Thứ Sáu, 16/11/2018 15:46

Xóm nhậu

Nếu biết xóm này nát rượu thế thì trước kia em đã chẳng mua đất về đây.

Nụ cười của chaCơn bão đã qua

- Nếu biết xóm này nát rượu thế thì trước kia em đã chẳng mua đất về đây.

Hoài càu nhàu quăng chiếc điện thoại xuống xe hoa quả. Móc từ túi tờ hai trăm nghìn dúi cho chồng, chị vẫn còn lẩm bẩm: “Buôn bán cả ngày chẳng đủ tiền đi ăn nhậu”. Trời mưa, hàng hóa ế ấm. Hoài ngồi co ro, đếm từng lượt xe lao đi vùn vụt trên đường. Thuần vừa giục về nhưng chị phải đợi cố đến giờ công nhân tan làm, may ra còn bán được ít hàng. Chứ về giờ này ngồi nhịn lũ bợm nhậu trong xóm bàn chuyện ăn uống chỉ khiến Hoài thêm bực mình. Từ lúc chuyển về đây, Hoài không nhớ có bao nhiêu cuộc nhậu một năm. Nhiều khi Hoài muốn phát khùng.

Vợ chồng Hoài cóp nhặt mãi mới mua được mảnh đất. Làm nhà xong còn công nợ khá nhiều. Thuần làm công nhân lương ba cọc ba đồng. Hoài thì buôn bán hôm được hôm không. Hai đứa con còn nhỏ, bố mẹ hai bên đều đã già yếu nên cuộc sống trăm khoản chi tiêu. Chẳng như hầu hết gia đình trong xóm, ai cũng khá giả lại chẳng phải gánh nặng nội ngoại hai bên. Khổ nỗi nếu nhà Hoài không tham dự những cuộc tụ tập ăn uống thì bị nói không chịu hòa đồng. Thuần vốn là người không thích rượu bia, ấy vậy mà từ lúc chuyển về đây không mấy ngày tỉnh táo. Vợ chồng cũng vì thế mà đá thúng đụng nia.

Đời Hoài từng khổ vì rượu nhiều rồi. Bốn tuổi bố đã bắt cầm chai đi mua chịu rượu. Mười tuổi xách bao sắn khô còn nặng hơn mình đi ra quán bà Ơn đổi rượu về cho bố. Có những trưa đội nắng ngoài đồng bắt được vài con cua, về chưa kịp nấu canh đã bị bố bắt rang lên làm mồi nhắm. Với bố, bạn rượu là tri kỷ, vợ con chẳng là gì. Nên lúc nghe tiếng mẹ lu loa ầm ĩ vì tiếc túi lạc giống bị mang đi nhậu, thì bố sẵn sàng cho vài cái bạt tai. Những vết hằn trên da thịt mẹ đã mất đi. Nhưng vết hằn trong tâm trí Hoài còn mãi. Giờ nhìn Thuần như thế, chị thấy đời sống sao quá đỗi quẩn quanh.

- Anh mà còn rượu bia thì đừng có trách em.

- Mình còn sống cả đời ở đây, phải có xóm giềng. Các cụ có câu: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

- Anh sống với vợ con hay với xóm giềng? Chính vì sống cả đời ở đây nên càng không được thỏa hiệp với thói hư tật xấu.

Thuần nằm vật ra nhà ngáy như sấm, phả ra mùi hơi rượu nồng nặc cả căn phòng. Đứa con gái năm tuổi ghé tai Hoài bảo:

- Bố thở say cả muỗi mẹ ạ.

Hoài mở toang các cửa, cảm giác bức bí sắp căng cứng lồng ngực. Đã có lúc chị nghĩ hay là bán quách nhà đi mua nơi khác mà sống. Hoài không muốn con mình phải lớn lên trong môi trường toàn những gã say. Không muốn đến một ngày nào rượu biến cuộc hôn nhân này thành bi kịch. Còn nhớ lúc bé Hoài thường theo mẹ ra ao làng giặt áo. Lúc ngồi vắt vẻo trên thành ao Hoài nghe thấy những người đàn bà chân vẫn còn lấm bùn bàn nhau cách trị chồng say. Bàn nhau mẹo cai rượu cho chồng. Trăm phương nghìn kế vẫn chẳng ăn thua. Lúa trong bồ vơi dần. Gà trống gà mái thỉnh thoảng lại mất một con. Mấy đồng tiền mừng tuổi của con bỏ trong lỗ hổng cột nhà cũng không cánh mà bay. Tiền bán sắn khô còn chưa kịp đóng học cho con cũng chui tọt vào mồm những gã đàn ông phàm ăn tục uống. Mỗi lần đi làm về qua cổng làng là các bà vợ lại bị chủ quán tạp hóa gọi vào đòi nợ. Hồi ấy tụi Hoài hay bưng bát cơm đi ăn rong. Vừa ăn vừa hóng theo bà vợ nào đó vác đòn gánh rượt chồng say. Cũng có khi chạy theo lượm từng lọn tóc đàn bà bị ông chồng say vừa lôi đi vừa cầm kéo cắt. Lại có khi sân nhà mình thành sân khấu ngoài trời cho cả xóm ghé xem. Mâm vừa dọn ra, chị em Hoài còn chưa kịp đưa cơm lên miệng thì tất cả đã vỡ nát ngoài sân. Bố hỏi “rượu tao đâu? Cơm mà không có rượu thì gọi gì là cơm?”. Mẹ ra hớt lại ít cơm trộn sắn phía trên, nhặt những mảnh bát vỡ vương vãi đầy sân. Mảnh bát cứa vào tay bật máu. Có biết bao người đàn bà không phải đang sống với chồng mà sống chung bợm rượu? Hôm viết đơn ly hôn mẹ Hoài từng nói: “Đàn bà đâu phải là con ngựa thồ gã say qua hết đỉnh núi này đến đỉnh núi khác về nhà”.

Nửa đêm, Hoài đang nằm ngủ mê man thì nghe thấy tiếng ầm ĩ bên ngoài. Mở cửa sổ ra thấy điện nhà hàng xóm bật, đông người xúm xít kêu gào. Hoài lay chồng dậy, mở cửa lao sang nhà hàng xóm đúng lúc người ta bế Hào lên ô tô chở đi cấp cứu. Vợ Hào gào khóc lao theo, trên người vẫn mặc bộ đồ ngủ mỏng tanh, nhàu nhĩ.

- Uống cho lắm vào. Chỉ khổ vợ khổ con.

- Liệu có cứu được không bà nhỉ?

- Đã hôn mê, tay chân lạnh ngắt rồi. Chẳng biết có qua khỏi hay không.

Hoài ôm đứa nhỏ con Hào vào lòng cố dỗ dành cho nó nín khóc. Con bé vẫn còn chưa cai sữa, nửa đêm không có hơi mẹ ở bên nên kêu khóc quá chừng. Hoài nhìn quanh ngôi nhà của người đàn bà khác. Thấy mình đâu đó trong chiếc bình hoa đã héo khô. Trong đôi giày cao gót vứt ở xó nhà bám đầy bụi bặm. Trong đống đồ chơi, tã bỉm còn vương vãi khắp nhà chưa có thời gian dọn dẹp. Trong đống bát đĩa ăn xong còn chưa kịp rửa. Hóa ra chị ấy sống cũng chẳng dễ dàng như Hoài từng nghĩ. Mà thật ra làm gì có người đàn bà nào được sống thảnh thơi bên cạnh một ông chồng nghiện rượu. Thuần có lẽ đã tỉnh cơn say lặng lẽ lại ngồi gần vợ. Hoài hỏi sẽ thế nào nếu Hào không bao giờ tỉnh lại? Bọn trẻ còn quá nhỏ sẽ lớn lên thế nào khi thiếu đi tình yêu thương của bố? Vợ Hào sẽ phải chèo chống ra sao để nuôi nấng các con khôn lớn nên người? Câu hỏi ấy khiến Thuần cay sống mũi. Anh ân hận vì tối qua mình là người tự tay rót rượu cho Hào. Tự tay cầm ly ép Hào phải uống cạn “long đen”. Tụi Thuần có hàng trăm lý do để ép nhau phải uống. Đến muộn, phạt. Uống không hết mình, phạt. Vợ gọi mà nghe máy, phạt. Những lúc chén chú chén anh tụi Thuần đâu có nghĩ được gì. Nếu hôm nay Hào không thể tỉnh lại thì Thuần cũng chẳng khác gì một kẻ tội đồ.

Thuần như đang ngồi trên đống lửa. Ruột gan nóng ran chỉ trông chờ tin tức từ người nhà của Hào từ viện gọi về. Cả xóm không một ai ngủ được. Lẫn đâu đó trong tiếng ếch nhái kêu râm ran ngoài đồng là tiếng thở dài nhấp nhổm không yên. Tiếng bà vợ nào đó chì chiết, trách móc chồng. Họ bảo nhau: “Sau lần này thì chừa. Giải tán ngay cái xóm nhậu này đi”. Không có ông chồng nào bật lại. Hẳn lòng họ cũng đang thấy ân hận như Thuần. Nếu hôm nay người vào viện không phải Hào mà là bất cứ ai đó trong số họ thì sao? Dễ lắm chứ, khi mỗi ngày có biết bao vụ tai nạn tử vong vì nồng độ cồn. Có biết bao người bị ung thư cũng vì uống quá nhiều bia rượu. Lúc ngồi cùng nhau thì hết lòng cạn chén. Lúc xảy ra cơ sự thì anh em bạn nhậu cũng chẳng giúp được gì. Như Thuần lúc này, dẫu lo lắng cho Hào cũng không biết làm sao ngoài chờ đợi. Năm giờ sáng vợ Hào điện về nhà. Mọi người thở phào nói với nhau: “Bị ngộ độc rượu may mà đưa vào viện kịp thời. Qua cơn nguy kịch rồi, chắc sẽ ổn thôi. Đấy! Các ông nhìn đấy mà biết sợ”.

Nhà Hào neo người, bố mẹ hai bên đều ở xa. Nên cả xóm bảo nhau phân chia công việc giúp Hào. Người trông nom nhà cửa, người đưa đứa lớn đi học, đón đứa nhỏ về chăm. Thuần trở về nhà ngó chiếc xe hàng đầy cóc, ổi, cam sành của vợ đã héo queo mà lòng chùng xuống. Lâu nay cứ sau giờ làm là hết người này đến người kia gọi nhậu nên Thuần chẳng phụ giúp được Hoài. Lâu rồi cũng không biết Hoài xoay xở thế nào với từng ấy các khoản chi tiêu, nợ nần. Lâu rồi Thuần không được tỉnh táo thế này để nhận thấy cơ thể mình đang dần suy nhược vì men rượu. Nhà yên ắng quá, các con còn chưa dậy. Không khí của buổi sáng đầu hạ trong lành quá. Thuần bảo vợ:

- Để anh đưa tụi nhỏ đi học rồi về đẩy xe hàng ra chợ cho em. Chiều tan làm anh vào viện thăm Hào một lúc. Từ giờ chắc là anh bỏ rượu. Nhỡ có thế nào…

Hoài bước nhẹ vào căn bếp nhỏ. Chỉ một chốc mùi xào nấu thức ăn khiến bụng dạ cồn cào. Hạnh phúc bình yên này tồn tại mỗi ngày nhưng thật ra quá đỗi mong manh. Mạnh khỏe để được tất bật, ríu rít mỗi sớm mai đã là ân huệ. Thuần còn mải suy nghĩ miên man thì Hoài nói vọng ra:

- Anh lên gọi các con dậy ăn sáng không muộn học.

BÙI MAI

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cây cầu ký ức
Cây cầu ký ức

Đôi khi nó lại hiện ra trong giấc mơ. Làn nước tận đáy xanh rong rêu, bầy cá bống lượn vòng tụ lại rồi tản ra. Vài ngọn bông bèo dập dờn, mưa đêm còn đọng trên lá.

Thằng Cứng
Thằng Cứng

Nhớ hồi tôi mới gặp thằng nhỏ cũng là lúc đương độ dịp tết. Phố thị không thiếu những đứa bé trạc tuổi nó cùng gia đình bươn chải, mưu sinh.

Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội
Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội

Tan giờ làm, mấy chị em rủ nhau đi ăn vặt, nạp thêm tý năng lượng cho cái bụng đói cồn cào, đang réo òng ọc. Loanh quanh một hồi cả nhóm ghé vào quán “bèo, nậm, lọc” nằm ở một góc đường Nguyễn Trãi (Huế), dưới tán cây xanh mát bên trong nội thành.

Chị tôi
Chị tôi

Chị tôi 63 tuổi, tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế). Tâm hồn thi vị và cuộc sống nhẹ nhàng.