Chủ Nhật, 02/11/2014 05:41

“Chúng tôi đang bắt tay thực hiện dự án lớn ở Huế”…

Catherine Karnow là một nhiếp ảnh gia người Mỹ làm việc tại tạp chí National Geographic. Cha của chị là nhà báo Stanley Karnow, tác giả loạt phim tài liệu 13 tập Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình. Tình yêu của cha với đất nước Việt Nam đã truyền cảm hứng đến Catherine và chị gắn bó với Việt Nam 27 năm qua. Nhân chuyến dừng chân sáng tác tại Huế, chị đã dành cho Báo Thừa Thiên Huế cuộc trò chuyện thú vị. Chị chia sẻ:

Chân dung Catherine Karnow . Ảnh: NVCC

Tôi đến Huế nhiều lần vì đã tổ chức các khoá học về nhiếp ảnh ở đây. Tôi muốn những thành viên tham dự khóa học được trải nghiệm về đạo Phật, khung cảnh làng quê, cảnh sắc thiên nhiên. Huế với tôi mang ý nghĩa về quá khứ vàng son, với những công trình cổ xưa. Tôi đến rất nhiều nơi, các ngôi chùa, trong hoàng thành... để ngắm những góc ảnh, đi tìm linh hồn xứ Huế. Với tôi, chúng thật sự đẹp.

Cha chị, chị là những người khiến bên ngoài có cái nhìn chân thực hơn về Việt Nam. Điều gì ở Việt Nam tạo nên sức hút cho hai người vậy?

Cha tôi viết phóng sự về Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ và đã đến đây rất nhiều lần. Còn tôi, đến nay đã có 27 năm gắn bó với mảnh đất hình chữ S này. Tôi lớn lên ở Hong Kong - một nơi rất gần với Việt Nam, và đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1990. Có thể nói, ở đây, tôi có cảm giác như ở nhà. Tôi tiếp tục trở lại đây nhiều lần vì Việt Nam mang lại cảm hứng cho tôi. Tôi cảm thấy vòng tay Việt Nam như bao bọc lấy tôi.

Tôi cũng cảm thấy như người Việt Nam biết tôi, hiểu tôi, chấp nhận tôi. Nói về con người nơi đây, tôi thấy được sự tôn trọng và luôn có xúc cảm. Tôi cảm thấy bản thân tôi và Việt Nam có sự hài hoà với nhau, và chấp nhận lẫn nhau. Nơi đây tôi được là chính mình, không phải là một người Mỹ mà chỉ đơn giản là chính bản thân tôi.

Một lý do khác mà tôi trở lại đây từ lần này sang lần khác chính vì những bức ảnh. Là một nhiếp ảnh gia, việc người Việt Nam tôn trọng bạn, chấp nhận bạn là điều rất thú vị. Khi tôi bước dọc theo những con đường, những người Việt Nam nhìn thấy tôi với máy ảnh trên tay, họ đều mỉm cười. Điều đó thật tuyệt! Nó khiến tôi cảm thấy được chào đón, và đồng ý tựa như:  “Được rồi, bà cứ chụp đi”!  Tôi muốn làm việc ở nơi mà người ta chào đón mình. Tôi muốn chụp ảnh là mang lại cho người ta niềm vui, một điều gì đó tốt đẹp.

Chia sẻ niềm vui với nhân vật là điều Catherine Karnow hay làm khi tác nghiệp

27 năm gắn bó với Việt Nam, có phần nào trong con người chị bị “Việt hóa” không?

Tôi nghĩ điều tôi học được ở Việt Nam đó là quan điểm, là nhận thức về “cái duyên”, về số phận. Hãy cứ thoải mái, vô tư, cái gì đến thì nó sẽ đến. Có những việc không phải cứ bạn muốn nó xảy ra là nó xảy ra. Chỉ là bạn phải nỗ lực hết mức có thể. Khi làm việc ở đây, tôi đã học được điều đó từ những người đặc biệt, và tôi thấy quả đúng như vậy!

Tôi hi vọng mình có “cơ duyên tốt”.

Chị đến đâu thì người ta kỳ vọng sẽ có một bộ ảnh đẹp về vùng đất đó, lần này thì sao? Nghe nói chị có một dự án dành riêng cho Huế...

Với chuyến đi này, tôi và ông Nguyễn Trung Trực (chồng bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) vừa bắt đầu một dự án lớn. Tôi rất vui khi thực hiện dự án này, vì nó cho phép tôi được chụp “cái hồn của Việt Nam”, thứ tôi luôn muốn thể hiện trong các tác phẩm của mình nhiều năm qua nhưng chưa làm được.

Dự án này sẽ kéo dài để chụp lại tinh thần Huế, cái hồn Huế. Đó là con người Huế, là vẻ đẹp nơi đây... Chúng tôi cũng sẽ chụp những cảnh tự nhiên, như sông Hương... nhưng theo một cách khác, không giống như hình ảnh thường thấy trên các tấm bưu thiếp (postcard).

Chị có vô số những bức ảnh và đã từng tổ chức triển lãm ở Việt Nam, thông điệp chị muốn gửi đến người xem khắp thế giới là gì?

Khi chụp hình, tôi chỉ muốn lưu giữ lại khoảnh khắc đó thôi. Tôi đã tổ chức những khoá học, những hội thảo ở đây và mang đến những người có lẽ là chưa bao giờ đến Việt Nam, không phải tất cả nhưng phần lớn trong số đó là người Mỹ, đa số là người trung niên, từ 50-60 tuổi. Chúng tôi trải qua vài ngày ở Hà Nội, vài ngày ở Huế, ở Hội An, Đà Nẵng. Chúng tôi đến những nơi mà tôi từng biết, chia sẻ những góc nhìn mà tôi thấy được. Tôi mang lại cho những người tham dự những trải nghiệm mà tôi có được trong việc chụp ảnh. Chúng tôi ngồi lại cùng nhau, cùng lắng nghe, và cùng cảm nhận xem mình là ai, mình có cảm xúc gì... và kết nối với nhau. Nó cũng giống như tinh thần trong bài hát “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Thông qua những bức ảnh, tôi muốn người xem phải thốt lên rằng “Sao người Việt Nam có thể tử tế đến vậy? Sao người Việt Nam có thể ân cần đến vậy? Họ thật đẹp, thật tuyệt vời biết bao!”. Đó là trải nghiệm của tôi sau cả một thời gian dài và là những gì tôi muốn truyền tải trong các bức ảnh của mình qua các khóa học.

Được biết chị thường có những tình bạn với nhân vật trong bức ảnh trong những lần sáng tác. Đó là cơ duyên hay là một “phương pháp làm việc” khiến những bức ảnh của chị trở nên đặc biệt hơn?

Có một nhà sư từng nói với tôi rằng, khi ông nhìn vào những bức hình của tôi, ông nhìn thấy lòng thương, thấy cốt lõi của đạo Phật. “Bạn hay tôi, chúng ta là những dòng chảy khác nhau, nhưng chảy ra cùng một đại dương. Tôi từng nghe đến điều này từ lâu, nhưng giờ mới cảm nhận được điều đó. Đó thực sự là cách tôi cảm nhận về việc chụp ảnh. Tôi thường dùng ngôn từ để kết nối, để giao tiếp. Nhưng đôi khi, ngôn từ là không đủ. Khi ta chụp một người nào đó, hay nhiều người, rõ ràng chúng ta là những cá thể riêng biệt, khác nhau, nhưng trong quá trình chụp ảnh, chúng ta xích lại gần nhau. Tôi luôn tự hỏi tại sao tôi lại ôm những người mình chụp ảnh. Tôi muốn hoà vào họ. Bởi vì, cùng nhau chúng ta đã hoà làm một. Đó chính là những gì mà việc chụp ảnh có thể làm được”. Tôi nghĩ rằng đó là nhận xét rất đúng với suy nghĩ của tôi.

Nhắc đến cái tên Catherine Karnow, người ta thường nhắc đến Việt Nam và những bức ảnh cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chị nghĩ gì về điều này và trong tương lai, chị có kế hoạch gì ở Việt Nam hay không?

Với cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi đã có một mối quan hệ rất lâu bền. Đó là một vinh dự lớn. Trong cả một thời gian dài, tôi đã từng không biết tại sao ông ấy lại chọn tôi, lại mời tôi đi cùng trong chuyến thăm lại Điện Biên Phủ. Tôi cũng rất tò mò, tự hỏi không biết có phải vì mối quan hệ với cha tôi hay vì điều gì khác... mãi cho đến mấy năm gần đây tôi mới được biết. Đó thực sự là niềm vinh hạnh của tôi, niềm vinh hạnh kéo dài theo thời gian. Tôi chỉ biết cố gắng hết mình để chụp được những bức ảnh đẹp khi ở cùng với ông. Tôi chỉ biết mình phải cố gắng hết sức mình để bắt được khoảnh khắc đẹp nhất có thể, và sau đó có thể trao nó cho gia đình Đại tướng. Đó là lý do hay nhất mà tôi có thể nghĩ đến.

Về những dự định của tôi ở Việt Nam, tôi thấy mọi thứ đều đang dần mở rộng, dần lớn lên. Điều đó có nghĩa rằng tôi sẽ có thêm nhiều mối quan hệ, nhiều ý tưởng, nhiều dự án mới, nhiều nơi để đi.

Cảm ơn và chúc chị triển khai dự án thành công!

Cùng ngắm một số hình ảnh về con người, phong cảnh Huế... qua ống kính Catherine:

Thong dong lối đạo

Duyên với Huyền Không Sơn Thượng

Phút thư thái ở chùa Từ Ân

Phía sau hậu trường

Sắc màu

Lồng chim

Nữ sinh viên trường ĐH Y Huế trong trang phục áo dài của nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu, người luôn quan niệm rằng "áo dài là một tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi sự thanh lịch và mỹ học".

L.Tuệ - T.Quyên (Thực hiện)

 

 

 

 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kể chuyện sông Mê Kông qua ảnh
Kể chuyện sông Mê Kông qua ảnh

“Mê Kông - Chuyện đôi bờ” là triển lãm ảnh do Viện Pháp tại Việt Nam - Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phối hợp tổ chức vừa khai mạc chiều 25/6 tại Viện Pháp tại Huế. Dự khai mạc có ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam.