sở Du lịch cho biết, trong năm 2016 đã phát hiện, lập biên vi phạm và ban hành 45 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền 165,5 triệu đồng, chủ yếu ở các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ HDV du lịch và kinh doanh lữ hành, lưu trú.

Ngoài ý thức của mỗi HDV, những đợt thanh kiểm tra, nhắc nhở những trường hợp vi phạm có tính chất đơn giản, lần đầu và xử phạt hành chính với những trường hợp cố tình, có tính hệ thống được xem là cách đảm bảo hoạt động HDV đúng quy định, tạo ra môi trường lành mạnh. Điều đáng mừng cho du lịch Huế là hoạt động HDV thời gian gần đây đang dần đi vào nề nếp. Hầu hết các HDV đã mang thẻ trên người khi hoạt động, không như trước, dù có thẻ họ lại để trong túi hoặc trong ba lô, khi thấy lực lượng chức năng thì lấy ra đeo. Tình trạng hoạt động không có thẻ giảm đáng kể, trang phục của các HDV cũng chỉn chu hơn.

Ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh Thanh tra Sở Du lịch cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2017, qua 2 cuộc thanh kiểm tra liên ngành và nhiều đợt kiểm tra riêng của thanh tra sở, chưa ra quyết định xử phạt nào. Không phải không có vi phạm, song những trường hợp này chỉ là những lỗi nhỏ và các HDV cũng chủ động nhận sai, nên tiến hành nhắc nhở và viết cam kết không vi phạm. Tuy nhiên, để tình hình này được giữ vững thì quá trình thanh kiểm tra phải thường xuyên, không chủ quan.

Trong số những HDV vi phạm vừa qua, có trường hợp một HDV tham gia dẫn một đoàn khách Nhật nhưng không mang thẻ. Khi gặp lực lượng chức năng, HDV này chủ động nhận sai, cho biết đã quên thẻ ở nhà. Sau khi xác minh và mời lên thanh tra Sở Du lịch làm việc sau đó, HDV này chủ động xin nộp phạt, dù quyết định được đưa ra chỉ nhắc nhở. Lý do mà HDV này muốn bị phạt để nhắc nhở bản thân không được quên thẻ ở nhà thêm lần nữa. Ý thức với nghề của HDV này được đánh giá rất cao và các HDV khác cũng nên nhìn đó làm gương.

Việc tổ chức các lớp tập huấn cho HDV cũng đang được triển khai thường xuyên hơn. Theo kế hoạch, mỗi quý Sở Du lịch sẽ tổ chức một lớp tập huấn cho đội ngũ HDV. Qua các lớp tập huấn, phần nào nâng cao nhận thức cho HDV về vị trí quan trọng của họ đảm nhiệm trong hoạt động du lịch. Những việc làm sai không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà ảnh hưởng đến cả hình ảnh chung của du lịch Huế.

Đức Quang

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông
Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông

Trong hai ngày 25 - 26/2, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Nam Đông, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh, Hiệp hội Du lịch và Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Nam Đông.

Chuyện phố đêm thành Huế
Chuyện phố đêm thành Huế

Phố đêm không chỉ thuần túy nói chuyện những khu phố về đêm mà chính không gian “phố”, thời gian về “đêm” đó phải là nơi chứa đựng những nét riêng của văn hóa địa phương để giới thiệu, thu hút du khách sau cả “ngày” tham quan, khám phá các nơi khác.

Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023
Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023

Cơ quan Du lịch Thụy Sĩ (Switzerland Tourism) ngày 23/2 cho hay, khách du lịch châu Á được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023, sau khi khách du lịch Mỹ đã đưa ngành này thoát khỏi tình trạng ảm đạm do đại dịch hồi năm ngoái.

Xây dựng Mái ấm cho người nghèo biên giới
Xây dựng "Mái ấm cho người nghèo biên giới"

Ngày 23/2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt và Đồn Biên phòng Hương Nguyên phối hợp UBND các xã Đông Sơn, Lâm Đớt, A Roàng và xã Hương Nguyên (huyện A Lưới) tổ chức khởi công xây dựng “Nhà cho người nghèo nơi biên giới” trên địa bàn. Tham dự lễ khởi công có Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh.