Thứ Ba, 02/04/2019 06:30

Xúc tiến đầu tư trực tuyến, hạn chế đứt gãy thu hút đầu tư

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến “Nhân dân” huy động các tổ chức chính trị - xã hội, sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) và người dân tham gia vận động, xúc tiến các nguồn lực là một trong những giải pháp đang được tỉnh quan tâm nhằm tạo bước tiến trong xúc tiến đầu tư.

Rộng cửa đón nhà đầu tư Hàn QuốcThêm cơ hội thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã hạn chế số lượng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường và đăng ký đầu tư tại địa bàn. Giãn cách xã hội cũng dẫn đến khó khăn trong việc khảo sát, đánh giá cơ hội và triển khai các công việc có liên quan đến dự án (DA). Theo đó, nguồn vốn đầu tư cũng bị ảnh hưởng khá nhiều.

Khó khăn, vướng mắt lớn nhất trong quá trình xúc tiến đầu tư, thưa ông?

Thời gian vừa qua là tính sẵn sàng và đồng bộ chưa cao về các vấn đề liên quan đến quy hoạch (QH) đối với các vị trí kêu gọi đầu tư, cụ thể như: QH sử dụng đất, QH xây dựng, QH 3 loại rừng... Một khu đất bị điều chỉnh bởi các QH khác nhau, tuy nhiên, các QH này lại không thống nhất về mục đích sử dụng, chỉ tiêu QH. Để đảm bảo các DA sẵn sàng kêu gọi về đầu tư, khu đất phải phù hợp QH xây dựng và QH sử dụng đất, yêu cầu phải tổ chức thực hiện khảo sát, lập mới/điều chỉnh các QH liên quan. Tuy nhiên, vấn đề tham mưu, phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương chưa thống nhất làm quá trình nghiên cứu đầu tư DA kéo dài, mất cơ hội kêu gọi đầu tư của tỉnh.

QH xây dựng chưa sẵn sàng, nhiều khu vực kêu gọi đầu tư chưa có QH xây dựng gây khó khăn, kéo dài ảnh hưởng tiến độ cấp phép đầu tư.

Việc chỉ ra những khó khăn trên sẽ là cơ sở để khắc phục những vướng mắt nội tại, vậy tỉnh đã đưa ra những giải pháp nào nhằm sớm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư?

Hiện nay, căn cứ danh mục DA được chấp thuận chủ trương đầu tư, định kỳ sáu tháng sẽ tiến hành cập nhật danh mục các DA thu hút đầu tư, ưu tiên kêu gọi tập trung vào các địa bàn: Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, các khu công nghiệp, khu đô thị mới An Vân Dương, địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các huyện Phú Lộc, Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền, Nam Đông, A Lưới.

Xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc vào đầu tư tại Huế (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Các lĩnh vực được ưu tiên xúc tiến bao gồm: Y tế, giáo dục, công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp, du lịch, dịch vụ du lịch, bất động sản; hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan, công nghiệp sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác trong chuỗi giá trị của khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương.

Ông có thể cho biết, đâu là giải pháp nhằm đồng bộ quy hoạch?

Tỉnh đang tiến hành xác định diện tích, quy mô, hiện trạng, QH và các vấn đề liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc trình chấp thuận chủ trương đầu tư các DA trọng điểm. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ trực tuyến các DA kêu gọi đầu tư trên toàn tỉnh giúp cho các nhà đầu tư tiếp cận thông tin và địa điểm các DA kêu gọi đầu tư một cách thuận tiện và dễ dàng.

Tổ chức lập QH phân khu toàn tỉnh, ưu tiên các khu vực có tiềm năng phát triển làm cơ sở kêu gọi đầu tư, công bố công khai các đồ án QH phân khu trên các phương tiện truyền thông.... Thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các cơ chế, chính sách, QH ngành, lĩnh vực các DA ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh trên các trang thông tin để phục vụ các DN, nhà đầu tư chủ động tìm hiểu, nắm bắt cơ hội đầu tư...

Theo ông, xúc tiến đầu tư trực tuyến có phải là giải pháp quan trọng hạn chế đứt gãy trong vấn đề thu hút đầu tư?

Đúng vậy. Để đảm bảo công tác xúc tiến đầu tư không bị gián đoạn, Thừa Thiên Huế đã sẵn sàng các dữ liệu số, mở rộng các kênh đối ngoại, hợp tác trong và ngoài nước nhằm tăng cường kêu gọi đầu tư cả với hình thức trực tiếp lẫn hình thức trực tuyến; trong đó ưu tiên chú trọng hình thức trực tuyến. Nhờ đó, dù tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng thu hút đầu tư vẫn đạt được những kết quả khả quan.

Ông có thể thông tin một số kết quả trong công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua?

Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp phép cho 24 DA, với tổng vốn đầu tư 13.319,3 tỷ đồng (trong đó khu kinh tế, công nghiệp cấp 6 DA, với vốn đăng ký 3.238,6 tỷ đồng) và cấp điều chỉnh 16 DA, vốn đầu tư tăng thêm 293,6 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư lớn khác đang nghiên cứu đầu tư vào địa bàn tỉnh trong lĩnh vực đô thị, du lịch, thương mại như Công ty CP Hàng hải Vsico, Công ty CP Vicofrit, Công ty CP ICID Chân Mây (thuộc Tổng Công ty Xây dựng đường thủy), Công ty CP Đầu tư Hạ tầng khu công nghiệp Bảo Minh, Công ty CP quản lý bất động sản CONASI, Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản Cotana Capital…

Ước thực hiện năm 2021 sẽ chấp thuận được khoảng 25 DA, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 15.000 tỷ đồng.

Những bước đi tiếp theo mà Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện nhằm triển khai có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 là gì, thưa ông?

Hiện, tỉnh đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến “Nhân dân” huy động các tổ chức chính trị - xã hội, sở, ban, ngành, địa phương, DN và người dân tham gia công tác vận động, xúc tiến các nguồn lực phát triển địa phương. Thông qua các đối tác, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài của tỉnh Thiên Huế để tham gia xúc tiến, vận động cộng đồng DN đầu tư mới hoặc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao tính sẵn sàng trong kêu gọi đầu tư, tỉnh đang xây dựng cơ sở dữ liệu QH, thông tin kinh tế - xã hội, chuẩn bị các đề xuất DA trình phê duyệt trước khi công bố kêu gọi đầu tư. Đồng thời, tiến hành xúc tiến đầu tư trực tuyến thay cho phương pháp tổ chức xúc tiến đầu tư trực tiếp như trước kia, đặc biệt tập trung xúc tiến vào thị trường trọng điểm, DA trọng điểm.

Các chiến lược truyền thông cụ thể cho từng DA mang tính đặc thù cũng được xây dựng. Xây dựng và hình thành nên mạng lưới các chuyên gia, báo chí để hỗ trợ tỉnh phản biện các vấn đề thời sự liên quan các DA đầu tư trên địa bàn nhằm đảm bảo cung cấp thông tin trung thực, chính thống nhất đến công luận; tránh dư luận xấu, xuyên tạc về môi trường đầu tư của tỉnh.

Tỉnh cũng đưa vào vận hành phần mềm quản lý DA, với mục đích giúp nhà đầu tư theo dõi các DA được phê duyệt chủ trương đầu tư, các DA kêu gọi đầu tư và theo dõi tiến độ DA. Thông qua phần mềm, nhà đầu tư có thể trao đổi, kết nối với các đơn vị chuyên môn để được hỗ trợ và phản ánh những vướng mắc nhằm tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ cấp phép và thực hiện DA.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Loan (thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển
Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết, sóng lớn cộng triều cường đã làm đường bờ biển trên địa bàn tỉnh sạt lở nhiều nơi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ nhiều năm nay, bằng các nguồn vốn khác nhau, chỉ mới đầu tư xây dựng kè khoảng 50% trên chiều dài bờ biển bị sạt lở.

Xúc tiến mở các đường bay nội địa và quốc tế thu hút du khách đến Huế
Xúc tiến mở các đường bay nội địa và quốc tế thu hút du khách đến Huế

Năm 2023, du lịch Thừa Thiên Huế phấn đấu đón khoảng 3 - 3,5 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 70 - 80%; tổng doanh thu khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng. Với những tiềm năng về du lịch thì việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ là điều quan trọng nhất. Trong đó đáng chú ý là việc xúc tiến mở đường bay nội địa, quốc tế sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho ngành du lịch phát triển.