Thứ Năm, 26/12/2019 07:45

Xem phim “Em và Trịnh”

Như đã trở thành một thói quen, cứ phim nào quay tại Huế là bạn bè tôi lại hẹn hò nhau và nôn nao chờ đợi “Đi xem phim để coi Huế mình vô phim ra răng”. Mà hình như câu nói ấy tôi luôn nghe trước khi có một phim nào công chiếu.

Bộ phim “Em và Trịnh” có giá trị đối với mảnh đất và con người HuếĐoàn phim “Em và Trịnh” giao lưu với khán giả HuếDừng chiếu phim “Trịnh Công Sơn” từ ngày 17/6Chờ xem nhạc sĩ tài hoa xứ Huế trên màn bạc

Một cảnh trong “Em và Trịnh”

Phim “Em và Trịnh” cũng đến trong sự hẹn hò ấy sau vài lần dời lịch chiếu. Sự chờ đợi lần này không chỉ dành riêng cho việc “coi Huế mình vô phim ra răng” mà phần lớn dành cho việc “coi ai đóng Trịnh Công Sơn có đạt không, có giống không và nghe giọng Huế trong phim có “êm” không? Dĩ nhiên là còn nhiều điều để chờ đợi, để “coi” nữa nhưng có lẽ nổi lên là những điểm chính đó.

Phim lấy ý tưởng từ cuộc đời và sự nghiệp của một người quá nổi tiếng, quá gần gũi và thân thiết với người dân Huế như Trịnh Công Sơn thì đó là một thử thách lớn đối với đạo diễn và cả diễn viên. Bối cảnh thì thời gian lùi lại đến 50-60 năm, biết bao vật đổi sao dời, dựng cảnh cũng là cả một vấn đề.

Hơn 120 phút với “Em và Trịnh”, quả thật nhiều cảm xúc. Những dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được đề cập đầy đủ, bằng sự kiện hoặc bằng âm nhạc đã chứng tỏ tác giả kịch bản, đạo diễn rất chắc tay, đã tìm hiểu kỹ về tất cả những gì liên quan đến Trịnh Công Sơn: Gia đình, bạn bè, âm nhạc, tình yêu, lý tưởng, thời cuộc. Gia đình Trịnh Công Sơn - các em gái của ông vẫn còn, bạn bè ông vẫn còn, những người cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn còn... đó là thuận lợi khi làm phim lấy cảm hứng từ một nhân vật có thật nhưng cũng là khó khăn khi phải lựa chọn những dấu mốc thời gian, những sự kiện có ý nghĩa nhất trong cuộc đời Trịnh Công Sơn để đưa vào phim trong hàng trăm sự kiện, hàng trăm câu chuyện kể.

Poster phim “Em và Trịnh”

Trở lại với “Em và Trịnh”, trước khi công chiếu, khán giả đã nắm được rất nhiều thông tin từ việc tuyển chọn nhân vật đóng vai Trịnh Công Sơn, Bích Diễm, Dao Ánh, ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Thanh Thúy và rất nhiều chuyện hậu trường... nên ngày khởi chiếu, gần như khán giả chỉ còn việc xem và đánh giá nữa mà thôi. Phim chiếu cũng đã gần tuần, chưa thấy phàn nàn gì ngoài chuyện “lồng tiếng Huế nhưng không phải giọng Huế”.

Lồng tiếng Huế trong phim, quả thật đó là câu chuyện mà phim nào về Huế cũng có chuyện để nói. Người Huế kỹ tính nhưng sâu xa cũng không khắt khe lắm, cái gì ai làm tốt thì lòng mừng “Quá tốt rồi!”, nhưng nếu đã cố mà không đạt được thì phiên phiến, nghĩa là tạm tạm cũng được. Riêng điều này, chẳng nhìn đâu xa, như Trịnh Công Sơn cũng thường hay nói “kệ”, “thôi kệ” đó thôi mà. Trong phim, các câu thoại của Trịnh Công Sơn, những từ có dấu sắc đều bị đổi thành dấu nặng. Cách phát âm như thế, người vùng khác không biết sẽ nghĩ đó là cách phát âm của người Huế, nhưng thật ra người Huế nói chẳng biến âm nặng như vậy đâu. Nhiều lần đi công tác đến các thành phố khác, trò chuyện cùng đồng nghiệp, phần lớn chúng tôi đều nghe nhận xét “Giọng Huế ở ngoài nói dễ nghe sao vào phim khó nghe. Giọng Huế nói nghe dễ thương!”, những lúc ấy chúng tôi cười cảm ơn và thấy vui trong lòng.

Cũng như nhiều lần xem phim quay tại Huế, với “Em và Trịnh”, tôi cũng nghe xung quanh những tiếng cười vui thích gọi tên một địa chỉ nào đó xuất hiện trong phim. Những hàng cây long não, nhà thờ Phủ Cam, đường phượng bay, chùa Thiên Mụ... Cảnh quan kiến trúc Huế hiện lên thật mơ màng, cổ xưa, lãng mạn. Huế đúng là một kho tàng phim trường cho nhiều thể loại phim.

“Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa” - quê quán Trịnh Công Sơn là làng Minh Hương (Hương Vinh - Hương Trà), nay thuộc thành phố Huế, nhưng Trịnh Công Sơn lại được sinh ra ở Buôn Ma Thuột. Trong cuộc đời của mình, Trịnh Công Sơn sống ở nhiều nơi: Huế, Sài Gòn, học sư phạm ở Quy Nhơn, đi dạy ở B’lao (Lâm Đồng), cuối cùng sống ở Sài Gòn. Huế với Trịnh Công Sơn, Trịnh Công Sơn với Huế sâu nặng như thế nào, tất cả đã thể hiện trong những lời tự sự của ông, trong sách cũng như trong âm nhạc. Riêng tôi, xem “Em và Trịnh” tôi thật sự xúc động giai đoạn Trịnh Công Sơn đi dạy học ở B’lao tháng 8/1964, được bổ nhiệm làm trưởng giáo ở Trường sơ học Bảo An. Ở nơi đồi heo gió hút này ghi dấu ba “duyên lành” trong cuộc đời Trịnh Công Sơn. Ông viết nhiều bài hát quan trọng trong sự nghiệp của mình như: Chiều một mình qua phố, Vết lăn trầm, Lời buồn thánh, Gia tài của mẹ, Đàn bò vào thành phố, Người già em bé, Người con gái Việt Nam da vàng...; gặp ca sĩ Khánh Ly và viết 108 bức thư gửi cho Ngô Vũ Dao Ánh.

B’lao quả là một địa chỉ, một mốc thời gian có ý nghĩa trong cuộc đời của Trịnh Công Sơn. Những bối cảnh trường, lớp, gương mặt học sinh được dựng lại trong trường đoạn này thật sự làm người xem xúc động. Nó thỏa mãn được ao ước của những người yêu mến Trịnh Công Sơn - mà chưa thấy được B’lao như tôi - là được thấy tận mắt vùng đất Trịnh Công Sơn sống và làm việc trong vai trò một thầy giáo, một viên chức hưởng lương Nhà nước, “có việc làm” như cách chúng ta hiểu bây giờ. Từ B’lao cũng cho khán giả hiểu thêm về trái tim đa cảm của Trịnh Công Sơn, về tình bạn, tình tri kỷ cũng là tình thầy - trò của Trịnh Công Sơn với Khánh Ly. Từ thư tình gửi Dao Ánh của Trịnh Công Sơn cũng xem như thêm một lời giải mật mã những thành công của người nghệ sĩ nói chung, rằng họ phải lấy chính trái tim mình, tình yêu của mình để kể câu chuyện nhân gian.

120 phút cho cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của một con người tài hoa như Trịnh Công Sơn, quả thật không dễ làm hài lòng hết tất cả người xem, đặc biệt với những người lớn lớn tuổi, đã yêu Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông từ thuở nhỏ. Có lẽ xin được nhắc lại, người Huế cũng vì yêu mà kỹ tính thôi nhưng rất hiểu chuyện, Trịnh Công Sơn thông minh, tài hoa, lãng mạn và nhân hậu như từ trong trứng đã trở thành tính cách (mà lại đậm chất Huế) nên càng khó cho nhân vật đóng vai Trịnh Công Sơn lúc trẻ và tuổi trung niên. Phim có nhiều điểm cộng nổi bật như nhà sản xuất phim, đạo diễn tôn trọng không gian, thời gian trong dựng bối cảnh, lựa chọn diễn viên, tâm huyết và trách nhiệm với nghề của từng diễn viên trong vai diễn của mình, sự chăm chút của tác giả kịch bản cho từng câu thoại... người xem nhận ra tất cả trong từng nỗ lực, dù là rất nhỏ.

Những nhà phê bình điện ảnh chắc sẽ có những nhận xét chuyên môn sâu hơn, với riêng tôi, vì muốn “đi đến cùng” nên đã xem cả hai phim “Em và Trịnh” và “Trịnh Công Sơn”, bỗng ngạc nhiên, sao có thể chia thành hai phim như rứa hè?

Bài: XUÂN AN - Ảnh: TL

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các trường hợp miễn, giảm giá vé xem phim tại rạp
Các trường hợp miễn, giảm giá vé xem phim tại rạp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 131/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, trong đó quy định khung giờ chiếu phim Việt Nam, phim cho trẻ em, các trường hợp miễn, giảm giá vé xem phim tại rạp.

Sôi động cùng World Cup
Sôi động cùng World Cup

Người đam mê môn thể thao vua tranh thủ thức khuya dậy sớm, các quán cà phê hay nhà hàng trên địa bàn TP. Huế thì bố trí nhiều màn hình lớn để phục vụ khách xem World Cup. Cứ thế, không khí cổ vũ bóng đá đỉnh cao 4 năm mới diễn ra một lần trở nên sôi động.

Ấn tượng với cảnh quay về Huế trong “Em và Trịnh”
Ấn tượng với cảnh quay về Huế trong “Em và Trịnh”

Dù có nhiều ý kiến tranh cãi nhưng trong phim “Em và Trịnh”, âm nhạc và hình ảnh là những điểm sáng được nhiều khán giả khen ngợi. Mỗi bối cảnh đều đẹp, công phu và đầy chất thơ. Những cảnh quay về Huế trong phim cũng nhận được sự quan tâm, yêu thích của khán giả.

Đoàn phim “Em và Trịnh” giao lưu với khán giả Huế
Đoàn phim “Em và Trịnh” giao lưu với khán giả Huế

Tối 18/6, đoàn làm phim “Em và Trịnh” đã đến Huế giao lưu với khán giả tại các rạp phim Lotte cinema, BHD Star và Cinestar. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã đến thưởng thức bộ phim tại rạp Cinestar.