Thứ Tư, 28/02/2018 06:30

“Yêu thương & cả trách nhiệm của chúng tôi nữa”

Đợt dịch thứ 2 bắt đầu từ tâm dịch Đà Nẵng phức tạp hơn nhiều so với hồi đầu năm. Mặc dù ở thế giữa “gọng kìm” khi 2 địa phương láng giềng là Đà Nẵng và Quảng Trị đã phát dịch, nhưng đến nay Thừa Thiên Huế vẫn chưa xuất hiện bệnh nhân dương tính với COVID-19. Cả hệ thống chính trị đang nỗ lực cao nhất để Thừa Thiên Huế có thể được an toàn, đặc biệt là các y, bác sĩ – những người nơi tuyến đầu chống dịch. Họ vừa trực tiếp tham gia chống dịch vừa đảm bảo điều trị tại các cơ sở y tế, nhiệm vụ nào cũng buộc phải hoàn thành.

Thêm một bệnh nhân COVID-19 điều trị ở Huế khỏi bệnhBệnh nhân số 523 được xuất viện

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: PHAN THÀNH

 

Trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã trải lòng về những trọng trách mà Bệnh viện Trung ương Huế cùng “chia lửa” chống dịch thời gian qua…

Thực hiện mục tiêu kép

Các y, bác sĩ đang nỗ lực cao nhất để phòng chống dịch COVID-19, với thực tế hiện nay, GS có thể phác thảo về “bức tranh” chống dịch tại Bệnh viện Trung ương Huế để bạn đọc, công chúng và người dân được rõ?

Bây giờ, Bệnh viện Trung ương Huế đảm đương hai nhiệm vụ, đó là vừa hỗ trợ cho Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, vừa đảm bảo nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân ở khu vực Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung. Do đó, có nhiều khó khăn trong công tác sàng lọc, cách ly, xét nghiệm. Mặc dù đang điều trị COVID-19 nhưng chúng tôi cũng nỗ lực cao nhất để COVID-19 không lọt vào bệnh viện.

Lấy mẫu xét nghiệm PCR cho người có nguy cơ cao nhiễm COVID-19. Ảnh: THU THỦY

Đợt dịch này tại Đà Nẵng có hơn 500 bệnh nhân dương tính với COVID-19, nếu tính về số lượng thì con số đó cao hơn nhiều lần số bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, nhưng trong giai đoạn đầu, đa số các bệnh nhân nặng được chuyển ra điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Mặt khác, Bệnh viện Trung ương Huế cũng hỗ trợ gián tiếp các bệnh viện bạn điều trị các ca bệnh nặng không mắc COVID-19 từ các bệnh viện này chuyển đến, để họ tập trung chống dịch.

Bệnh viện Trung ương Huế còn thực hiện xét nghiệm COVID-19 hỗ trợ cho các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng...

So với đợt dịch đầu năm, có sự khác biệt gì không? Có khó khăn gì trong công tác điều trị cho bệnh nhân không, thưa GS?

- Đợt dịch đầu năm chỉ tiếp nhận những bệnh nhân nhập cảnh, các bệnh nhân phát hiện mắc dịch từ nước ngoài vào Huế. Phần lớn bệnh nhân không có bệnh nền hoặc bệnh nền tương đối nhẹ nên việc điều trị dễ dàng hơn.

Đợt này, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận bệnh nhân từ các khu vực hồi sức, thận nhân tạo ở Đà Nẵng và các bệnh nhân rất nặng từ nơi khác đến. Nhiều bệnh nhân có bệnh nền nặng nên việc điều trị khó khăn hơn rất nhiều, đòi hỏi phải huy động một số lượng lớn y, bác sĩ giỏi nhất để điều trị.

“Cảm thấy như có lỗi với các bệnh nhân”

Đến lúc này, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều ca tử vong, trong số đó có những trường hợp tử vong tại Huế. GS có thấy sốt ruột không khi điều này không xuất hiện trong đợt dịch trước đó?

- Rất xót xa! Đương nhiên đó là những bệnh nhân rất nặng, mắc các bệnh nền, như suy thận, suy tim, suy đa tạng... nên rất khó cứu chữa. Khi bệnh nhân tử vong thì mọi người cũng rất buồn và tâm niệm là phải luôn luôn cố gắng hết sức để hạn chế số lượng tử vong một cách thấp nhất.

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế giao ban tại Trung tâm Cách ly và điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: BVCC

Nghề của người thầy thuốc luôn chứng kiến bệnh nhân tử vong, nhưng khi bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong, riêng tôi cảm thấy có gì đó tiếc nuối, giá như bệnh nhân được phát hiện, can thiệp sớm hơn, giá như phải làm thêm cái này, cái kia... thì có thể cứu được bệnh nhân, bên cạnh cảm giác tiếc nuối thì tôi cảm thấy như mình có lỗi gì đó với người bệnh.

Bảo vệ sức khỏe cho người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thời điểm hiện nay của các y, bác sĩ, GS có thể chia sẻ về cường độ làm việc cũng như những vất vả của các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế trong thời gian qua?

Toàn bộ thời gian anh em phải ở trong khu chống dịch nên rất vất vả. Khi mặc trên mình bộ đồ bảo hộ thì áp lực rất lớn, bởi vì phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao. Các phòng bệnh tại khu vực cách ly của Bệnh viện Trung ương Huế đều có điều hòa, nhưng vì yêu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 không sử dụng điều hòa nên khi anh em làm việc trong điều kiện như vậy sẽ tăng thêm vất vả, nóng nực... trong mùa hè.

Chính vì vậy, chúng tôi bố trí mỗi ca làm việc trong khu vực điều trị, xét nghiệm COVID-19 kéo dài 6 tiếng (trước kia 8 tiếng) để làm giảm áp lực cho đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế, ngoài ra chúng tôi còn bố trí phòng riêng thông thoáng, sạch sẽ trong khu cách ly này có các ghế ngồi để nhân viên y tế nghỉ ngơi khi mệt mỏi rồi sau đó lại có thể tiếp tục công việc mà không phải thay áo quần để ra khu cách ly.

Giảm gánh nặng cho các địa phương có dịch

Cả nước đang cùng hướng về mục tiêu chống dịch COVID - 19, đã có những “yêu thương” mà Bệnh viện Trung ương Huế san sẻ với các tỉnh, thành là tâm điểm của dịch bệnh. GS có thể chia sẻ về điều này?

“Yêu thương” - Đương nhiên rồi, nhưng đó cũng là trách nhiệm của Bệnh viện Trung ương Huế, chúng tôi còn phải sẵn sàng chia sẻ với các vùng có dịch.

Hiện tại, Bệnh viện Trung ương Huế đang điều trị cho các bệnh nhân rất nặng từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị. Ngoài ra, chúng tôi còn làm xét nghiệm PCR cho tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh có dịch, từ tháng 3 đến bây giờ, với khoảng trên  20.000 mẫu xét nghiệm.

Trong suy nghĩ của chúng tôi, chỉ đơn giản khi mình làm thêm việc gì sẽ giúp các đồng nghiệp ở vùng có dịch đỡ việc ấy. Họ sẽ nhẹ nhàng hơn với mục tiêu đẩy lùi COVID-19.

Bệnh viện Trung ương Huế là địa chỉ khám chữa bệnh uy tín tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Sắp tới, bệnh viện sẽ có kế hoạch gì để đảm bảo chống dịch trong tỉnh và giúp đỡ các tỉnh, thành lân cận?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện 2 nhiệm vụ, thứ nhất đảm bảm chống dịch trong tỉnh. Theo đó, phải đảm bảo điều trị, sàng lọc và xét nghiệm một cách hiệu quả nhất, kiên quyết không để COVID-19 lọt vào bệnh viện. Khi đó, các bệnh nhân từ các nơi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế sẽ an toàn.

Ngoài ra, với năng lực xét nghiệm của Bệnh viện Trung ương Huế thì có thể đảm bảo khoảng 1.000-1.500 mẫu/ngày, do vậy có thể hỗ trợ cho những tỉnh trong khu vực.

Chúng tôi sẽ tổ chức các đợt tập huấn, đào tạo cho các bệnh viện ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên về thở máy, điều trị hồi sức, phục hồi chức năng, dinh dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn, xét nghiệm… để phục vụ công tác chống dịch.

Trong thời điểm này, thông điệp mà GS muốn gửi đến người dân là gì?

Người dân cần thực hiện tốt công tác giãn cách xã hội. “Chúng tôi làm việc vì bạn thì các bạn ở nhà vì chúng tôi”, thông điệp ấy bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Mọi người nên hạn chế tiếp xúc, hạn chế đi lại trong mùa dịch.

Xin cảm ơn Giáo sư!

LÊ THỌ - THU THỦY (Thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy hợp tác điều trị nhi khoa với các giáo sư Nhật Bản
Thúc đẩy hợp tác điều trị nhi khoa với các giáo sư Nhật Bản

Ngày 16/2, Giáo sư Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp đón đoàn Giáo sư Hiroyuki Shichino đến từ Nhật Bản. Đây là chuyến viếng thăm ở cương vị Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện NCGM của Giáo sư Hiroyuki Shichino trước khi ông nghỉ hưu.