Thứ Sáu, 01/05/2020 06:45

Xuất khẩu lao động không đơn thuần để thoát nghèo

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở những môi trường làm việc tốt không những giúp người lao động (NLĐ) tích lũy vốn mà còn cả kinh nghiệm, kiến thức sống để lập thân, lập nghiệp.

Gần 500 người tham gia chương trình tư vấn, hỗ trợ người lao động đi làm việc tại NhậtSôi động thị trường xuất khẩu lao độngKhơi thông kênh xuất khẩu lao động

Thanh niên Hương Thủy quan tâm đến chương trình xuất khẩu lao động tại Nhật

Một trong những cơ hội thoát nghèo bền vững

Trong 9 tháng năm 2022, TX. Hương Thủy có 136 lao động đi XKLĐ, trong đó chủ yếu ở thị trường Nhật Bản với 120 lao động. Theo ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, đây là con số khá ấn tượng, cho thấy những nỗ lực của Hương Thủy trong công tác thúc đẩy XKLĐ trên địa bàn thời gian qua.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy cho biết, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Riêng với Hương Thủy, con số trên vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng khi NLĐ thất nghiệp hay có việc làm nhưng thu nhập thấp trên địa bàn thị xã vẫn còn nhiều.

Theo thống kê, dân số của Hương Thủy khoảng 103.167 người. Trong đó, số người trong độ tuổi lao động 64.641 người và có 52.066 người trong độ tuổi lao động có việc làm, tham gia các hoạt động kinh tế. Như vậy, hiện có khoảng 12.575 người không có việc làm và không tham gia các hoạt động kinh tế.

Nguyên nhân chủ yếu do một số lao động chưa ý thức, định hướng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thoát nghèo, tiến đến làm giàu, qua đó, góp sức vào công cuộc giảm nghèo mà Hương Thủy đang tập trung triển khai nhiều năm qua. Ngoài ra, hạn chế trong công tác tuyên truyền, vận động, đưa thông tin đến NLĐ cũng là một nguyên nhân.

Từng bước giải quyết việc làm cho NLĐ, đầu năm 2022, TX. Hương Thủy đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo các xã, phường rà soát nhu cầu về việc làm, học nghề, XKLĐ đối với lao động chưa có việc làm và việc làm không ổn định, đồng thời, tổ chức một số Ngày hội việc làm. Tiếp đó, đầu tháng 10, TX. Hương Thủy phối hợp với Sở Lao động, Thương binh & Xã hội và Công ty Đầu tư hợp tác quốc tế Daystar (Công ty Daystar) tổ chức hội nghị đưa lao động đi làm việc ở Nhật Bản theo hợp đồng gắn với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Văn Choi, Tổng Giám đốc Công ty Daystar cho biết, XKLĐ là lĩnh vực luôn được Nhà nước cực kỳ quan tâm. Tại chương trình này, những người có hộ khẩu ở Huế nếu đăng ký đi XKLĐ sẽ được Ngân hàng CSXH hỗ trợ cho vay 80 triệu đồng không cần thế chấp. Có thể nói, đây là một động thái kích cầu, phá vỡ rào cản về hạn chế tài chính của NLĐ.

“Nếu tổng chi phí đi XKLĐ vượt quá 80 triệu đồng, Công ty Daystar sẽ hỗ trợ những người có hộ khẩu ở Hương Thủy vay thêm và qua Nhật Bản làm để trả dần. Ngoài ra, trong thời gian học nghề trước khi đi XKLĐ, Công ty Daystar sẽ hỗ trợ ăn, ở cho NLĐ tối đa 8 tháng trước khi xuất cảnh”, ông Choi thông tin thêm.

Không chỉ tích lũy vốn

Chị Ngô Thị Quỳnh Như (P. Thủy Dương) chia sẻ: “Tôi từng tham gia một số hội nghị tư vấn về XKLĐ. Tại hội nghị này, tôi thấy đi XKLĐ tại Nhật ngoài những ưu đãi trong hỗ trợ đào tạo, cho vay vốn, thì với hợp đồng làm việc từ 3-5 năm, chỉ sau thời gian không quá dài, bản thân sẽ tích lũy được một số vốn kha khá để đầu tư cho tương lai”. Tương tự, anh Nguyễn Đình Thanh Thiên (xã Thủy Tân) cho hay, hội nghị đã mở ra hướng đi giúp tôi tràn đầy cơ hội tìm được một công việc thu nhập cao, có thể phụ giúp gia đình và vốn để khởi nghiệp.

Nhận định của chị Quỳnh, anh Thiên và những người đăng ký đi XKLĐ sau khi tham dự hội nghị nói trên không phải không có cơ sở khi mà họ nhận được những chia sẻ từ người đi trước.

“Tôi đi XKLĐ tại Nhật Bản từ năm 2019-2022, công việc là xây dựng tổng hợp. Trừ mọi chi phí, mỗi tháng dư 18-20 triệu đồng, có thể gửi về phụ giúp gia đình và tích lũy cho bản thân. Với thu nhập tốt như vậy nên tôi vừa đăng ký gia hạn thêm 2 năm để tiếp tục sang Nhật Bản làm việc. Môi trường làm việc và cuộc sống bên đó không chỉ giúp tôi tích lũy vốn mà còn cả kiến thức, kinh nghiệm sống để bản thân phát triển trong tương lai”, anh Nguyễn Văn Anh (tổ 4, P. Thủy Phương) cho hay.

Theo ông Hồ Dần, với tiềm năng còn nhiều nguồn đi XKLĐ (Hương Thủy hiện còn 481 hộ nghèo, 696 hộ cận nghèo và 840 NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp và nhiều lao động thu nhập thấp, không ổn định), thời gian tới, ngoài chỉ đạo UBND các xã, phường thường xuyên cập nhật, rà soát người lao động trên địa bàn, Hương Thủy tiếp tục căn cứ vào chính sách, chỉ đạo của tỉnh và điều kiện thực tế địa phương để có hỗ trợ NLĐ trên địa bàn đi XKLĐ; phối hợp ngân hàng CSXH, các công ty… đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn giúp NLĐ nắm bắt những chế độ, chính sách và tổ chức các diễn đàn, hội nghị, tư vấn…, qua đó giúp NLĐ dễ dàng tiếp cận thông tin liên quan đến XKLĐ.

Bài, ảnh: Đăng Đoàn

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ thanh niên miền núi thoát nghèo
Hỗ trợ thanh niên miền núi thoát nghèo

Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp và giảm nghèo bền vững (GNBV) là mục tiêu Huyện đoàn A Lưới hướng đến, nhằm thực hiện Nghị quyết số 11 của Huyện ủy A Lưới về GNBV giai đoạn 2022 - 2025.

Hồng Bắc vươn lên thoát nghèo
Hồng Bắc vươn lên thoát nghèo

Hồng Bắc là một trong những xã biên giới của huyện A Lưới. Tuy vẫn còn những khó khăn, nhưng nhờ nỗ lực cố gắng, đời sống người dân nơi đây không ngừng nâng lên; bộ mặt nông thôn mới của xã ngày càng khởi sắc.

Tư vấn việc làm cho lao động đi làm việc nước ngoài
Tư vấn việc làm cho lao động đi làm việc nước ngoài

Ngày 23/12, Thị đoàn Hương Trà phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức Hội nghị tư vấn, tuyên truyền chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho thanh niên; với sự tham gia của 120 đoàn viên, thanh niên và người lao động trên địa bàn thị xã Hương Trà.

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) ưu đãi nói chung và các chương trình tín dụng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi nói riêng đã góp phần đồng hành cùng A Lưới trong giảm nghèo bền vững (GNBV).