Thứ Năm, 17/11/2016 14:32

Yên tâm với đội ngũ giáo viên trung học phổ thông

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV), trong đó có GV trung học phổ thông (THPT), là vấn đề đặt ra và cũng là nhiệm vụ xuyên suốt của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Thừa Thiên Huế.

Giáo viên dạy trường chuyên: Chỉ giỏi chuyên môn thôi chưa đủGiảm "độ vênh" cho giáo viên ngoại ngữ

Giờ học ở Trường THPT Nguyễn Trường Tộ

Nhận diện đội ngũ

Nằm ở trung tâm TP. Huế và là một thương hiệu giáo dục hàng đầu của Thừa Thiên Huế, Trường THPT Hai Bà Trưng có 108 GV, trong đó có 40 thạc sĩ, 2 tiến sĩ và 1 nghiên cứu sinh. Chỉ nằm ở “tốp giữa”, nhưng Trường THPT Cao Thắng cũng có đến 17 GV có trình độ thạc sĩ trong số 72 GV hiện có. Trong khi đó, ở vùng xa, gặp khó khăn, Trường THPT Vinh Xuân (Phú Vang) vẫn có đội ngũ GV đáng trân trọng với 18 thạc sĩ trong số 75 cán bộ, giáo viên và 100% cán bộ GV đạt chuẩn. Hay như Trường THPT Tam Giang vẫn đảm bảo tỷ lệ 2,25 GV/lớp theo quy định và 100% đạt chuẩn, trong đó có 15% trên chuẩn. Không nghi ngờ, đó là những con số thống kê đáng mừng.

Thừa Thiên Huế hiện có 37 trường THPT và 1 trường THCS & THPT Hồng Vân. Đa số giáo viên THPT đều có trình độ chuyên môn căn bản, yêu nghề và luôn có ý thức học tập để nâng cao trình độ nhằm đáp ứng cho nhu cầu giáo dục đang ngày càng đổi mới trong hội nhập và phát triển. Thực tế cho thấy, ở nhiều trường THPT trong tỉnh có tình trạng thiếu GV nhưng chỉ cục bộ trong một thời điểm nhất định khi GV trong trường về hưu hoặc nhà trường thiếu GV dạy tiếng Anh khi chuyển từ hệ 7 năm (mỗi tuần 3 tiết) sang hệ 10 năm (mỗi tuần 4 tiết).

Khơi dậy đam mê và sáng tạo

Mới đây, Trường THPT Hương Thủy (TX. Hương Thủy) phát động phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” năm học 2018 - 2019. GV được đánh giá qua tiết thao giảng với những gương mặt tiêu biểu, tạo được không khí sôi nổi và tích cực về phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” trong toàn trường.

Trước đó, Trường THPT Phú Lộc (huyện Phú Lộc) tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi năm học 2018 - 2019. Chuẩn bị chu đáo, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, lựa chọn nội dung bài giảng phù hợp… nhiều tiết dạy thực sự sôi nổi, hấp dẫn, tạo được hứng thú cho cả người học và người dự. Thành công của hội thi đánh dấu sự trưởng thành, thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của đội ngũ GV nhà trường về kiến thức, trình độ chuyên môn và khả năng sư phạm, được xem là cơ sở xây dựng để một nhà trường phát triển bền vững.

Việc tổ chức các phong trào thi đua hay hội thi giỏi rộng khắp ở khắp các trường được xem là cách “giữ lửa”, khơi dậy đam mê sáng tạo và khát vọng cống hiến của đội ngũ GV. Nó cũng được xem là  điều kiện để nhà trường tôn vinh và khẳng định những cống hiến của các GV; qua đó, giúp họ đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao năng lực chuyên môn.

Chú trọng chất lượng

Thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế đã và đang có kế hoạch hợp lý trong tuyển dụng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ GV. Mặt khác, hằng năm, Sở GD & ĐT đều mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên. Bình quân, mỗi năm có khoảng 40 giáo viên trong toàn tỉnh học thạc sĩ.

Cùng với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, mang tính thi đua cao, ngành GD & ĐT  Thừa Thiên Huế đã xây dựng và triển kế hoạch đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ. Theo đó, các trường đều có dự báo riêng về đội ngũ GV trong giảng dạy chương trình mới. Bộ môn nào yếu hay thiếu đều có kế hoạch cho GV đi học và bản thân GV cũng tự sắp xếp đi học để đổi mới. Các trường đều có kế hoạch cho GV bồi dưỡng tại chỗ theo kế hoạch mỗi GV tự đặt ra; sau đó, thành lập hội đồng chấm điểm, gửi lên sở thẩm định cấp giấy công nhận.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng Ngô Đắc Dũng, thực tế ở Trường THPT Cao Thắng (TP. Huế) cho thấy, mỗi năm trường đều cử GV đi học các lớp để nâng cao trình độ do sở tổ chức, nhất là các chương trình tập huấn đổi mới trong thi cử. GV rất muốn đi học nên đăng ký nhiều nhưng chỉ tiêu có hạn. Học thạc sĩ thường phải xét từ quy hoạch, tổ trường, chiến sĩ thi đua đến GV. Để chủ động, nhiều GV được khuyến khích tự bỏ kinh phí để đi học. Bằng cách này, mỗi năm Trường THPT Cao Thắng có từ  4 đến 5 GV theo học, từ các lớp nâng cao liên quan đến công tác giảng dạy đến thạc sĩ.

Nhằm khắc phục bệnh hình thức và quá coi trọng bằng cấp, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế khuyến khích tinh thần tự giác tự học, chủ động nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn của mỗi một GV. Việc đổi mới đánh giá xếp loại cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành GD & ĐT tỉnh quan tâm nhằm khuyến khích những nhà giáo có tâm, tầm và đào thải những người thiếu trách nhiệm, không yêu nghề dẫn tới yếu kém chuyên môn.

Bài, ảnh: HUẾ THU

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022
Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022

Trong bối cảnh thiếu hụt lượng lớn giáo viên, thì cũng có hàng nghìn giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục,... Đây là bài toán “đau đầu” với nhiều địa phương.

Yên tâm gắn bó với doanh nghiệp
Yên tâm gắn bó với doanh nghiệp

Duy trì việc làm ổn định, đảm bảo thu nhập và phúc lợi... nhiều doanh nghiệp tạo niềm tin để công nhân lao động yên tâm gắn bó.

Tiếp thêm động lực để thanh niên yên tâm lên đường nhập ngũ
Tiếp thêm động lực để thanh niên yên tâm lên đường nhập ngũ

Sau tết nguyên đán, 1.250 thanh niên ưu tú trên toàn tỉnh chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) háo hức chuẩn bị cho ngày hội tòng quân. Chính quyền địa phương đã quan tâm thăm hỏi, động viên thân tình, sự vào cuộc kịp thời, chu đáo của các cấp, ngành, đoàn thể, góp phần tiếp thêm động lực, giúp anh em thanh niên sẵn sàng tâm thế gia nhập quân ngũ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.