Trên trang facebook cá nhân của mình, Ngô Thanh Vân (nhà sản xuất) thể hiện dù khá bực tức nhưng vẫn không muốn người phát tán bộ phim chịu hình phạt khắc khe như phía công an thông báo. Cô viết: “Ngành công nghiệp điện ảnh Việt đã tha thứ, cảnh cáo và giáo dục rất nhiều lần nhưng không đem lại một hiệu quả nào rõ rệt. Giống như chúng ta đang nhắm mắt làm ngơ cho những việc xấu tưởng chừng là nhỏ, để rồi tất cả đều hại nhau”.
Ngô Thanh Vân chỉ biết xin ý kiến của cộng đồng, hoặc sử dụng biện pháp pháp lý, xử lý theo khung hình phạt đã quy định để thiết lập một tiền lệ nên có; hoặc xử lý theo hướng cảnh cáo, có tính răn đe. Nhiều bình luận đề nghị theo luật, nhiều người tỏ ra thương cảm, xin cô một lần vị tha. Thật khó xử!
Trước đó, nhiều bộ phim Việt cũng là nạn nhân của việc xâm hại bản quyền như Bụi đời chợ lớn, Tấm Cám - chuyện chưa kể, Vòng eo 56... vừa ra rạp đã liên tục bị livestream trên facebook khiến nhà sản xuất đau đầu. Một người trong nghề đã chia sẻ với người viết, rằng không thể chấp nhận được hành động như vậy. Hành động ấy vô tình như một cái tát vào mặt người làm phim. “Thật buồn - người này nói - và cảm thấy bị xúc phạm”. Như vậy là phạm luật, và xa hơn gây ra hậu quả tiêu cực cho cả nền điện ảnh nước nhà, để rồi, chính họ - những khán giả - cũng bị ảnh hưởng.
Tôi từng đi xem phim rạp ở Huế, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội. Một thực tế cho thấy, việc quản lý các rạp phim rất thoải mái. Cũng không trách được, làm sao cấm người xem mang điện thoại vào bên trong, có chăng chỉ là nhắc nên để chế độ im lặng trong lúc xem phim. Thế rồi, thi thoảng, giữa những hàng ghế ngồi ấy, vẫn có người âm thầm lấy điện thoại ra để... quay và phát lên mạng. Tôi thấy, người trẻ vẫn chiếm số đông, dù rằng những người này không ít lần bị nhân viên rạp phim nhắc nhở: “cất điện thoại đi anh/chị ơi”, “xin đừng quay và phát trực tuyến, sẽ bị xử phạt”... và họ chỉ bỏ ngoài tai.
Việc làm như vậy không chỉ khiến nhà sản xuất thất thu đi một lượt xem, mất đi một vé mà là mất đi hàng ngàn lượt xem, lượt mua vé dựa theo lượt chia sẻ và con số người xem xuất hiện trên màn hình điện thoại. Mà theo luật, nhà sản xuất có thể khởi kiện và yêu cầu đền bù với những thiệt hại do bị xâm phạm bản quyền.
Nhiều trường hợp livestream ở rạp chiếu phim đã bị lên tiếng, nhưng vẫn chưa có vụ kiện nào được đưa ra. Vẫn biết, bảo vệ bản quyền bằng pháp luật là điều cần phải làm để siết chặt quản lý, nhưng hơn hết việc nâng cao ý thức cho khán giả xem phim về vấn đề bản quyền mới là quan trọng.
NHẬT MINH